Cách chữa cảm cúm cho trẻ sơ sinh không dùng thuốc

Tham vấn bác sĩ

Cách chữa cảm cúm cho trẻ sơ sinh không dùng thuốc là điều mà rất nhiều bố mẹ đang tìm kiếm. Điều này xuất phát từ tâm lý trẻ sơ sinh còn quá nhỏ, bố mẹ hạn chế dùng thuốc nhất có thể việc cho con dùng thuốc. Do đó, bài viết dưới đây sẽ gợi ý đến các bố mẹ những cách không dùng thuốc vẫn có thể hỗ trợ chữa bệnh hiệu quả cho các bé sơ sinh mắc cảm cúm.

1. Xịt rửa mũi cho bé sơ sinh bị cảm cúm

Trẻ sơ sinh khi mắc cúm thường bị chảy nước mũi, làm nghẹt mũi và khó thở. Vì còn nhỏ, bé chưa biết tự xì mũi, do đó bố mẹ nên sử dụng dụng cụ xịt rửa chuyên dụng để giúp bé hút mũi. Cách xịt mũi cho bé sơ sinh có thể được thực hiện theo các bước sau:

– Chuẩn bị đầy đủ dụng cụ bao gồm dụng cụ hút mũi, khăn hoặc giấy mềm, cùng nước muối sinh lý để rửa mũi.

– Đặt bé nằm ngửa và đặt một tấm khăn mềm dưới đầu bé. Nhỏ 1-2 giọt nước muối vào mỗi bên mũi để làm lỏng dịch mũi, giúp việc hút dễ dàng hơn và có tác dụng diệt khuẩn.

– Bố mẹ giữ chắc đầu bé và tiến hành hút nhẹ nhàng dịch nhầy bên trong mũi bé.

– Sau khi hoàn thành việc hút, nhỏ mỗi bên mũi 1 giọt nước muối sinh lý nữa để vệ sinh lại mũi cho bé.

Cách chữa cảm cúm cho trẻ sơ sinh không dùng thuốc-1

Bố mẹ nên xịt rửa mũi cho bé sơ sinh bị cảm cúm

Trong quá trình hút mũi cho bé, bố mẹ cần thao tác nhẹ nhàng để tránh làm tổn thương mũi bé. Mỗi ngày bố mẹ chỉ nên hút mũi cho con 1 – 2 lần và không hút mũi quá 4 ngày liên tiếp. Bởi, điều này có thể khiến mũi bé bị khô, bệnh cảm cúm có thể trở nặng hơn.

2. Cách chữa cảm cúm cho trẻ sơ sinh bằng chế độ ăn và sinh hoạt khoa học

Việc áp dụng chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học cũng là một trong những cách hiệu quả hỗ trợ các bé sơ sinh điều trị cảm cúm.

Sữa mẹ là nguồn cung cấp dinh dưỡng tốt nhất cho mọi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vì thế thế khi trẻ sơ sinh có dấu hiệu cảm cúm, mẹ nên chú ý tăng cữ bú và lượng bú mỗi ngày. Mục đích để đảm bảo cung cấp đủ nguồn dinh dưỡng cho bé mỗi ngày, để bé có thể sớm hồi phục và hết bệnh. Hơn thế, sữa mẹ còn rất giàu kháng thể, có thể hỗ trợ bé chống lại và đẩy lùi các tác nhân gây bệnh cảm cúm.

Trong quá trình hỗ trợ điều trị cho bé sơ sinh mắc cảm cúm, bố mẹ hãy cho bé ngủ nhiều hơn. Hằng ngày, bố mẹ có thể mát xa lòng bàn tay cho bé. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng cần chú ý vệ sinh phòng ngủ, chăn ga gối đệm và quần áo của bé thật sạch sẽ. Điều này sẽ giúp hạn chế tối đa nguy cơ tăng nặng khi bé mắc cảm cúm.

3. Chữa cảm cúm cho các bé sơ sinh bằng tắm nước gừng

Trị cảm cúm cho trẻ sơ sinh không dùng thuốc -2

Cách trị cảm cúm cho các bé sơ sinh bằng tắm nước gừng

Tắm nước gừng là mẹo dân gian giúp phòng ngừa và điều trị cúm cho bé sơ sinh khá hiệu quả và được nhiều mẹ áp dụng. Theo quan niệm dân gian, gừng là thảo dược có tính nóng, có tác dụng thông kinh, hoạt lạc, lưu thông khí huyết. Vậy nên, thảo dược này giúp làm ấm cơ thể, hỗ trợ điều trị cúm khá tốt. Bên cạnh đó, hơi nước từ gừng còn có thể làm lỏng dịch mũi và đờm, giúp bé sơ sinh cảm thấy dễ chịu hơn khi bị cảm cúm.

Để trị cảm cúm cho bé sơ sinh bằng cách tắm nước gừng, bố mẹ tiến hành theo các bước hướng dẫn sau:

– Bố mẹ giã nhuyễn 1 nhánh gừng sống rồi cho vào cốc nước sôi để ủ trong vài phút.

– Bố mẹ lấy nước gừng đã ủ pha vào chậu nước tắm của bé.

– Bố mẹ cho bé sơ sinh tắm với nước gừng vừa pha như bình thường.

Khi tắm cho bé sơ sinh bị cảm cúm bằng nước gừng, bố mẹ cần lưu ý những điều sau:

– Đảm bảo nước tắm của bé được đủ ấm.

– Chỉ dùng 1 nhánh gừng nhằm đảm bảo dung dịch nước tắm không gây kích ứng cho làn da mong manh của bé sơ sinh.

– Bé sơ sinh đang bị cúm cần được tắm nhanh, không ngâm bé trong nước quá lâu. Nếu vào mùa đông thì khi tắm cho bé, bố mẹ nên bật thêm đèn sưởi cho ấm.

4. Tránh những sai lầm hay gặp khi chăm sóc bé sơ sinh cảm cúm tại nhà

Ngoài việc tìm hiểu các cách chữa cúm cho bé hiệu quả, các bố mẹ cũng cần tìm hiểu những sai lầm khi chăm sóc bé bị cúm. Lý do là bởi những sai sót sẽ khiến cho bệnh của bé lâu khỏi, thậm chí còn có thể gây hại cho bé sơ sinh. Dưới đây là một số sai lầm phổ biến mà các bố mẹ thường mắc phải khi chữa cúm cho bé tại nhà:

– Tự ý cho con dùng thuốc: Nhiều bố mẹ vội vàng đưa thuốc trị cúm cho bé mà không có sự chỉ định từ bác sĩ. Điều này có thể gây hại cho sức khỏe của bé, đặc biệt là trẻ sơ sinh, khi cơ thể của họ vẫn đang non nớt và nhạy cảm.

– Sử dụng mật ong cho trẻ nhỏ: Mật ong thường được dùng trong các bài thuốc dân gian chữa cảm cúm, nhưng không nên áp dụng cho trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, vì mật ong có thể gây ngộ độc.

– Tự ý cho bé sơ sinh dùng kháng sinh: Kháng sinh chỉ hiệu quả đối với các bệnh do vi khuẩn gây ra, trong khi cúm là do virus gây nên. Việc sử dụng kháng sinh một cách không cần thiết có thể làm bé trở nên kháng thuốc và tạo điều kiện cho sự phát triển của siêu vi khuẩn, gây hại cho bé.

5. Cho bé khám bác sĩ sớm để tránh bệnh trở nặng

Trẻ sơ sinh với cơ thể còn quá non nớt, sức đề kháng yếu nên khi mắc bất kỳ bệnh gì đều rất nhanh trở nặng nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách. Do đó, dù bé mắc bệnh cảm cúm thông thường bố mẹ cũng không được chủ quan.

Trị cảm cúm cho trẻ sơ sinh không dùng thuốc -3

Trẻ sơ sinh cơ thể còn non, sức đề kháng yếu, nên được đi khám sớm nếu có triệu chứng bất thường

Nếu sau 2 ngày chăm sóc và hỗ trợ điều trị tại nhà, các triệu chứng cảm cúm của bé sơ sinh không đỡ, bố mẹ hay cho bé đi bác sĩ ngay. Tại Thu Cúc TCI hay các cơ sở y tế uy tín, bé sẽ được bác sĩ giỏi trực tiếp thăm khám, chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh và tư vấn cách chữa cảm cúm cho trẻ sơ sinh an toàn, hiệu quả. Trong trường hợp cần thiết, bé sẽ được bác sĩ tư vấn để bệnh chóng khỏi. Việc của bố mẹ cần làm là tuân thủ đúng theo chỉ định của bác sĩ để bệnh của con có thể khỏi dứt điểm và không tái lại.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital