Các biểu hiện thiếu kẽm ở trẻ

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ CKI

Trần Thị Huân

Trưởng Khoa Dinh dưỡng

Kẽm là một vi chất có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ nhưng có đến 70% trẻ bị thiếu kẽm, nhất là trẻ dưới 5 tuổi (Theo số liệu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia). Tìm hiểu ngay các biểu hiện thiếu kẽm ở trẻ để biết cách khắc phục.

1. Nguyên nhân gây thiếu kẽm ở trẻ

Các chuyên gia và các bác sĩ dinh dưỡng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu kẽm ở trẻ là do:

– Khẩu phần ăn hàng ngày không bổ sung đủ các thực phẩm giàu kẽm;

– Chất lượng các bữa ăn chưa được tốt;

– Còn thiếu các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật;

– Cách chế biến thiếu hấp dẫn của cha mẹ đã làm cho lượng kẽm vốn có trong thực phẩm bị mất đi;

– Việc thường xuyên sử dụng kháng sinh khi trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng như tiêu chảy, viêm đường hô hấp, ho sốt, chảy mũi… cũng khiến lượng kẽm trong cơ thể bị suy giảm.

Khẩu phần ăn hàng ngày không bổ sung đủ các thực phẩm giàu kẽm hoặc chất lượng các bữa ăn chưa được tốt… khiến trẻ bị thiếu kẽm.

2. Kẽm có vai trò như thế nào đối với sự phát triển của trẻ?

Kẽm đóng vai trò không nhỏ trong quá trình trao đổi chất, chuyển hóa protein và duy trì sức khỏe hệ miễn dịch.

2.1. Kích thích tăng trưởng

Tuy chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ so với trọng lượng thô của cơ thể nhưng kẽm là vi chất không thể thiếu đối với sức khỏe của trẻ nhỏ. Trong quá trình nhân bản ADN, kẽm được coi là chất xúc tác cần thiết của ARN-polymerase bởi đây là thành phần của hơn 300 enzyme khác nhau. Do đó, kẽm có chức năng đặc biệt quan trọng trong quá trình kích thích tăng trưởng ở trẻ.

Kẽm có chức năng đặc biệt quan trọng trong quá trình kích thích tăng trưởng ở trẻ.

2.2. Duy trì chức năng của các cơ quan

Không chỉ là cấu trúc của hàng loạt cơ quan quan trọng, kẽm còn tham gia vào việc duy trì chức năng của chúng, đặc biệt là não bộ. Trẻ không được cung cấp đầy đủ kẽm sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì sự tập trung và có nguy cơ bị rối loạn thần kinh.

2.3. Điều hòa chức năng của hệ thống nội tiết

Kẽm là thành phần của các hormone trong tuyến yên, tuyến sinh dục, tuyến thượng thận… Do đó, kẽm còn tham gia vào quá trình điều hòa chức năng của hệ thống nội tiết. Nhiệm vụ của hệ thống này là phối hợp với hệ thống thần kinh trung ương, “điều hành” hoạt động sống bên trong và ngoài của cơ thể. Đây cũng là một vai trò cũng quan trọng không kém của kẽm.

2.4. Cải thiện vị giác

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc các mẹ bổ sung đầy đủ kẽm sẽ giúp trẻ suy dinh dưỡng được cải thiện chiều cao và cân nặng. Nguyễn nhân chính là do kẽm có khả năng cải thiện vị giác, làm tăng cảm giác ngon miệng ở trẻ. Do đó, trẻ thiếu kẽm thường rơi vào trạng thái chán ăn, biếng ăn, còi xương, suy dinh dưỡng và chậm lớn.

Kẽm có khả năng cải thiện vị giác, làm tăng cảm giác ngon miệng ở trẻ.

3. Các biểu hiện thiếu kẽm ở trẻ

Theo các chuyên gia, nhu cầu kẽm cho trẻ phụ thuộc vào độ tuổi của các bé. Cụ thể, để có thể phát triển chiều cao và thể chất tối ưu:

– Trẻ dưới 3 tháng tuổi thì cần 3mg kẽm/ ngày;

– Trẻ từ 5 – 12 tháng tuổi cần 4mg/ngày;

– Trẻ từ 1 – 10 tuổi thì cần khoảng 5 – 8mg/ngày.

Tuy nhiên, khả năng hấp thu kẽm còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như:

– Lượng kẽm có trong khẩu phần ăn của trẻ;

– Nguồn gốc của các món ăn;

– Lượng chất ức chế hoặc kích thích sự hấp thu kẽm…

Để biết bé đã được bổ sung đầy đủ kẽm hay chưa, các mẹ có thể dựa vào một số biểu hiện thiếu kẽm ở trẻ như sau:

Ăn không ngon miệng, chán ăn, biếng ăn;

– Rụng tóc;

– Tiêu chảy trong khoảng thời gian dài;

– Da và mắt có dấu hiệu bị tổn thương;

– Trẻ chậm tăng cân, chiều cao;

Rụng tóc là một trong những biểu hiện thiếu kẽm ở trẻ phổ biến.

4. Mẹ nên làm gì để bổ sung kẽm cho trẻ?

4.1. Bổ sung kẽm đúng cách khi phát hiện các biểu hiện thiếu kẽm ở trẻ

– Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi thì nguồn kẽm duy nhất chính là từ sữa mẹ. Thế nhưng, lượng kẽm trong sữa mẹ sẽ suy giảm theo thời gian. Vì vậy, mỗi người mẹ cần duy trì lượng kẽm trong sữa, đồng thời bổ sung kẽm vào trong chế độ ăn để tránh trường hợp trẻ sơ sinh thiếu kẽm.

– Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, cha mẹ có thể cho trẻ ăn các loại thực phẩm giàu kẽm và vitamin C. Bởi lẽ, vitamin C sẽ hỗ trợ trẻ hấp thu kẽm tối đa.

+ Thực phẩm giàu kẽm: Các loại thịt (thịt bò, thịt heo…), động vật có vỏ (tôm, cua, hàu…), các loại đậu, các loại hạt (hạt bí, hạt điều, hạnh nhân…), sữa, trứng, ngũ cốc nguyên hạt, socola đen…

+ Thực phẩm giàu vitamin C: Ổi, bưởi, cam, chanh, ớt chuông, súp lơ xanh, rau bina… (các loại rau củ có màu đậm).

Bổ sung kẽm thông qua các thực phẩm có hàm lượng kẽm dồi dào.

4.2. Khám dinh dưỡng cho bé ngay khi phát hiện các biểu hiện thiếu kẽm ở trẻ

Không phải cha mẹ nào cũng có đủ thời gian để cân nhắc, lựa chọn các thực phẩm cũng như chế biến các món cho con. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng khó có thể cân đo, tính toán được lượng kẽm có trong các loại thực phẩm.

Do đó, việc cho con đi khám dinh dưỡng là giải pháp vô cùng phù hợp và hiệu quả. Khi đi khám dinh dưỡng, trẻ sẽ được:

– Kiểm tra và đánh giá sức khỏe thông qua cân nặng, chiều cao, nhịp tim…

– Trao đổi và đánh giá chế độ ăn uống hiện tại;

– Xây dựng phác đồ điều trị;

– Tư vấn thực đơn khoa học, giúp mẹ bổ sung cho bé lượng kẽm hiệu quả;

Cho con đi khám dinh dưỡng là giải pháp vô cùng phù hợp và hiệu quả.

Khoa Dinh dưỡng – Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm cùng hệ thống trang thiết bị tối tân (Máy phân tích thành phần cơ thể, hệ thống Robot xét nghiệm tự động…) sẽ giúp chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe của trẻ. Từ đó, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả, chế độ dinh dưỡng phù hợp với thể trạng và sở thích của trẻ, giúp trẻ phát triển toàn diện và tối ưu.

Có thể nói, thiếu kẽm ở trẻ về lâu dài sẽ gây nên tình trạng suy dinh dưỡng, chậm lớn, giảm chức năng của các tế bào miễn dịch nên nguy cơ cao mắc bệnh nhiễm khuẩn và thậm chí là tử vong. Do đó, mẹ hãy lưu ý việc bổ sung kẽm sớm và kịp thời cho bé nhé.

Đừng quên liên lạc với chúng tôi theo số 1900 55 88 92 để được tư vấn chi tiết và hỗ trợ đặt lịch khám!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital