Bệnh viêm gan C là gì mà hễ nhắc đến ai nấy đều lo ngại. Cùng với viêm gan A, B,D,E, viêm gan C cũng là một bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm có mức độ nguy cơ gây hại lớn cho gan. Tìm hiểu về viêm gan C để có phương án đối phó và phòng tránh bệnh đúng cách.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu về bệnh viêm gan C
1.1. Bệnh viêm gan C là gì?
Viêm gan C gây ra bởi virus viêm gan C(Hepatitis C virus – HCV). Đây là một bệnh lây nhiễm rất nhanh từ người này sang người khác và có mức độ phổ biến lớn hơn cả viêm gan B.
Viêm gan C có xu hướng âm thầm phát triển nên rất khó nhận diện. Bệnh là nguyên nhân chính dẫn tới các vấn đề nguy hiểm về gan như suy gan, xơ gan, ung thư gan,… Và tính tới thời điểm này vẫn chưa có loại vaccine đặc hiệu nào có thể phòng ngừa viêm gan C.
1.2. Thời gian ủ bệnh của virus viêm gan C
Sau khi virus HCV xâm nhập vào cơ thể, chúng có thời kỳ ủ bệnh khá dài, khoảng từ 2 tuần cho đến 6 tháng, tùy thuộc vào thể trạng của từng người bệnh.
Sau giai đoạn lây nhiễm ban đầu, khoảng 80% người thường không thể hiện bất kỳ triệu chứng nào, thậm chí cả khi làm các xét nghiệm anti-HCV vẫn cho kết quả là âm tính với virus. Giải thích cho điều này là do cơ thể chưa có đủ thời gian để tạo ra các kháng thể chống lại virus HCV.
1.3. Đường lây của virus viêm gan C
Virus viêm gan HCV có khả năng lây truyền theo các con đường sau:
– Lây qua đường máu.
– Dùng chung bơm kim tiêm, hoặc các vật dụng tiêm thuốc khác với người bệnh đã mang virus viêm gan C.
– Dùng chung một số vật dụng cá nhân với người mang virus viêm gan C có mức độ nguy cơ cao như dao cạo râu, bấm móng tay, bàn chải đánh răng,…
– Đường từ mẹ sang con.
– Quan hệ tình dục không an toàn với người bệnh mang virus viêm gan C.
2. Các giai đoạn tiến triển bệnh của virus viêm gan C
Viêm gan C phát triển theo 2 giai đoạn: Viêm gan C cấp và viêm gan C mạn tính.
Viêm gan C cấp tính: Đây là giai đoạn khi mới nhiễm virus trong những tuần đầu tiên hoặc vài tháng sau khi virus viêm gan C xâm nhập vào máu của một người. Trong 25% trường hợp viêm gan C cấp tính, virus sẽ tự xóa khỏi cơ thể mà không cần can thiệp điều trị. Và phần còn lại nếu không được xử lý đúng cách thì hầu hết các ca viêm gan C cấp tính đều sẽ dẫn đến nhiễm trùng mạn tính.
Viêm gan C mạn tính: Theo ước tính, có tới 75% đến 85% những người bị viêm gan C cấp tính sẽ dẫn tới nhiễm trùng mạn tính sau thời gian kéo dài ít nhất 6 tháng hoặc lâu hơn vậy. Ngay cả khi phát triển tới giai đoạn này, hầu hết mọi người vẫn không biểu hiện triệu chứng rõ ràng, nhưng dù là vậy cũng tuyệt đối không thể chủ quan.
3. Viêm gan C nguy hiểm hơn những gì bạn nghĩ
Đừng thấy bệnh diễn tiến âm thầm mà nghĩ nó không hề ảnh hưởng tới sức khỏe. Trên thực thế, viêm gan do siêu vi HCV gây ra là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới các biến chứng nguy hiểm về gan, cụ thể như sau:
3.1. Xơ gan
Biến chứng đầu tiên do viêm gan C gây ra phải kể đến là xơ gan. Viêm gan C diễn tiến âm thầm dẫn tới các tổn thương về gan trong nhiều năm. Từ các tổn thương có thể hình thành nên các mô sẹo và đây là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới xơ gan.
3.2. Suy gan
Tình trạng xơ gan do viêm gan C nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách, bệnh sẽ diễn tiến ngày càng nghiêm trọng làm suy giảm chức năng gan, lâu dần sẽ dẫn đến suy gan. Suy gan được biểu hiện qua các dấu hiệu rất nghiêm trọng như: đi tiểu giảm, vàng da, vàng mắt, chân tay bị sưng phù, cổ trướng,…
Xơ gan và suy gan là 2 biến chứng đáng báo động do virus viêm gan C gây ra. Người bệnh lúc này phải tiến hành điều trị kháng virus ngay lập tức để ngăn ngừa mức độ nguy hiểm lớn hơn có thể xảy đến.
3.3. Ung thư gan
Đây là biến chứng muộn và có mức độ nguy hiểm nhất của các bệnh lý gan mật. Các trường hợp nhiễm virus viêm gan C thì nguy cơ bị ung thư gan cao gấp 12 lần so với người không bị nhiễm.
Xơ gan được coi là nguyên nhân hàng đầu gây ra ung thư gan. Bên cạnh đó, các yếu tố bên ngoài có tác dụng làm tăng nguy cơ ung thư gan ở người bệnh viêm gan C gồm lạm dụng bia rượu, hút thuốc, người nhiễm HIV, người béo phì hoặc người có hàm lượng sắt trong gan cao.
3.4. Các biến chứng khác
Virus viêm gan C ngoài việc tấn công và hủy hoại gan thì bệnh còn gây ảnh hưởng đến các bộ phận và hệ thống khác trong cơ thể. Có thể kể đến các biến chứng khác như thận bị tổn thương, tê, ngứa, tình trạng đau do tổn thương dây thần kinh, đau khớp, các vùng da mẩn đỏ và bị loét. Ngoài ra, viêm gan siêu vi C cũng là nguyên nhân có thể làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh lý khác bao gồm đái tháo đường, bệnh trầm cảm,…
Như vậy, bệnh viêm gan C tuyệt đối không thể chủ quan. Mặc dù vẫn chưa có loại vaccine đặc hiệu nào phòng ngừa, nhưng chúng ta vẫn có thể tự thực hiện các biện pháp phòng tránh an toàn từ chế độ ăn uống khoa học và thói quen sinh hoạt lành mạnh. Đối với người bệnh đã mắc viêm gan C cần tuân thủ các hướng dẫn từ bác sĩ và thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ đều đặn nhằm hạn chế thấp nhất các nguy cơ biến chứng có thể xảy đến.