Phụ nữ mang thai dễ mắc bệnh trĩ. Bệnh trĩ ở phụ nữ mang thai tuy không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nếu không loại bỏ kịp thời cũng ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của cả mẹ và bé không chỉ trong thai kỳ mà cả khoảng thời gian sau sinh.
Hiện chưa có thống kê chính xác tỉ lệ chị em phụ nữ mắc bệnh này. Nhưng theo ước tính có khoảng 20% số phụ nữ mắc bệnh trĩ hoặc bị trĩ nặng hơn sau khi sinh.
Menu xem nhanh:
1. Vì sao phụ nữ mang thai dễ mắc bệnh trĩ?
Đối với phụ nữ mang thai, khi thai phát triển to, đè lên vùng bụng làm các mạch máu bị chèn ép, các tĩnh mạch ở tầng sinh môn và đáy chậu cũng bị chèn ép, khó lưu thông dẫn đến cương lên, dễ gây ra trĩ.
Do rối loạn tiêu hóa khi mang thai, phụ nữ hay bị táo bón cũng là nguyên nhân gây ra trĩ.
Ngoài ra, do thay đổi nội tiết khi mang thai nên khả năng bị trĩ ở phụ nữ mang thai cũng tăng lên. Đối với một số trường hợp khi sinh con, bị rạch tầng sinh môn, khi khâu, sản phụ có thể bị khâu chít vào một số mạch máu ở hậu môn, dẫn đến trĩ.
2. Hỗ trợ điều trị bệnh trĩ ở phụ nữ mang thai
Việc loại bỏ bệnh trĩ ở phụ nữ mang thai cũng giống như ở phụ nữ bình thường, tuy nhiên cần chú ý một số vấn đề sau đây:
– Dùng thuốc uống và đặt hậu môn là chính, không nên dùng các biện pháp can thiệp như thắt trĩ, mổ longo hoặc sóng cao tần. Nếu cần phải dùng đến các biện pháp can thiệp đó thì cần chờ đến khi sinh xong.
– Trong trường hợp trĩ đã có biến chứng thì bắt buộc phải can thiệp kịp thời, tùy theo từng trường hợp cụ thể sẽ có biện pháp xử trí thích hợp.
– Thai phụ cần tăng cường bổ sung thực phẩm nhiều chất xơ vào bữa ăn hàng ngày để tránh táo bón như ngũ cốc nguyên hạt, đậu, trái cây và rau quả. Đặc biệt, hãy uống nhiều nước và duy trì tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên.
– Vệ sinh nhẹ nhàng vùng hậu môn sau khi đi vệ sinh. Tránh sử dụng các loại giấy vệ sinh có màu hay có quá nhiều mùi thơm.
– Tránh tự ý sử dụng thuốc hoặc kem bôi trơn trong thời kỳ mang thai bởi chúng có thể khiến bạn bị viêm nặng hơn.
3. Cách phòng ngừa bệnh trĩ
Phụ nữ mang thai và sau khi sinh cần tuân thủ chế độ dinh dưỡng hợp lý, nên ăn nhiều rau, củ, quả, không ăn nhiều muối, nhiều đường, không sử dụng thức ăn có chất kích thích.
Phụ nữ mang thai nên cố gắng tránh bị táo bón và viêm đại tràng. Nên có tâm lý thoải mái vì nếu bị stress thường xuyên sẽ dễ bị viêm đại tràng chức năng. Phụ nữ muốn sinh con, nên xử trí dứt điểm trĩ trước khi mang thai.
Ngoài ra, để phòng bệnh trĩ khi mang thai, thai phụ cần tạo cho mình thói quen đại tiện đúng một khung giờ cố định, không nên để lâu hoặc ăn những thực phẩm gây táo bón như ổi xanh, thực phẩm chua như dưa, cà muối..
Nên đi khám và loại bỏ kịp thời khi có dấu hiệu bị trĩ để ngăn ngừa những ảnh hưởng của bệnh tới sức khỏe và sinh hoạt.