Cách chữa mất ngủ không do bệnh lý dễ thực hiện tại nhà

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Bạn đã biết cách chữa mất ngủ (không do nguyên nhân bệnh lý) dễ thực hiện hàng ngày chưa? Mất ngủ là một trong những căn bệnh phổ biến nhất ở mọi lứa tuổi hiện nay và rất khó điều trị. Tình trạng mất ngủ kéo dài sẽ dẫn đến mệt mỏi, suy nhược cơ thể… Tùy theo nguyên nhân gây mất ngủ mà có thể dùng thuốc hoặc một số cách đơn giản hàng ngày để hỗ trợ hạn chế bệnh.

1. Biểu hiện của chứng mất ngủ

Hiện nay có khoảng 30% người trưởng thành bị mắc chứng mất ngủ. Mất ngủ kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống hằng ngày: Cảm thấy người mệt mỏi, đầu óc trì trệ, khả năng phán đoán chậm chạp, lúc nào cũng thấy buồn ngủ, ăn không thấy ngon miệng, cảm xúc dễ bị kích động… Các biểu hiện chung của chứng mất ngủ như sau:

Đêm trằn trọc khó ngủ

Ngủ không sâu giấc

Tỉnh dậy rồi thì khó ngủ lại

Mệt mỏi sau từng giấc ngủ

Hay buồn ngủ vào ban ngày

Dễ nổi nóng, cáu bẳn, không ổn định cảm xúc

Hay quên, không tập trung

Mất ngủ là tình trạng phổ biến

Mất ngủ là tình trạng phổ biến

2. Nguyên nhân dẫn đến mất ngủ

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất ngủ, nhưng dưới đây là những nguyên nhân thường gặp nhất:

Căng thẳng, bị stress: Do áp lực cuộc sống, áp lực trong học tập, áp lực trong công việc, chuyện tình cảm không vui vẻ, chia tay, ly hôn, gặp những khó khăn trong cuộc sống hàng ngày, đột nhiên gặp biến cố gì đó…

Giờ giấc sinh hoạt thay đổi: Khi bạn thay đổi giờ sinh hoạt đột ngột ví dụ như môi trường làm việc mới, đi du lịch, chuyển đến nơi mới lệch múi giờ…thì nhịp sinh hoạt của bạn sẽ bị rối loạn.

Thường xuyên dùng chất kích thích hệ thần kinh như rượu, bia, thuốc lá, cà phê, trà đặc…

Ăn quá no vào buổi tối: Việc nạp quá nhiều chất vào buổi tối đặc biệt là trước khi đi ngủ sẽ dẫn đến tình trạng ợ hơi, đầy bụng, khó tiêu, trào ngược dạ dày,…sẽ khiến bạn trằn trọc khi ngủ.

Thói quen xấu trong sinh hoạt: Thường xuyên thức khuya, ngủ trưa quá nhiều, lười vận động, lạm dụng thiết bị điện tử…

Ảnh hưởng từ các yếu tố môi trường: Tiếng ồn, ánh đèn quá sáng, không gian bí bách…

Mắc một số bệnh lý: Đặc biệt là các bệnh mạn tính như xương khớp, dạ dày, đại tràng, tiểu đường, đau nửa đầu…

3. Tác hại của chứng mất ngủ

Chứng mất ngủ nhất là mất ngủ kinh niên sẽ dẫn đến tình trạng người mệt mỏi, chán ăn, thiếu sức sống, không tập trung, công việc giảm hiệu xuất…

Tinh thần không thoải mái, thường xuyên buồn ngủ, không thể tập trung làm việc, dễ cáu gắt…

Rối loạn tâm lý: Nếu tình trạng mất ngủ kéo dài sẽ khiến người bệnh lâm vào trạng thái lo âu, phiền muộn, rất dễ bị trầm cảm.

Dễ bị béo phì, da xấu đi: Do hoạt động của não bộ, những người mắc chứng mất ngủ sẽ thấy nhanh đói và thường xuyên thèm ăn vì vậy sẽ rất dễ tăng cân. Khi giấc ngủ không được đảm bảo, cấu trúc collagen cũng sẽ bị phá vỡ dẫn đến tình trạng da khô, nám và chảy xệ…

Sinh lý suy giảm: Theo Hiệp hội Y Học Hoa Kỳ (JAMA), mất ngủ sẽ khiến nam giới giảm nồng độ testosterone trong cơ thể dẫn đến giảm ham muốn, xuất tinh sớm, rối loạn sinh lý…

Tăng nguy cơ bị ung thư: Đặc biệt ung thư đại tràng và ung thư vú.

Mất ngủ kinh niên có thể dẫn đến đột quỵ

Mất ngủ kinh niên có thể dẫn đến đột quỵ

4. Cách chữa mất ngủ không do nguyên nhân bệnh lý

Với những trường hợp mất ngủ cấp tính do yếu tố môi trường, thay đổi giờ sinh hoạt, thói quen…thì thường không cần phải dùng đến thuốc. Có thể áp dụng những cách chữa mất ngủ dễ thực hiện sau để hỗ trợ cải thiện vấn đề:

4.1 Thiết lập lại giờ giấc ngủ

Tạo thói quen ngủ là phương pháp tốt nhất để cải thiện tình trạng mất ngủ. Khung giờ chuẩn nhất cho giấc ngủ của bạn là đi ngủ trước 23 giờ và thức dậy 5 – 6 giờ sáng, ngủ trưa khoảng 30 phút. Ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày sẽ giúp các cơ quan hoàn thành nhiệm vụ thải độc cho cơ thể, giúp cơ thể khỏe mạnh, tinh thần lạc quan.

4.2 Chăm chỉ tập thể dục

Các hoạt động như thiền, yoga, đạp xe, erobic, tắm nước ấm hay đọc sách…đều sẽ giúp ích cho giấc ngủ của bạn. Vận động cơ thể không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn để khí huyết lưu thông, giấc ngủ của bạn sẽ ngon hơn và sâu giấc hơn.

4.3 Thư giãn, massage

Sau một ngày học tập và làm việc mệt mỏi, buổi tối là khoảng thời gian để bạn thư giãn bản thân. Bạn có thể ngâm chân bằng nước ấm trước khi ngủ, massage cơ thể đặc biệt là vùng đầu. Cơ mặt sẽ kích thích máu lưu thông lên não, sẽ cải thiện chất lượng giấc ngủ và khi ngủ dậy cũng sẽ không cảm thấy mệt mỏi.

4.4 Thực hiện thói quen ăn uống có lợi

Bạn hãy cải thiện giấc ngủ qua các bữa ăn hằng ngày: Sử dụng các thực phẩm tốt cho giấc ngủ ví dụ như ngũ cốc hạt, thịt đỏ, sữa ấm…Hạn chế sử dụng rượu, bia, đồ có cồn, cà phê, nước tăng lực… Và nhớ là tránh ăn no và ăn đồ khó tiêu trước khi đi ngủ nhé!

Trà tâm sen là cách chữa mất ngủ từ dân gian, giúp hỗ trợ ngủ ngon

Trà tâm sen là cách chữa mất ngủ từ dân gian, giúp hỗ trợ ngủ ngon

4.5 Cách chữa mất ngủ bằng phương pháp dân gian

Đây là những bài thuốc hiệu quả từ các nguyên liệu tốt cho giấc ngủ như hạt sen, gừng, lạc tiên, mật ong, nụ hoa tam thất…Các bài thuốc được dân gian truyền lại như: ngâm chân bằng nước gừng, ăn chè hạt sen, canh hạt sen, uống trà lạc tiên, hòa một cốc nước ấm với 2 thìa mật ong và 1 thìa muối… Những cách này có thể hỗ trợ giúp thư giãn và cảm giác buồn ngủ nhanh kéo đến.

4.6 Thay đổi môi trường ngủ thuận lợi hơn

Tốt nhất là bạn không nên để tivi trong phòng ngủ, hãy thường xuyên thay chăn ga gối đệm nếu thấy cứng thì phải đổi ngay, luôn giữ cho phòng thông thoáng sạch sẽ, không để các thiết bị điện tử trên giường, tạo không gian phòng ngủ yên tĩnh…

4.7 Bổ sung đầy đủ vitamin

Hãy đảm bảo cơ thể của bạn luôn đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là khoáng chất. Các loại vitamin có liên quan đến não bộ, hỗ trợ tốt nhất cho giấc ngủ là: Vitamin D, vitamin A, vitamin E, vitamin C, Magie, sắt…

4.8 Cách chữa mất ngủ bằng tinh dầu

Để giúp bạn dễ ngủ hơn, đây là 4 loại tinh dầu hiệu quả nhất có tác dụng an thần và không có tác dụng phụ:

– Tinh dầu đàn hương: tốt cho những người bị rối loạn giấc ngủ.

– Tinh dầu oải hương: giúp thư giãn tinh thần và cơ thể.

– Tinh dầu hoa cúc: làm dịu chứng lo âu, phiền muộn.

– Tinh dầu hoa nhài: an thần tự nhiên, hương dịu dàng.

Mong rằng, với những cách chữa mất ngủ đơn giản nói trên có thể giúp bạn cải thiện được tình trạng mất ngủ và có một cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên, đây chỉ là những phương pháp mang tính cải thiện, hỗ trợ. Nếu tình trạng mất ngủ kéo dài, bạn nên thăm khám bác sĩ để chẩn đoán chính xác nguyên nhân. Trường hợp mất ngủ do bệnh lý cần điều trị tận gốc nguyên nhân gây bệnh. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital