Cách chữa viêm loét dạ dày bằng thuốc đúng phác đồ 

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Cách chữa viêm loét dạ dày cần được thực hiện theo đúng phác đồ dựa theo đúng tình trạng cụ thể của bệnh. Trong đó, điều trị bằng thuốc được áp dụng rất phổ biến cùng ưu điểm dễ thực hiện, hiệu quả điều trị tốt, chi phí thấp.

1. Nguyên tắc khi áp dụng cách chữa viêm loét dạ dày bằng thuốc

Điều trị bằng thuốc được áp dụng trong hầu hết các trường hợp viêm loét dạ dày khi chưa gây ra những biến chứng nguy hiểm như xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày, ung thư dạ dày,… (các trường hợp nghiêm trọng này thường phải làm phẫu thuật kịp thời).

Điều trị bằng thuốc chỉ được thực hiện khi có chỉ định từ bác sĩ, tuyệt đối không tự ý mua thuốc tự điều trị và người bệnh cần tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

– Chủ yếu bám sát đúng nguyên nhân gây bệnh để điều trị;

– Sử dụng các loại thuốc giúp ức chế sự tiết axit và loại bỏ các nhân tố gây hủy hoại niêm mạc dạ dày;

– Phối hợp giữa điều trị bằng thuốc và việc cân bằng chế độ ăn, lối sống sinh hoạt hằng ngày;

Trên hết, mỗi người bệnh cần chủ động thăm khám trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá chính xác về tình trạng bệnh. Từ đó, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị cụ thể, chỉ định các loại thuốc cụ thể và hướng dẫn chăm sóc đúng cách để mang lại hiệu quả điều trị toàn diện, an toàn và hiệu quả.

Nguyên tắc trong cách chữa viêm loét dạ dày bằng thuốc

Chữa viêm loét dạ dày bằng thuốc cần được thực hiện đúng theo chỉ định của bác sĩ sau khi đã kết luận chính xác tình trạng bệnh.

2. Các loại thuốc được chỉ định trong điều trị viêm loét dạ dày

2.1. Cách chữa viêm loét dạ dày bằng thuốc kháng axit

Ưu điểm: Thuốc có tác dụng cân bằng pH trong dịch vị, nhờ đó giúp giảm cơn đau dạ dày hiệu quả. Ngoài ra, nhóm thuốc này còn hỗ trợ chống đầy hơi, tạo độ che phủ để bảo vệ lớp niêm mạc dạ dày tốt hơn;

Nhược điểm: Thuốc mặc dù có tác dụng nhanh nhưng lại chỉ duy trì hiệu quả trong thời gian ngắn. Trong một số trường hợp thuốc còn có thể đem lại những tác dụng phụ không mong muốn như táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài;

Hướng dẫn sử dụng: Người bệnh dùng thuốc trước bữa ăn 30 phút hoặc sau ăn 1 giờ. Trường hợp bị đau dạ dày đột ngột cũng có thể dùng thuốc ngay nhưng lưu ý chỉ được sử dụng tối đa 3 lần/ngày.

2.2. Nhóm thuốc ức chế bơm proton

So với thuốc kháng axit, thuốc ức chế bơm proton có tác dụng chậm hơn nhưng khả năng ức chế axit là mạnh nhất. Và trong số các loại thuốc dùng trong phác đồ điều trị viêm loét dạ dày thì đây là thuốc ít gây tác dụng phụ (thường người bệnh chỉ gặp phải tiêu chảy nhẹ hoặc hơi đau đầu).

Hướng dẫn sử dụng: Dùng thuốc trước khi ăn 15 – 30 phút và uống 1 lần/ngày.

2.3. Nhóm kháng thụ thể H2

Ưu điểm: Thuốc cho tác dụng nhanh ở ngay trong ngày đầu sử dụng, giá thành hợp lý. Đặc biệt, nhóm thuốc kháng thụ thể H2 giúp kiểm soát tốt lượng dịch vị tiết ra ngay cả vào ban đêm. Nhờ đó, giảm hẳn những cơn đau dạ dày về đêm, hạn chế việc ảnh hưởng tới giấc ngủ của người bệnh;

Nhược điểm: Thuốc có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như suy thận, viêm gan, vú to ở nam giới;

Hướng dẫn sử dụng: Dùng thuốc trước ăn 30 phút và khoảng 2 lần/ngày. Trong trường hợp người bệnh có dùng kèm thuốc kháng axit thì cần uống 2 loại này cách nhau 2 giờ đồng hồ.

2.4. Thuốc giúp bảo vệ lớp niêm mạc dạ dày

Những loại thuốc có tác dụng bảo vệ lớp niêm mạc dạ dày thường được sử dụng như:

– Bismuth: Tác dụng chính của thuốc là tiêu diệt vi khuẩn HP và bảo vệ lớp niêm mạc dạ dày;

– Rebamipide: Tác dụng kháng viêm và kích thích tiết ra Prostaglandin. Nhờ đó giúp hỗ trợ làm lành vết loét nhanh chóng, nhất là ở những tổn thương trên 2cm;

– Sucralfate: Thuốc giúp nhanh chóng tạo thêm lớp nhầy bao phủ niêm mạc nhưng thuốc chỉ có tác dụng trong thời gian ngắn và còn có thể gây táo bón;

– Misoprostol: Tương tự như Sucralfate, Misoprostol giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày nhờ cơ chế tăng tiết chất nhầy bao phủ. Ngoài ra thuốc còn giúp gia tăng lưu lượng máu đi tới niêm mạc nhưng nhược điểm là gây ra nhiều tác dụng phụ nên thường ít được chỉ định.

Thuốc điều trị bệnh viêm loét dạ dày

Bảo vệ tốt lớp niêm mạc dạ dày giúp hạn chế những tổn thương và cải thiện tình trạng bệnh viêm loét dạ dày.

2.5. Cách chữa viêm loét dạ dày HP

Viêm loét dạ dày HP để chỉ các trường hợp bệnh viêm loét dạ dày gây ra bởi vi khuẩn HP. Trong trường hợp này, người bệnh có thể được điều trị dựa theo các phác đồ cụ thể như sau:

Phác đồ kết hợp 3 thuốc:

– Thuốc ức chế bơm proton: Dùng trước ăn 30 phút, uống 2 lần/ngày;

– Clarithromycin 500mg: Dùng vào buổi sáng và tối sau ăn, uống 1 viên/lần;

– Amoxicillin 500mg: Dùng vào buổi sáng và tối sau ăn, uống 2 viên/lần.

Phác đồ kết hợp 3 thuốc và có Levofloxacin:

– Thuốc ức chế tiết axit qua bơm proton: Dùng trước ăn 30 phút, uống 2 lần/ngày;

– Levofloxacin 500 mg: Dùng vào buổi sáng và tối sau ăn, uống 1 viên/lần;

– Amoxicillin 500mg: Dùng vào buổi sáng và tối sau ăn, uống 2 viên/lần.

Phác đồ nối tiếp chia 2 giai đoạn:

– Giai đoạn 1 (trong 5 ngày đầu): Dùng thuốc ức chế tiết axit qua bơm proton cùng thuốc Amoxicillin 500mg;

– Giai đoạn 2 (trong 5 ngày kế tiếp): Dùng thuốc ức chế tiết axit qua bơm proton, thuốc Tinidazol 500mg và Clarithromycin 500mg.

Phác đồ kết hợp 4 thuốc:

– Phác đồ bao gồm Bismuth: Sử dụng thuốc ức chế bơm proton, Tetracycline, Metronidazole và Bismuth;

– Phác đồ không gồm Bismuth: Sử dụng thuốc ức chế bơm proton, Amoxicillin, Clarithromycin và Tinidazol.

Lưu ý: Những thông tin về thuốc điều trị trên đây chỉ được mang tính chất tham khảo. Người bệnh tuyệt đối không tự ý mua thuốc, chỉ tiếp nhận điều trị nội khoa khi đã có chỉ định từ bác sĩ sau khi thăm khám và kết luận chính xác về tình trạng bệnh.

3. Kết hợp chế độ ăn lành mạnh và sinh hoạt đúng cách

Bên cạnh việc tuân thủ các chỉ định điều trị bằng thuốc, người bệnh viêm loét dạ dày còn đặc biệt cần quan tâm tới chế độ ăn lành mạnh và điều chỉnh thói quen sinh hoạt phù hợp. Cụ thể:

– Bổ sung nhóm chất xơ từ trái cây tươi, rau xanh và các loại ngũ cốc nguyên hạt.

– Ưu tiên thức ăn mềm, nấu nhuyễn để dễ tiêu hóa.

– Sử dụng kết hợp các nhóm thực phẩm hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày như: nghệ, mật ong, gừng, nha đam,..

Thực phẩm tốt cho người bệnh viêm loét dạ dày

Gừng, nghệ, mật ong là những thực phẩm hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày rất tốt.

– Không sử dụng đồ ăn cay nóng, đồ ăn quá nhiều dầu mỡ, đồ ăn không đảm bảo vệ sinh.

– Không hút thuốc lá, tránh xa khói thuốc lá.

– Tránh xa đồ uống có cồn điển hình là rượu, bia và hạn chế các đồ uống kích thích như trà đặc, cà phê,..

– Tránh thức khuya.

– Luôn giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng và stress kéo dài.

– Luyện tập thể dục thể thao một cách điều độ, tránh tập quá sức, lựa chọn bộ môn phù hợp với thể lực như đi bộ, chạy bộ, yoga,…

– Ăn đủ bữa, đúng giờ và hãy tập trung khi ăn.

Cách chữa viêm loét dạ dày bằng thuốc sẽ cho hiệu quả tốt khi người bệnh tuân thủ đúng các chỉ định từ bác sĩ cùng chế độ ăn uống sinh hoạt hợp lý. Bên cạnh đó, đừng quên thực hiện tái khám đều đặn để đánh giá quá trình điều trị và kiểm soát tốt nhất tính trạng bệnh.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital