Thoát vị thành bụng ở trẻ sơ sinh: Nhận biết – điều trị

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Thoát vị thành bụng ở trẻ sơ sinh là một bệnh lý bẩm sinh, không hiếm gặp. Vậy do đâu mà trẻ sơ sinh thoát vị thành bụng, làm thế nào để nhận biết và điều trị bệnh lý này. Cùng Thu Cúc TCI tìm hiểu vấn đề đó trong bài viết sau, bố mẹ nhé!

1. Khái niệm và phân loại

Thoát vị thành bụng là tình trạng các tạng trong cơ thể không ở đúng vị trí của chúng mà thoát ra bên ngoài thành bụng. Vị trí xảy ra thoát vị các tạng thường là những điểm yếu của thành bụng, nơi lớp cơ mỏng và yếu. Ngoài thoát vị thành bụng, chúng ta còn có thể thoát vị bẹn, thoát vị rốn, thoát vị lưng, thoát vị vùng chậu,…

Phân loại theo nguyên nhân, thoát vị có 2 loại là thoát vị bẩm sinh và thoát vị phẫu thuật. Ở trẻ sơ sinh, thoát vị chủ yếu là thoát vị bẩm sinh.

Thoát vị thành bụng là tình trạng các tạng trong cơ thể không ở đúng vị trí của chúng mà thoát ra bên ngoài thành bụng.

Vị trí thoát vị thường là những điểm yếu của thành bụng, nơi lớp cơ mỏng và yếu

2. Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Thoát vị thành bụng xuất hiện nhiều ở trẻ sinh non – những trẻ có thành bụng chưa phát triển toàn diện. Nguyên nhân cụ thể dẫn đến tình trạng này, cho đến thời điểm hiện tại, vẫn còn là một bí ẩn. Theo một số chuyên gia, sự biến động nội tiết tố trong thai kỳ của mẹ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng xuất hiện của tình trạng này. Ngoài ra, trong thai kỳ, nếu mẹ có những vấn đề sau, nguy cơ trẻ bị thoát vị thành bụng là lớn hơn so với bình thường: Dưới 20 tuổi, lạm dụng chất kích thích, làm việc trong môi trường độc hại.

3. Dấu hiệu nhận biết

Thoát vị thành bụng bẩm sinh có thể được nhận biết rất dễ dàng chỉ bằng mắt thường. Cụ thể, trẻ thoát vị thành bụng thường có một khối lồi ở bụng. Nếu quan sát cẩn thận khối lồi này, bố mẹ có thể thấy một phần ruột chứa trong đó. Phần ruột này có thể có một số điểm tối màu, do tiếp xúc với dịch ối trong thai kỳ. Phần ruột thoát vị có thể sưng và không sắp xếp như bình thường mà có xu hướng bị xoắn.

4. Biến chứng

Thoát vị thành bụng cần được xử lý khẩn cấp; nếu không, khối thoát vị sẽ viêm, hoại tử, ruột trẻ sẽ tắc. Từ đó, tính mạng trẻ bị đe dọa.

5. Chẩn đoán và điều trị

5.1. Chẩn đoán thoát vị thành bụng ở trẻ sơ sinh

Trong thai kỳ, không có dấu hiệu lâm sàng nào ở mẹ có thể chỉ ra rằng trẻ bị thoát vị thành bụng. Tuy nhiên, dị tật bẩm sinh này có thể được phát hiện thông qua siêu âm. Bởi vậy, siêu âm định kỳ là vô cùng cần thiết khi mẹ mang thai. Ngoài siêu âm, thực hiện một số xét nghiệm khác cũng có thể cho thấy trẻ bị thoát vị thành bụng. Cụ thể, xét nghiệm thoát vị thành bụng ở đây là xét nghiệm máu, tìm kiếm một loại Protein có tên Alpha – Fetoprotein. Nếu nồng độ loại Protein này trong máu cao hơn bình thường thì nguy cơ rất cao, trẻ bị thoát vị thành bụng.

Thoát vị thành bụng ở trẻ sơ sinh có thể được phát hiện thông qua siêu âm

Siêu âm định kỳ là vô cùng cần thiết khi mẹ mang thai

Nếu trong thai kỳ, mẹ không khám sàng lọc thì thoát vị thành bụng cũng sẽ được chẩn đoán ngay khi trẻ ra đời, bằng các triệu chứng lâm sàng trên cơ thể trẻ.

5.2. Điều trị thoát vị thành bụng ở trẻ sơ sinh

Về cơ bản, nếu lỗ thoát vị nhỏ và trẻ khỏe mạnh, tình trạng thoát vị thành bụng có thể tự phục hồi do cơ và da có thể tự liền sau một thời gian chăm sóc và điều trị đúng phương pháp.

Nếu lỗ thoát vị lớn, khả năng thoát vị thành bụng tự phục hồi là không có, trẻ cần được phẫu thuật. Tuy nhiên, nếu lỗ thoát vị lớn thì kích thước khoang bụng trẻ sẽ nhỏ, cố gắng phẫu thuật ngay lập tức để đưa các tạng thoát vị về khoang bụng chập chội, lưu lượng máu đến các tạng này có thể bị cản trở, tĩnh mạch chủ bụng có thể bị chèn ép, hệ thống mạch máu lớn có thể bị vặn xoắn,…, rất nguy hiểm. Trong trường hợp này, chuyên gia sẽ chăm sóc khối thoát vị cho đến khi trẻ phát triển đến mức khoang bụng có thể thoải mái chứa các tạng thoát vị. Lúc đó, trẻ được phẫu thuật đưa các tạng thoát vị về khoang bụng và đóng lỗ thoát vị. Quá trình điều trị thoát vị thành bụng mức độ nặng ở trẻ sơ sinh có thể kéo dài nhiều tháng.

Sau phẫu thuật, trẻ cần được theo dõi tại đơn vị hồi sức tích cực (ICU). Tình trạng huyết động, tình trạng các cơ khoang bụng, tình trạng vết mổ cần được theo dõi sát sao. Dinh dưỡng được bổ sung cho trẻ qua truyền tĩnh mạch. Khi sức khỏe được đánh giá là đã ổn định, trẻ được ăn uống bình thường. Trong thời gian này, để giảm đau cho trẻ, chuyên gia có thể kê Acetaminophen (Paracetamol), Ibuprofen hoặc nhóm Opioid, tiêm/truyền tĩnh mạch hoặc đặt hậu môn.

6. Dự phòng

Để phòng bệnh bẩm sinh cho trẻ, các bà mẹ cần phải tự trang bị cho mình kiến thức cần thiết trước và trong thời gian mang thai:

– Tránh mang thai khi còn quá trẻ

– Kiểm tra sức khỏe trước khi có quyết định mang thai

– Theo dõi thai kỳ đều đặn nhằm phát hiện sớm những bất thường để kịp thời điều trị

– Khi mang thai cần giữ tâm lý thoải mái, tránh căng thẳng, mệt mỏi, áp lực

– Tránh sử dụng các loại đồ uống có cồn và tránh xa thuốc lá, khói thuốc lá

Tránh sử dụng các loại đồ uống có cồn khi mang thai để dự phòng thoát vị thành bụng

Để dự phòng thoát vị thành bụng, mẹ tránh sử dụng đồ uống có cồn

– Tránh làm việc trong môi trường độc hại, sử dụng khẩu trang khi ra đường nhằm tránh hít phải bụi bẩn, ô nhiễm…

Phía trên là một số thông tin cơ bản hữu ích về thoát vị thành bụng. Liên hệ Thu Cúc TCI ngay, nếu còn thắc mắc cần giải đáp chi tiết, bố mẹ nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital