Các biểu hiện tay chân miệng ở trẻ em thường gặp

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Các biểu hiện tay chân miệng ở trẻ càng xuất hiện nhiều, rõ ràng thì bệnh của trẻ càng ở mức độ nặng, tiềm ẩn nguy cơ biến chứng cao. Do đó, phụ huynh và người chăm sóc trẻ nên nắm được những biểu hiện ban đầu của bệnh và những dấu hiệu cảnh báo chuyển nặng để có cách xử trí đúng cách, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ.

1. Các biểu hiện tay chân miệng ở trẻ thường gặp ban đầu

Các biểu hiện tay chân miệng ở trẻ em thường gặp-1

Trẻ mắc tay chân miệng sẽ xuất hiện các tổn thương, đau rát ở răng và trong miệng

Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em (chiếm tới 90%). Bệnh có đặc điểm dễ lây lan và có nguy cơ bùng thành dịch rất cao vào khoảng tháng 3 – 5 và tháng 9 – 12 hàng năm.

Khi nhiễm phải virus gây bệnh tay chân miệng, trẻ em sẽ ủ bệnh trong 3-7 ngày. Sau đó, các biểu hiện tay chân miệng ở trẻ sẽ dần xuất hiện:

– Bé bị sốt nhẹ (khoảng 37,5 – 38,8 độ C), tuy nhiên vẫn có bé sốt cao (>38,5 độ C) trong thời kỳ khởi phát bệnh;

– Bé xuất hiện tổn thương, đau rát ở răng và trong miệng;

– Bé bị đau họng, chảy nước bọt nhiều hơn bình thường;

– Bé bị mệt mỏi, chán ăn, kém ăn;

– Một số bé mắc tay chân miệng thời kỳ đầu còn bị tiêu chảy vài lần trong ngày.

Thời gian gần đây, bệnh tay chân miệng trên cả nước đã tăng mạnh và bùng thành dịch. Tình từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận khoảng 2.354 ca mắc, tăng so với cùng kỳ 2022 (1.547 ca mắc). TP Hồ Chí Minh dịch bùng mạnh, tích lũy từ đầu năm đến nay số ca mắc đã đạt khoảng 25.037 ca. Trước tình hình này, các gia đình có con nhỏ cần nâng cao cảnh giác và biện pháp phòng bệnh cho trẻ. Khi thấy bé xuất hiện các triệu chứng ban đầu nghi mắc tay chân miệng hãy cho đến cơ sở y tế uy tín kham ngay. Mục đích để bé được bác sĩ xác định bệnh và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp, ngừa biến chứng nguy hiểm.

2. Các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm ở trẻ mắc tay chân miệng

Những triệu chứng tay chân miệng ở trẻ em thường gặp-2

Trẻ tay chân miệng sốt quá cao, kéo dài có thể là dấu hiệu cảnh báo nặng, cần đến viện khám ngay

Đa số trường hợp trẻ mắc tay chân miệng được phát hiện sớm, ở mức độ nhẹ (cấp độ 1) đều có thể dễ dàng điều trị và chăm sóc tại nhà. Chỉ sau khoảng 7 – 10 ngày là trẻ sẽ hết bệnh. Thế nhưng, phụ huynh vẫn nên cho bé đi khám để bác sĩ chẩn đoán, hướng dẫn điều trị phù hợp, ngăn ngừa nguy cơ biến chứng có thể xảy ra.

Bên cạnh đó, trong quá trình chăm sóc và điều trị cho bé mắc tay chân miệng tại nhà, các phụ huynh cũng cần lưu ý những dấu hiệu cảnh báo sau:

– Quấy khóc dai dẳng kéo dài, thậm chí là quấy khóc cả đêm mà không ngủ, với khoảng thời gian tỉnh giấc và quấy khóc lặp đi lặp lại cứ 15-20 phút. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo của biến chứng nhiễm độc thần kinh chứ không phải là do nốt đau miệng như nhiều cha mẹ nghĩ.

– Sốt cao > 38,5 độ C trong thời gian kéo dài hơn 48 giờ, không đáp ứng thuốc hạ sốt. Đây là dấu hiệu ban đầu của sự viêm nhiễm mạnh mẽ trong cơ thể, có thể dẫn đến tình trạng nhiễm độc thần kinh.

– Bị giật mình nhiều lần. Đây có thể là biểu hiện của tình trạng nhiễm độc thần kinh ở trẻ.

Ngay khi thấy trẻ xuất hiện các dấu hiệu trên, phụ huynh cần cho con tới viện khám ngay. Điều này sẽ giúp bé được bác sĩ chẩn đoán và điều trị kịp thời, ngăn ngừa hoặc giảm thiểu tối đa các hệ quả do biến chứng gây ra.

3. Cách điều trị và chăm sóc hiệu quả, đảm bảo an toàn cho trẻ tay chân miệng

3.1. Tuân thủ phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng của bác sĩ

Những triệu chứng tay chân miệng ở trẻ em thường gặp-3

Trẻ cần uống thuốc đúng chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất

Hiện nay, bệnh tay chân miệng của trẻ chưa có thuốc đặc trị. Vậy nên, bệnh nhi sẽ được bác sĩ kê thuốc làm giảm triệu chứng đang gặp phải để cơ thể dần hồi phục và hết bệnh. Vậy nên, trong quá trình điều trị bệnh cho bé tại nhà, phụ huynh cần đảm bảo cho bé tuân thủ đúng phác đồ điều trị từ bác sĩ.

Trẻ mắc tay chân miệng cần được uống thuốc đúng liều liệu và thời gian quy định:

– Uống thuốc hạ sốt khi nhiệt độ cơ thể tăng cao >38,5 độ C;

– Uống Oresol để bù nước và điện giải bé bị thiếu hụt do nôn, sốt những ngày mắc bệnh;

– Dùng thuốc sát khuẩn khi xuất hiện các vết loét trên da, phòng ngừa viêm nhiễm.

Trường hợp trẻ có nguy cơ diễn biến nặng sẽ được bác sĩ chỉ định nhập viện điều trị. Tùy vào tình trạng bệnh, dấu hiệu cảnh báo gặp phải, bé sẽ được dùng thuốc phù hợp.

3.2. Chăm sóc bé bị tay chân miệng đúng cách

Bên cạnh việc đảm bảo cho trẻ mắc tay chân miệng uống thuốc đầy đủ, phụ huynh cũng cần chăm sóc trẻ cẩn thận, đúng cách:

– Đảm bảo bệnh nhi được cung cấp đủ dinh dưỡng, bao gồm thức ăn dễ tiêu và nên chia thành nhiều bữa nhỏ. Hãy tăng cường cho bé uống nước (tăng bú sữa với trẻ sơ sinh) nhiều hơn so với bình thường.

– Tuân thủ mọi hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ có chuyên môn trong quá trình điều trị.

– Vệ sinh kỹ các vùng da bị nhiễm và tổn thương của trẻ bằng dung dịch sát khuẩn hoặc nước muối sinh lý.

– Các vật dụng cá nhân của trẻ, như tã lót và áo quần, nên được giặt riêng và ngâm trong các dung dịch có khả năng sát khuẩn. Sau đó, nên phơi trực tiếp dưới ánh mặt trời.

– Hạn chế tối đa tiếp xúc giữa trẻ bị bệnh và các thành viên khỏe mạnh trong gia đình, đặc biệt là trẻ em khác. Tuyệt đối không cho các bé dùng chung vật dụng với nhau.

– Người chăm sóc trẻ nên thường xuyên rửa tay, sát khuẩn và đeo khẩu trang để giảm nguy cơ lây nhiễm.

Hy vọng với những giải đáp chi tiết về các biểu hiện tay chân miệng ở trẻ sẽ giúp quý phụ huynh nhận biết, phát hiện sớm bệnh của trẻ. Nếu còn bất cứ thắc mắc nào về bệnh tay chân miệng, quý phụ huynh, độc giả hãy liên hệ ngay Thu Cúc TCI để được bác sĩ chuyên môn của chúng tôi giải đáp chi tiết nhé.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital