Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và có độ phổ biến cao ở Việt Nam. Virus viêm gan B (HBV) dễ dàng lây nhiễm qua nhiều con đường. Hiểu được bệnh viêm gan B lây qua đường gì sẽ giúp chúng ta phòng ngừa hiệu quả bệnh lý này.
Menu xem nhanh:
1. Sơ bộ về khả năng lây lan của virus viêm gan B
Khi ở bên ngoài cơ thể người, virus viêm gan B có thể tồn tại ít nhất trong 7 ngày. Điều này có nghĩa là HBV ngoài môi trường vẫn có thể gây nhiễm trùng trong khoảng thời gian này, xâm nhập vào cơ thể của người không được bảo vệ bởi vaccine.
Trung bình, virus viêm gan B ủ bệnh trong 75 ngày. Tuy nhiên thời gian ủ bệnh cũng có thể biến động từ 30 – 180 ngày. Trong vòng 30 – 60 ngày sau khi nhiễm bệnh, virus có thể được phát hiện và gây ra viêm gan B.
So với HIV, virus viêm gan B có khả năng lây nhiễm cao hơn đến 100 lần. Đây là loại virus rất dễ lây lan và lây qua nhiều con đường.
2. Viêm gan B lây qua đường gì?
HBV lây qua 3 con đường chính gồm: đường máu, đường từ mẹ sang con và đường quan hệ tình dục.
2.1. Bệnh viêm gan B lây qua đường gì – Đường từ mẹ sang con
Đây là cách thức lây nhiễm phổ biến và quan trọng hàng đầu của virus. Phần lớn trường hợp xảy ra trong thời kỳ chu sinh hoặc những tháng đầu sau sinh. Nồng độ HBV DNA và chỉ số HBeAg của mẹ vào 3 tháng cuối thai kỳ quyết định mức độ lây nhiễm. Người mẹ có HBV cao và HBeAg (+) thì khả năng trẻ nhiễm virus càng cao.
Tỷ lệ lây nhiễm sẽ là 0% nếu HBV DNA của mẹ thấp hơn 10 mũ 5 copies/ml. Nguy cơ lây nhiễm tăng lên đến 50% nếu HBV DNA của mẹ từ 10 mũ 9 – 10 mũ 10 copies/ml. Trẻ sơ sinh có nguy cơ nhiễm HBV đạt 95% nếu mẹ có HBeAg (+) và nếu không được điều trị dự phòng miễn dịch. Trong khi đó, tỷ lệ lây nhiễm cho con là 32% nếu HBeAg (-).
Nồng độ HBV trong sữa mẹ rất thấp, do đó lây truyền xảy ra qua đường sữa mẹ chỉ khi người mẹ bị nứt hoặc chảy máu núm vú.
2.2. Lây truyền qua đường máu
Virus viêm gan B có trong máu người bệnh với mật độ lớn. Do đó nếu da hoặc niêm mạc của người bình thường bị xây xước và tiếp xúc với máu của người bệnh, nguy cơ nhiễm bệnh là rất cao.
Các hình thức lây truyền viêm gan B qua đường máu thường gặp nhất là:
– Dùng chung bơm kim tiêm với người bệnh; tái sử dụng bơm kim tiêm trong môi trường chăm sóc sức khỏe hoặc giữa những người tiêm chích ma túy.
– Châm cứu, xăm hình, xỏ khuyên, thực hiện thủ thuật y tế… tại những cơ sở không uy tín, không đảm bảo các thiết bị, dụng cụ được làm sạch.
– Dùng chung bàn chải đánh răng, lưỡi dao cạo và các vật dụng cá nhất khác với người bệnh đều dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao.
2.3. Bệnh viêm gan B lây qua đường gì – Đường quan hệ tình dục
Virus viêm gan B cũng được tìm thấy trong dịch âm đạo, tinh dịch, mồ hôi và các chất dịch từ cơ quan bài tiết của người bệnh với nồng độ thấp. Quá trình quan hệ tình dục với người mắc HBV, nếu các dịch này tiếp xúc với da hoặc niêm mạc bị tổn thương ở người lành cũng có thể làm lây nhiễm viêm gan B.
Các yếu tố gia tăng nguy cơ lây lan HBV gồm:
– Quan hệ tình dục với người viêm gan B và không sử dụng biện pháp bảo vệ như dùng bao cao su.
– Hành vi tình dục có gây tổn thương da, đồng thời mắc với các bệnh lý nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục khác.
– Quan hệ tình dục không thủy chung, quan hệ tình dục với nhiều bạn tình hoặc tiếp xúc với đối tượng mại dâm.
– Dùng chung các dụng cụ tình dục không được vệ sinh sạch khuẩn.
3. Cách phòng bệnh viêm gan B hiệu quả là gì?
3.1. Tiêm vaccine phòng ngừa virus viêm gan B
Biện pháp phòng ngừa chính đối với bệnh viêm gan B là tiêm vaccine phòng bệnh. Theo khuyến cáo của WHO, liều vaccine viêm gan B đầu tiên cần được tiêm càng sớm càng tốt trong vòng 24 giờ sau sinh. Các mũi tiếp theo sẽ được tiêm ở tháng thứ 2, 3, 4 theo phác đồ tiêm chủng.
95% trẻ sơ sinh, trẻ em và thành niên có kháng thể bảo vệ sau khi tiêm vaccine phòng ngừa virus viêm gan B. Vaccine có hiệu quả bảo vệ cao, trong thời gian dài ít nhất 20 năm. Nếu nống độ khánh thể kháng HBV được tạo ra lớn hơn 1000 IU/L sau chích ngừa, hiệu quả bảo vệ có thể kéo dài suốt đời.
Những người cần tiêm phòng gồm tất cả những ai chưa có kháng thể chống HBV. Việc tiêm vaccine cần được thực hiện càng sớm càng tốt, nhất là ở những quốc gia có tỷ lệ lưu hành viêm gan B cao như Việt Nam.
3.2. Lối sống lành mạnh
– Các cặp vợ chồng cần xét nghiệm sàng lọc viêm gan B trước khi có ý định sinh con. Thêm vào đó, trong suốt quá trình mang thai, người mẹ cần thăm khám định kỳ để đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh.
– Tuyệt đối không dùng chung bơm kim tiêm và các đồ dùng cá nhân như dao cạo, bàn chải đánh răng,…
– Khám chữa bệnh, làm răng, thực hiện xăm hình, xỏ khuyên… ở những địa chỉ uy tín, chất lượng, đảm bảo dụng cụ được vệ sinh sạch khuẩn.
– Sử dụng các dụng cụ bảo vệ khi tiếp xúc với máu, vết thương hở, chất dịch của người khác.
– Chú ý băng kín và giữ vệ sinh các vết thương hở trên cơ thể.
– Quan hệ tình dục an toàn, thủy chung, sử dụng các biện pháp bảo vệ cần thiết.
Hiểu được bệnh viêm gan B lây qua đường gì, chúng ta sẽ rút ra được cách phòng tránh hiệu quả. Tiêm vaccine phòng viêm gan B là cách phòng ngừa ưu việt nhất hiện nay. Bạn cũng đừng quên kết hợp với lối sống lành mạnh, thăm khám gan mật định kỳ để bảo vệ lá gan khỏi các bệnh truyền nhiễm nhiễm cũng như các tác nhân gây hại khác.