Cách chăm trẻ bị cảm lạnh đúng cách phụ huynh nên biết

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Trẻ nhỏ rất dễ mắc bệnh cảm lạnh, nhưng thông qua chăm sóc đúng cách, trẻ có thể nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh. Bài viết này sẽ cung cấp hướng dẫn cho ba mẹ về cách chăm trẻ bị cảm lạnh theo tiêu chuẩn khoa học ngay tại nhà, nhằm giúp bé phục hồi sức khỏe một cách nhanh chóng.

1. Những dấu hiệu cho thấy trẻ bị cảm lạnh

Cảm lạnh là một trong những bệnh phổ biến nhất ở trẻ nhỏ, do virus gây ra. Có khoảng hơn 200 loại virus khác nhau có khả năng gây cảm lạnh, Rhinovirus là loại virus phổ biến nhất.

Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi có thể mắc 8-10 đợt cảm lạnh mỗi năm. Trong giai đoạn đi mẫu giáo, số lần mắc cảm lạnh có thể lên tới khoảng 9 lần mỗi năm, nhưng con số này giảm xuống còn 2-4 lần khi trẻ lớn hơn.

Khi bị cảm lạnh, trẻ sẽ có các dấu hiệu như sau:
– Chảy nước mũi.
– Ho.
– Sốt.
– Hắt hơi.
– Mệt mỏi, khóc nhiều.

cách chăm trẻ bị cảm lạnh

Trẻ dưới 2 tuổi thường dễ nhiễm cảm lạnh

Những triệu chứng của cảm lạnh thường giảm nhẹ và hết sau khoảng 7-10 ngày nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, có những trường hợp cảm lạnh có thể trở nặng hơn và cần sự chăm sóc y tế từ bác sĩ chuyên khoa.

2. Những nguyên nhân gây ra cảm lạnh ở trẻ

Các virus là tác nhân gây cảm lạnh ở trẻ. Chúng xâm nhập vào cơ thể và gây kích ứng, viêm nhiễm vùng niêm mạc mũi và họng. Những loại virus này có thể xâm nhập vào cơ thể trẻ thông qua các con đường sau đây:

– Khi trẻt iếp xúc ở khoảng cách gần với người bệnh: Trẻ có thể hít phải virus trong không khí xung quanh người bệnh. Nhất là khi họ đang ho hoặc hắt hơi, làm cho một lượng nhỏ virus lơ lửng trong không khí đi vào cơ thể.

– Tiếp xúc với đồ vật chứa virus: Virus gây cảm lạnh có thể lây lan sang cơ thể trẻ khi con chạm vào đồ vật, đồ chơi có chứa virus. Sau đó, trẻ có thể ngậm đồ chơi hoặc đưa tay vào mũi, miệng, từ đó virus dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.

3. Biến chứng bệnh cảm lạnh như thế nào?

Cảm lạnh ở trẻ có thể tự khỏi nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, nếu không can thiệp kịp thời, nhiều trường hợp có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm hơn.

Các biến chứng của cảm lạnh bao gồm:

– Viêm tai giữa: Cảm lạnh với triệu chứng chảy nước mũi có thể gây tắc nghẽn đường mũi, gây phù nề ở mũi, họng và vòi nhĩ. Nếu kéo dài, có thể dẫn đến viêm tai giữa.
– Viêm họng: Cảm lạnh kéo dài có thể gây viêm họng với các triệu chứng như đau họng, đỏ amidan, sưng họng, và xuất hiện nốt đỏ trong vùng họng.
– Hen suyễn: Cảm lạnh có thể gây khó thở, thở khò khè, tức ngực, đặc biệt đối với trẻ có tiền sử hen suyễn. Những triệu chứng này có thể gây ra cơn hen suyễn.

cách chăm trẻ bị cảm lạnh

Biến chứng về hô hấp thường xảy ra sau khi trẻ cảm lạnh

– Viêm phổi: Nếu không điều trị kịp thời, trẻ bị cảm lạnh có thể phát triển thành viêm phổi, với các biểu hiện như sốt cao, ớn lạnh, đổ mồ hôi. Khi trẻ có những dấu hiệu này, cần đưa trẻ đi khám ngay.
– Viêm xoang: Cảm lạnh có thể tắc nghẽn xoang mũi của trẻ. Tình trạng này tạo điều kiện cho vi khuẩn hoặc virus sinh sôi và phát triển trong dịch mũi, gây viêm xoang hoặc nhiễm trùng xoang mũi.

Quan trọng để ba mẹ nhận ra những biến chứng này và đưa trẻ đi khám bác sĩ kịp thời để nhận được sự chăm sóc và điều trị phù hợp.

4. Hướng dẫn cách chăm sóc trẻ cảm lạnh đúng chuẩn và cách phòng bệnh

4.1. Cách chăm trẻ bị cảm lạnh

Khi trẻ bị cảm lạnh, nếu được chăm sóc đúng cách, trẻ có thể tự khỏi sau vài ngày mà không gây tác động quá xấu. Dưới đây là hướng dẫn chăm sóc trẻ bị cảm lạnh mà ba mẹ nên tuân thủ:

– Bù nước và điện giải: Trẻ bị cảm lạnh thường mất nước và điện giải do ra nhiều mồ hôi hoặc nôn trớ. Ba mẹ nên bổ sung nước và điện giải cho bé để thay thế lượng đã mất, ngăn ngừa tình trạng mất nước nguy hiểm. Trẻ nên được uống nước hoặc dung dịch Oresol theo hướng dẫn của bác sĩ.

– Vệ sinh mũi thường xuyên: Khi bé bị cảm lạnh, ba mẹ nên vệ sinh mũi cho bé hàng ngày bằng cách nhỏ nước muối sinh lý 0,9%.

– Hút dịch mũi: Trẻ bị cảm lạnh thường có triệu chứng chảy nước mũi và nghẹt mũi, gây khó chịu cho bé. Vì vậy, ba mẹ nên hút hết dịch mũi để giúp bé thở dễ hơn. Hãy sử dụng máy hút mũi chuyên dụng và thực hiện nhẹ nhàng để không làm tổn thương mũi bé.

– Chia nhỏ bữa ăn: Khi bị cảm lạnh, bé thường cảm thấy mệt mỏi và không muốn ăn hoặc bú. Ba mẹ có thể chia nhỏ các bữa ăn để bé dễ ăn hơn. Chế biến các món dễ tiêu hóa như cháo, súp và hạn chế cho trẻ ăn đồ chiên rán hoặc nhiều dầu mỡ vì chúng khó tiêu hóa và dễ gây nôn trớ.

– Cho trẻ nghỉ ngơi nhiều: Triệu chứng cảm lạnh khiến bé mệt mỏi và khó chịu. Ba mẹ hãy cho bé nghỉ ngơi nhiều hơn để giúp bé phục hồi sức khỏe nhanh chóng.

– Hạ sốt: Hầu hết các trẻ khi bị cảm lạnh đều có sốt. Nếu sốt của bé vượt quá 38,5 độ C, hãy giảm sốt bằng cách chườm khăn ấm, mặc quần áo thoáng mát và sử dụng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ.

– Giữ gìn môi trường sống xung quanh sạch sẽ: Ba mẹ nên vệ sinh phòng ốc, đồ chơi và đồ dùng của bé thường xuyên để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn. Điều này giúp ngăn chặn tình trạng cảm lạnh của bé trở nên nghiêm trọng hơn.

– Hạn chế cho bé ra ngoài: Khi bé bị cảm lạnh, hãy giữ bé trong phòng và không cho ra ngoài, đặc biệt là trong mùa lạnh. Nếu phải ra ngoài, hãy giữ bé ấm áp thật kỹ.

– Không tự ý dùng thuốc: Khi trẻ bị cảm lạnh, quan trọng là ba mẹ không nên tự ý mua thuốc cho bé uống. Dù là thuốc hạ sốt, giảm ho hay bất kỳ loại thuốc nào, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Tự ý dùng thuốc có thể gây nguy hại và có tác dụng phụ có hại đến sức khỏe của trẻ.

4.2. Những cách để phòng ngừa cảm lạnh cho bé

Bệnh cảm lạnh, mặc dù là một bệnh thông thường và dễ khỏi, nhưng ba mẹ không nên coi thường vì nó có tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm nếu không được chăm sóc đúng cách. Thay vì đợi bé bị bệnh rồi mới điều trị, việc quan trọng nhất là áp dụng các biện pháp phòng ngừa cảm lạnh từ ban đầu.

cách chăm trẻ bị cảm lạnh

Tiêm phòng cúm hàng năm cũng có khả năng bảo vệ trẻ khỏi bệnh

Dưới đây là những cách giúp bé tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh cảm lạnh:

– Vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho bé: Hãy đảm bảo bé được rửa tay sạch trước khi ăn, sau khi chơi với động vật và sau khi đi vệ sinh. Đối với trẻ lớn hơn, hãy dạy bé cách rửa tay đúng cách.
– Tránh tiếp xúc gần với người đang bị cúm hoặc cảm lạnh: Hạn chế cho bé tiếp xúc với những người đang mắc bệnh cúm, cảm lạnh hoặc nghi ngờ bị cảm lạnh để giảm nguy cơ lây nhiễm.
– Dạy bé che tay khi hoặc hắt hơi: Hướng dẫn bé cách che tay bằng khăn giấy hoặc khuỷu tay khi hoặc hắt hơi để ngăn vi khuẩn và virus lây lan.
– Nhắc bé không chạm tay vào mắt, mũi, miệng: Hãy nhắc bé không chạm vào mắt, mũi, miệng và không nên mút tay hay cắn móng tay để tránh vi khuẩn và virus xâm nhập vào cơ thể.
– Vệ sinh phòng ở, đồ chơi và đồ dùng của bé thường xuyên: Hãy duy trì sự sạch sẽ trong phòng ngủ và vệ sinh đồ chơi, đồ dùng của bé để hạn chế nguy cơ nhiễm khuẩn.
– Mang theo chai rửa tay khô khi ra ngoài: Khi ra ngoài, hãy mang theo chai rửa tay khô để vệ sinh tay cho bé khi cần thiết.

Vì vậy, nếu em bé của bạn đang bị cảm lạnh, hãy áp dụng những cách chăm trẻ bị cảm lạnh được nêu ra trong bài viết này. Nếu chăm sóc đúng cách, bạn có thể yên tâm rằng bé sẽ nhanh chóng khỏi bệnh và hồi phục sức khỏe sớm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital