Thời điểm những tháng cuối năm ghi nhận số ca mắc bệnh hô hấp tăng cao trong cộng đồng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh đường hô hấp mà nếu nắm rõ, chúng ta có thể chủ động phòng bệnh hiệu quả.
Menu xem nhanh:
1. Các bệnh đường hô hấp phổ biến
Bệnh về đường hô hấp thường bùng phát mạnh mẽ vào mùa lạnh, có thể xảy ra với bất cứ ai, đặc biệt là trẻ em, người già và người có miễn dịch yếu… Các bệnh hô hấp thường gặp có thể kể đến như: cảm cúm, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi. Ngoài ra, một số bệnh mạn tính như: hen phế quản, giãn phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)… cũng có thể tái phát hoặc trở nặng khi gặp điều kiện thuận lợi.
2. Nguyên nhân dẫn đến bệnh đường hô hấp
2.1 Nhiễm trùng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh đường hô hấp
Nhiễm trùng đường hô hấp có thể xảy ra với một hoặc nhiều bộ phận của đường hô hấp trên (xoang, mũi, hầu họng, thanh quản) hoặc đường hô hấp dưới (khí quản, phế quản, phổi). Trong đó, nhiễm trùng đường hô hấp trên thường do virus, đặc trưng bởi các bệnh viêm mũi họng, viêm xoang, viêm thanh quản.
Nguyên nhân gây nhiễm trùng đường hô hấp dưới phần lớn do vi khuẩn. Các bệnh viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi thường có xu hướng nghiêm trọng hơn các bệnh đường hô hấp trên.
Đặc biệt vào thời điểm giao mùa, nhiệt độ thay đổi thất thường, số giờ nắng ít, không khí kém lưu thông, các loại virus, vi khuẩn càng có cơ hội sinh sôi và lây lan diện rộng. Khi hệ miễn dịch của cơ thể chưa kịp thích nghi với những thay đổi từ môi trường, đây sẽ là thời điểm virus, vi khuẩn dễ xâm nhập và gây dịch bệnh hô hấp.
Nhiễm trùng đường hô hấp mức độ nhẹ thường sẽ khỏi khi người bệnh đáp ứng tốt với thuốc với kháng sinh. Ngược lại, nhiễm trùng nặng có thế dẫn đến các biến chứng, thậm chí đe dọa đến tính mạng người bệnh.
2.2 Do ảnh hưởng bởi các chất kích thích
Khói thuốc lá, bụi, khí thải, hóa chất độc hại… là các chất kích thích khi xâm nhập vào đường hô hấp có thể gây viêm tại một hoặc nhiều bộ phận. Người sinh sống, làm việc trong môi trường thường xuyên phải tiếp xúc với các chất này có hệ hô hấp nhạy cảm và dễ mắc các bệnh lý hô hấp hơn.
2.3 Nguyên nhân dẫn đến bệnh đường hô hấp – Do chấn thương
Các chấn thương ở hệ hô hấp hoặc gần hệ hô hấp như: gãy xương sườn do ngã, xẹp phổi do tai nạn lao động, thủng ngực do tai nạn lao động… đều có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh hô hấp. Lúc này, phản ứng viêm xảy ra khi cơ thể cố gắng tự chữa lành các thương tổn.
2.4 Do các bệnh lý khác
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: liên quan mật thiết đến thói quen hút thuốc. Bệnh dẫn đến tình trạng dư thừa chất nhầy tại phổi, gây viêm nhiễm, tổn thương hệ hô hấp.
– Các bệnh về hệ thống: lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, đau cơ xơ hóa, u hạt là những bệnh hệ thống có khả năng gây viêm đường hô hấp. Nhóm bệnh này thường bùng phát theo thời gian, là nguyên nhân khiến bệnh hô hấp tái đi tái lại nhiều lần.
– Bệnh xơ nang: là bệnh di truyền nguy hiểm gây các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, viêm phế quản, giãn phế quản mạn tính. Ở những trường hợp bệnh tiến triển và tiên lượng xấu, có thể dẫn đến bệnh tâm phế mạn (bệnh phổi dẫn đến suy tim).
– Viêm màng ngoài tim: là tình trạng viêm tại tim nhưng có thể lây lan đến cơ quan lân cận là đường thở và phổi. Bệnh có thể nghiêm trọng khi gây ra các cơn đau vùng ngực và trầm trọng hơn khi ho hoặc hít thở sâu.
– Thuyên tắc phổi (có cục máu đông trong phổi): Bệnh thường gây ra khó thở, đau ngực, trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến ngất và tử vong.
– Ung thư phổi: là tình trạng xuất hiện khối u ác tính ở đường hô hấp gây ra một loạt các triệu chứng như ho kéo dài, có đờm hoặc máu, khàn tiếng, đau ngực, hụt hơi, thở khò khè… Bệnh có thể biến chứng nghiêm trọng gây khó thở, ho ra máu, tràn dịch màng phổi.
3. Cần làm gì để phòng bệnh đường hô hấp?
Mỗi người có thể tự chủ động phòng tránh bệnh hô hấp bằng cách hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của các tác tác nhân gây bệnh lên cơ thể. Đặc biệt với các nguyên nhân gây bệnh do vi khuẩn, virus, chất kích thích từ môi trường, việc phòng bệnh mang lại ý nghĩa quan trọng, không chỉ đảm bảo sức khỏe của bản thân mà còn giúp giảm gánh nặng bệnh cho cộng đồng.
Dưới đây là một số cách làm bạn có thể áp dụng để phòng bệnh đường hô hấp:
3.1 Tiêm vắc xin phòng bệnh
Tiêm vắc xin là phương pháp hiệu quả nhất ở thời điểm hiện tại nhằm phòng tránh các bệnh hô hấp do virus. Tuy nhiên cần lưu ý, các mũi tiêm nên được nhắc lại hàng năm để cập nhật các chủng virus mới. Cơ thể chỉ tạo miễn dịch với các loại virus đã được tiêm phòng trước đó, nếu do tác nhân khác, bạn vẫn có nguy cơ mắc bệnh.
3.2 Đảm bảo vệ sinh thân thể và môi trường sống
Rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn, dùng nước muối vệ sinh vùng hầu họng và mũi là cách phòng bệnh chủ động mà mỗi người đều có thể thực hiện.
Ngoài ra, để hạn chế sự tiếp xúc của vi khuẩn đến các bộ phận khác nhau của cơ thể hoặc đến những người xung quanh, bạn cũng cần chú ý vệ sinh không gian sống sạch sẽ, thông thoáng, đặc biệt là các đồ vật có nhiều người tiếp xúc như tay nắm cửa, điều khiển, ca cốc uống nước…
3.3 Giữ ấm cơ thể
Giữ ấm cơ thể bằng cách mặc đủ ấm, đội mũ, quảng khăn, đeo khẩu trang… khi đi ra ngoài là cách để bảo vệ hệ hô hấp khi trời trở lạnh. Trong khi ở nhà, bạn cần đảm bảo các phòng sinh hoạt kín gió, tránh sự thay đổi nhiệt độ đột ngột.
3.4 Chế độ ăn uống đủ chất, tăng cường tập thể dục
Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và bổ sung các vitamin, khoáng chất cần thiết giúp tăng cường hệ miễn dịch chống lại các tác nhân gây bệnh hô hấp. Bên cạnh đó, tập thể dục cũng giúp máu lưu thông tốt hơn, tăng khả năng chống chọi với bệnh tật của cơ thể.
3.5 Hạn chế đến nơi đông người
Thời điểm bệnh hô hấp đang bùng phát trên diện rộng, bạn nên hạn chế tối đa đến nơi đông người để tránh tiếp xúc gần với nguồn lây.
Hy vọng thông qua bài, bạn đã nắm được những thông tin cơ bản về nguyên nhân dẫn đến bệnh đường hô hấp. Từ đó biết cách chủ động phòng tránh bệnh, giảm nguy cơ mắc bệnh cho chính mình và những người xung quanh.