Các dấu hiệu tai biến mạch máu não và cách xử trí

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Người bị tai biến mạch máu não thường có những biểu hiện rất đặc trưng. Dựa vào đó có thể nhận biết và xử trí kịp thời, giúp tăng khả năng cứu sống bệnh nhân và hạn chế các biến chứng. Cùng tìm hiểu các dấu hiệu tai biến mạch máu não và cách xử trong bài viết sau đây.

1. Các dấu hiệu tai biến mạch máu não thường gặp 

Tai biến mạch máu não là biến cố thần kinh xảy ra do não bị ngưng cung cấp máu nuôi dưỡng một cách đột ngột. Nguyên nhân là do các mạch máo não (gồm động mạch, mao mạch và đôi khi là tĩnh mạch) bị vỡ hoặc tắc nghẽn. Khi đó, các tế bào não chết dần do không được cung cấp đủ oxy và dưỡng chất, khiến các cơ quan trên cơ thể đều bị ảnh hưởng. Lúc này, bệnh nhân sẽ có những biểu hiện sau:

1.1 Tê cứng cơ mặt, méo miệng – Dấu hiệu tai biến mạch máu não điển hình 

Lượng oxy lên não không đủ gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh trên mặt, khiến bệnh nhân dễ bị tê liệt một phần hoặc một nửa mặt. Nhiều trường hợp cơ mặt hoàn toàn không cử động được. Để kiểm tra, bạn có thể yêu cầu bệnh nhân cười. Nếu nụ cười bị lõm đi so với bình thường, một nửa mặt xệ xuống thì khả năng bệnh nhân bị tai biến rất cao.

Dấu hiệu tai biến mạch máu não điển hình

Liệt, méo miệng là một trong những triệu chứng điển hình của người bị tai biến.

1.2 Khó diễn đạt bằng ngôn ngữ, nói lắp

Tai biến còn ảnh hưởng đến khả năng nói của bệnh nhân. Khi bị tai biến, người bệnh thường gặp tình trạng nói lắp, nói không rõ chữ, nói ú ớ khó hiểu. Bạn có thể yêu cầu người bệnh nhắc lại một cụm từ đơn giản, nếu họ không thể hoặc rất khó để diễn đạt từ đó chính xác thì có thể nghĩ đến khả năng họ bị đột quỵ.

1.3 Thị lực suy giảm, hoa mắt chóng mặt

Tình trạng thiếu oxy lên não có thể khiến thùy não hoạt động kém hiệu quả gây ảnh hướng đến thị lực. Đáng nói, đây là dấu hiệu mà chỉ người bệnh mới cảm nhận được, những người xung quanh rất khó phát hiện ra. Do đó nếu cảm thấy mắt nhòe mờ, nhìn khó thì người bệnh cần chủ động báo ngay cho người nhà để có những biện pháp cấp cứu kịp thời.

Hoa mắt chóng mặt là một dấu hiệu cho thấy não không đủ oxy. Tuy nhiên đây cũng là triệu chứng khá phổ biến liên quan đến các bệnh ý khác như rối loạn tiền đình, hội chứng nhịp tim nhanh khi thay đổi tư thế,… Vì thế cần kết hợp thêm một số biểu hiện khác và các chẩn đoán cận lâm sàng để phân biệt. 

1.4 Giảm khả năng vận động

Lượng máu cung cấp cho não không đủ có thể khiến khả năng vận động của người bệnh bị thuyên giảm. Người bệnh sẽ cảm thấy cánh tay tê dại, khó cử động, thậm chí không thể cử động được. Khi bạn yêu cầu người bệnh giơ hai tay lên cao, thường một bên tay sẽ không thể giơ lên được hoặc rũ thõng xuống. Một số trường hợp người bệnh có thể bị tê liệt một phần cơ thể hoặc nửa người.

1.5 Đau đầu dữ dội

Nếu thấy xuất hiện cảm giác đau dữ dội theo từng cơn, mức độ đau gia tăng theo thời gian, cần báo với người nhà để được đưa đến bệnh viện ngay lập tức, tránh tình trạng chết não.

1.6 Các dấu hiệu tai biến mạch máu não khác

Bên cạnh những dấu hiệu đặc trưng kể trên thì còn một số triệu chứng cảnh báo đột quỵ như dáng đi bất thường, nấc cụt, khó thở… 

Khi xuất hiện 2-3 biểu hiện trong số các dấu hiệu trên thì bạn có nguy cơ cao bị đột quỵ. Lúc này, cần xử trí càng nhanh càng tốt vì thời gian càng dài thì não tổn thương càng nặng, bệnh nhân đối mặt với nguy cơ tử vong cận kề.

Các dấu hiệu nhận biết tai biến mạch máu não

Những cơn đau nhức đầu dữ dội, choáng váng, giảm thị lực,… có thể là dấu hiệu quan trọng nhận biết đột quỵ.

2. Cách xử trí khi nhận thấy các dấu hiệu của cơn tai biến

Khi thấy bản thân hoặc người thân có những triệu chứng tai biến mạch máu não, việc đầu tiên bạn cần làm là nhanh chóng gọi cấp cứu. Trong thời gian chờ đợi, có thể làm những việc sau:

– Quan sát và ghi nhớ các biểu hiện của bệnh nhân và báo với các nhân viên y tế khi họ tới. Điều này có thể giúp ích  cho quá trình điều trị cấp cứu.

– Đặt bệnh nhân nằm ở nơi thoáng mát, kê đầu cao hơn mặt phẳng khoảng 30 độ.

– Nới lỏng quần áo giúp bệnh nhân dễ thở hơn.

– Nhắc nhở bệnh nhân hít thở sâu và chậm rãi.

– Nếu bệnh nhân nôn, cần để họ nghiêng đầu sang một bên, tránh gây khó thở hoặc tắc, sặc đường thở.

– Nếu bệnh nhân bị co giật, hãy lấy khăn vải quấn quanh một chiếc đũa hay một thanh que dài rồi đặt ngang giữa hai hàm răng của bệnh nhân để họ không cắn vào lưỡi.

Khi đến bệnh viện, bệnh nhân sẽ được làm một số xét nghiệm và chụp chiếu để chẩn đoán chính xác nguyên nhân và mức độ tổn thương, từ đó xác định phương pháp điều trị phù hợp. 

Cách xử trí khi thấy có người bị tai biến mạch máu não

Khi thấy bản thân hoặc người thân có các dấu hiệu đột quỵ não, cần gọi cấp cứu ngay, đồng thời thực hiện một số biện pháp sơ cứu.

Hi vọng những dấu hiệu tai biến mạch máu não được chia sẻ trong bài viết đã giúp bạn nhận biết được tình trạng khẩn cấp này và có những xử trí kịp thời, nhằm bảo vệ tính mạng của người bệnh và hạn chế tối đa các biến chứng cho bệnh nhân. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital