Biện pháp phòng tránh đột quỵ ở dân văn phòng

Tham vấn bác sĩ

Đột quỵ ngày càng phổ biến ở dân văn phòng do những thói quen thiếu lành mạnh và sự gia tăng, trẻ hóa của các bệnh lý như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường, cơ xương khớp,… Cùng tìm hiểu các nguyên nhân kể trên và biện pháp phòng tránh đột quỵ ở dân văn phòng qua bài viết sau đây.

1. Nguyên nhân khiến đột quỵ đang gia tăng ở dân văn phòng

Đột quỵ là tình trạng tổn thương cấp tỉnh ở não, xảy ra khi việc cung cấp máu lên não bị ngưng đột ngột, gây thiếu oxy và chất dinh dưỡng cho não. Các nghiên cứu cho thấy chỉ cần vài phút, các tế bào não sẽ bắt đầu chết đi. Lúc này cơ thể người bệnh dần mất các chức năng do vùng não bị tổn thương điều khiển. Tai biến mạch máu não hay đột quỵ não thường xảy ra đột ngột và ít khi có triệu chứng báo trước, vì vậy bệnh nhân có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Tình trạng đột quỵ ngày càng phổ biến ở dân văn phòng do những nguyên nhân sau:

1.1 Ngồi làm việc trong nhiều giờ với máy tính trong nhiều giờ

Dân văn phòng, đặc biệt những người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin thường phải dành nhiều thời gian làm việc với máy tính. Tình trạng ngồi liên tục trong nhiều giờ, ít hoặc không vận động thể chất có thể gây tích tụ mỡ thừa, từ đó làm gia tăng nguy cơ hình thành mảng xơ vữa và cục máu đông, dễ dẫn tới đột quỵ.

Đột quỵ ở dân văn phòng và biện pháp phòng tránh

Đột quỵ ngày càng phổ biến ở dân văn phòng.

1.2 Ngồi làm việc liên tục dưới điều hòa quá lạnh

Ngồi làm việc cả ngày trong điều hòa cũng là một yếu tố nguy cơ dẫn đến đột quỵ. Nhất là vào mùa hè, các văn phòng thường để điều hòa để ở nhiệt độ thấp. Trong những ngày nắng nóng cao điểm, các nhân viên văn phòng khi đi từ ngoài trời vào thường có thói quen chạy ngay vào phòng có điều hòa để tránh nóng. Tuy nhiên thói quen này rất nguy hiểm, có thể gây sốc nhiệt do cơ thể chưa kịp thích nghi với sự thay đổi nhiệt độ ở ngoài trời và trong phòng. Điều này cũng dẫn đến đột quỵ.

Vào mùa nắng nóng, các lỗ chân lông giãn nở để bài tiết mồ hôi. Nếu đột ngột chuyển sang môi trường lạnh sẽ khiến lỗ chân lông co lại đột ngột, dẫn đến các nguy cơ đột quỵ cao.

Vào mùa đông, nếu vẫn ngồi trong điều hòa với nhiệt độ thấp thì nguy cơ đột quỵ càng cao hơn.

1.3 Ăn uống thiếu khoa học

Ăn thức ăn nhanh, đồ ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn, ăn ít rau, uống không đủ nước… là những sai lầm trong ăn uống khiến dân văn phòng dễ bị đột quỵ. Các loại thực phẩm kể trên chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, sử dụng nhiều các thực phẩm này kèm theo thói quen ít vận động sẽ làm tăng nguy cơ tích tụ mỡ thừa, tăng cholesterol trong máu. Cholesterol xấu dư thừa và lắng đọng tạo thành các mảng bám trên thành mạch và cũng làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong lòng mạch, gây tắc nghẽn mạch máu.

1.4 Uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá

Đây là những thói quen xấu cần loại bỏ ở dân văn phòng. Do tính chất công việc, nhiều người phải đi tiếp khách thường xuyên và không thể tránh khỏi “quá chén”. Uống quá nhiều bia rượu làm tăng huyết áp, tổn thương mạch máu, thúc đẩy quá trình hình thành xơ vữa và cục máu đông, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ não.

Một số khác do công việc căng thẳng nên tìm đến thuốc lá để tăng sự tỉnh táo. Tuy nhiên các chất độc trong khói thuốc là tác nhân nguy hiểm gây tổn thương mạch máu và dẫn đến đột quỵ .

1.5 Uống nhiều cà phê

Cà phê là thức uống quen thuộc và yêu thích của dân văn phòng. Uống cà phê với lượng vừa phải có thể giúp kích thích sự tỉnh táo, sáng tạo khi làm việc nhưng nếu lạm dụng, có thể gây ra nhiều mối nguy đối với sức khỏe, trong đó có tình trạng đột quỵ.

Nguyên nhân gây đột quỵ ở dân văn phòng

Uống quá nhiều cà phê, hay ăn vặt là những thói quen làm tăng nguy cơ đột quỵ ở dân văn phòng.

1.6 Áp lực công việc lớn

Những áp lực về tiến độ công việc, áp lực khẳng định bản thân thường gây ra tình trạng stress ở dân văn phòng. Việc thức khuya thường xuyên để hoàn thành công việc khiến cơ thể không được nghỉ ngơi. Điều này khiến hệ thần kinh trở nên căng thẳng, gây tăng huyết áp và tăng nguy cơ đột quỵ.

1.7 Các bệnh lý thường gặp ở dân văn phòng gia tăng

Các thói quen thiếu lành mạnh khiến các bệnh lý như rối loạn mỡ máu, tiểu đường, cơ xương khớp,… ngày càng phổ biến và trẻ hóa ở đối tượng dân công sở. Các bệnh lý kể trên là những yếu tố nguy cơ quan trọng dẫn đến đột quỵ.

2. Biện pháp phòng tránh đột quỵ ở dân văn phòng

2.1 Thay đổi các thói quen xấu là biện pháp phòng tránh đột quỵ quan trọng

Duy trì một cuộc sống lành mạnh, loại bỏ hoặc hạn chế các thói quen xấu là rất cần thiết đối với dân văn phòng nếu muốn phòng tránh đột quỵ. Các biện pháp bao gồm:

– Ăn các thực phẩm lành mạnh, thực phẩm tươi, đảm bảo chất lượng

– Hạn chế chất béo, ăn nhiều rau xanh và uống nhiều nước

– Tránh ngồi làm việc quá lâu trước máy tính, đứng lên đi lại, tập thể dục nhẹ nhàng sau mỗi 30 – 45 phút

– Tránh căng thẳng, mệt mỏi quá độ, dành thời gian tập luyện, thư giãn, nghỉ ngơi

– Hạn chế uống rượu bia, hút thuốc lá, không lạm dụng cà phê và các chất kích thích

2.2 Điều trị các bệnh lý

Nếu đang mắc các bệnh lý như tim mạch, thần kinh, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa đường, lipid máu,… cần tuân thủ phác đồ điều trị và thực hiện các biện pháp thay đổi lối sống tích cực.

Biện pháp phòng tránh đột quỵ ở dân văn phòng

Thăm khám sớm để tầm soát các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ giúp tránh nguy cơ đột quỵ ở dân văn phòng.

2.3 Tầm soát nguy cơ đột quỵ – biện pháp phòng tránh đột quỵ từ “trứng nước”

Các chuyên gia khuyến cáo dù không có bệnh trong người, mỗi người cũng nên đi khám tầm soát nguy cơ đột quỵ. Bởi việc nhận diện các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ từ sớm, tránh đột quỵ xảy ra sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc duy trì sức khỏe và làm chủ cuộc sống tương lai. Ngược lại, nếu để đột quỵ xảy ra, những tác động đến công việc, học tập của người bệnh rất khó để đo đếm.

Hi vọng bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu được nguyên nhân gây và biện pháp phòng tránh đột quỵ ở dân văn phòng. Trong các biện pháp được chia sẻ, tầm soát nguy cơ đột quỵ chính là mấu chốt quan trọng không nên bỏ qua. Nếu có nhu cầu thăm khám, vui lòng liên hệ 1900 55 88 92 để được hỗ trợ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital