Các phương pháp điều trị ung thư da hiệu quả

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Lê Văn Bảo

Trưởng khoa Ung Bướu

Ung thư da xuất hiện chủ yếu ở người da trắng, đây là căn bệnh dễ ảnh hưởng đến vùng da hở có tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Bài viết dưới đây sẽ mang đến cho bạn những thông tin cần biết về ung thư da cũng như cách điều trị ung thư da hiệu quả đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới.

1. Ung thư da là gì?

Ung thư da là bệnh ác tính xuất phát từ biểu mô da, đây là lớp che phủ bên ngoài cơ thể và được cấu tạo từ tổng cộng 7 lớp tế bào. Ung thư nằm ở lớp nào sẽ có tên gọi tương ứng với lớp đó, như ung thư biểu mô tế bào đáy hoặc ung thư biểu mô tế bào vảy.

Ung thư da có thể xuất hiện tại nhiều vùng da khác nhau trên cơ thể như da mặt, da đầu, da lưng hay da tay,… Thông thường, ung thư da bao gồm 2 loại:

– Ung thư da Melanoma: Tế bào ung thư phát triển từ melanocytes

– Ung thư da không hắc tố: Chiếm 20% trong số các khối u ác tính

Các phương pháp điều trị ung thư da

Vùng da ở lưng cũng là một vị trí mà các tế bào ung thư thường xuất hiện

2. Nguyên nhân gây ung thư da

Dưới đây là những nguyên nhân có thể gây ra ung thư da:

– Do tiếp xúc với các tia UV: Tia UVA và UVB trong ánh nắng mặt trời chính là nguyên nhân chủ yếu khiến bạn mắc ung thư da. Khi phơi nắng nhiều, đặc biệt là vào những thời điểm nắng gắt, da bạn sẽ dễ bị tổn thương.

– Do bức xạ ion hoá: Những người bị phơi nhiễm phóng xạ hay tiếp xúc với tia gamma cũng rất dễ mắc ung thư da.

– Do dùng thuốc ức chế miễn dịch: Tế bào ung thư da cũng có thể phát triển sau khi bệnh nhân thực hiện ghép tạng, sau khi điều trị bằng corticoid trong một thời gian dài, hay khi mắc HIV và bị suy giảm miễn dịch.

– Do mắc phải các bệnh viêm da mạn tính: Một số bệnh như viêm da, loét mạn tính, viêm do bị bỏng,… cũng có thể gây ung thư da.

– Do bị phơi nhiễm thạch tín (chất asen).

– Do tiền sử gia đình: Nếu trong gia đình có anh hoặc chị em ruột bị ung thư da thì nguy cơ mắc ung thư da của bạn cũng cao hơn người khác.

– Do hút thuốc: Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người thường xuyên hút thuốc lá có khả năng mắc ung thư biểu mô tế bào vảy cao hơn những người không hút thuốc.

– Do mắc bệnh bạch tạng: Người bị bệnh bạch tạng không có khả năng chống lại các tác nhân gây hại có trong ánh nắng mặt trời nên nguy cơ mắc phải ung thư da cũng cao hơn so với người bình thường.

– Do nhiễm trùng HPV: Những người nhiễm virus HPV thường có nguy cơ mắc ung thư biểu mô tế bào vảy cao hơn người khác.

3. Các phương pháp điều trị ung thư da hiệu quả

3.1. Nguyên tắc điều trị ung thư da

Người bệnh ung thư da có thể cần điều trị triệt căn hoặc không triệt căn, tùy theo loại mô bệnh học, vị trí khối u, giai đoạn bệnh, mức độ lây lan của tế bào ung thư. Cụ thể:

– Điều trị triệt căn ung thư da: Được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp phẫu thuật do ung thư ít đáp ứng với xạ trị hoặc hóa trị. Lúc này, người bệnh cần được cắt bỏ toàn bộ khối u, đồng thời vét hạch khu vực một cách có hệ thống nếu ung thư đã xảy ra di căn.

– Điều trị không triệt căn ung thư da: Trong trường hợp này, việc điều trị sẽ giúp người bệnh giảm bớt các triệu chứng gây ra bởi ung thư, hạn chế tình trạng nhiễm khuẩn cũng như giảm cảm giác đau đớn.

3.2. Phẫu thuật ung thư da

Có đến 80% trường hợp mắc ung thư da được điều trị bằng cách phẫu thuật. Nguyên tắc phẫu thuật điều trị ung thư da là phải lấy được khối u đủ rộng, đảm bảo vùng cắt bỏ xung quanh không còn sót lại tế bào ung thư nào.

Những yếu tố cần cân nhắc kĩ khi phẫu thuật ung thư da bao gồm: vị trí ung thư, kích thước khối u, mức độ xâm lấn, bề rộng của khối u. Còn thẩm mỹ chỉ là một vấn đề thứ yếu, được cân nhắc sau.

Điều trị ung thư da bằng phẫu thuật

Ung thư da lần đầu hay tái phát lại đều có thể được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật

3.3. Xạ trị ung thư da

Nếu ung thư da thuộc loại ung thư biểu mô tế bào đáy, hiệu quả khi điều trị bằng tia xạ có thể ngang với phẫu thuật vì chúng rất nhạy cảm với những tia này. Tuy nhiên cũng cần chú ý trường hợp ung thư da nằm gần mắt hay niêm mạc mũi và miệng, lúc này xạ trị có thể gây bỏng.

Xạ trị ung thư da cũng có thể được sử dụng để bổ trợ sau phẫu thuật nhằm ngăn ung thư tái phát tại chỗ hay vùng đã điều trị:

Ung thư da tế bào đáy: Sau phẫu thuật có thể xạ trị bổ trợ ở vùng da sát xương.

– Ung thư da tế bào vảy: Bổ trợ sau phẫu thuật diện cắt tiếp cận, hoặc sau khi vét hạch di căn.

3.4. Hóa trị ung thư da

Hóa trị tại chỗ: Thuốc hóa trị có thể chữa lành các tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư biểu mô tế bào đáy nông và nhỏ.

Hóa trị toàn thân: Sử dụng để ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư trên khắp cơ thể.

– Hóa trị có thể sử dụng trước khi phẫu thuật nếu ung thư da có độ ác tính mô học cao. Khi đó khối u và các hạch sẽ bị kìm hãm hoạt động, giúp việc phẫu thuật diễn ra thuận lợi hơn.

– Hóa trị sử dụng sau phẫu thuật có khả năng ngăn cản sự tái phát và di căn của tế bào ung thư. Nếu ung thư đã di căn rộng và không thể phẫu thuật, người bệnh sẽ được điều trị bằng cách kết hợp hóa trị với xạ trị để giảm tối đa các triệu chứng và cải thiện chất lượng sống.

Điều trị ung thư da bằng hóa trị

Sử dụng linh hoạt phương pháp hóa trị có thể giúp người bệnh ngăn chặn ung thư da tái phát

3.5. Điều trị ung thư da tái phát

Nếu ung thư da tái phát sau khi đã được phẫu thuật thì có thể phẫu thuật lại để lấy rộng u hơn và tạo hình vùng bị khuyết da. Đồng thời kết hợp với xạ trị sau phẫu thuật.

Để quá trình điều trị ung thư da đạt hiệu quả cao nhất, người bệnh hãy lựa chọn cơ sở y tế uy tín với đội ngũ bác sĩ dày dặn kinh nghiệm. Ngoài ra hãy luôn giữ vững tinh thần lạc quan và kiên trì đến cùng, bởi đây cũng là yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến kết quả điều trị.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital