Bệnh thoái hóa hoàng điểm có những loại nào?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Xuân Loan

Phó khoa Khám bệnh phụ trách chuyên khoa Mắt

Bệnh thoái hóa hoàng điểm thường được biết đến là bệnh lý về mắt phổ biến ở người cao tuổi. Bệnh được chia thành nhiều loại và ở mỗi thể bệnh lại có biểu hiện và độ nguy hại khác nhau. Ở bài viết này TCI sẽ phân biệt cụ thể đặc điểm của 2 loại thoái hóa hoàng điểm cũng như phương thức phát hiện bệnh đang được áp dụng tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

1. Định nghĩa về bệnh lý thoái hóa hoàng điểm

bệnh thoái hóa hoàng điểm

Thoái hóa hoàng điểm là bệnh lý ảnh hưởng lớn đến thị lực trung tâm của người bệnh

Hoàng điểm (còn gọi là điểm vàng của mắt) là một bộ phận nằm tận sâu tại vùng trung tâm võng mạc. Đây là vị trí nhạy cảm nhất của võng mạc, nơi tập trung của hàng triệu tế bào cảm quan nên đóng vai trò quan trọng trong việc thu nhận hình ảnh, giúp nhận biết màu sắc và quyết định độ sắc nét của hình ảnh. Chính vì vậy điểm vàng có vai trò rất quan trọng đối với thị lực trung tâm.

Bệnh thoái hóa hoàng điểm hay còn gọi là thoái hóa điểm vàng là sự thoái hóa, lão hóa khiến tế bào biểu mô sắc tố võng mạc không còn làm việc tốt. Tình trạng này làm vùng trung tâm thị giác mất khả năng nhìn chi tiết, làm thị lực giảm, hình ảnh nhìn thấy được thường như bị bóp méo. Trong giai đoạn ban đầu, bệnh không gây ra mù hoàn toàn, tầm nhìn bao quát của người bệnh vẫn bình thường nhưng khả năng đọc, điều khiển xe cộ, phân biệt và nhận thức màu sắc, sự tương phản trong hình ảnh bị suy yếu nghiêm trọng. Thoái hóa điểm vàng là bệnh lý nguyên nhân gây mất thị lực hàng đầu thế giới, chiếm tỉ lệ khoảng 50% tất cả các trường hợp khiếm thị.

Bệnh lý này xuất hiện phổ biến ở người cao tuổi, tuy nhiên do điều kiện sống, sinh hoạt tiếp xúc nhiều với thiết bị điện tử nên hiện tại độ tuổi mắc bệnh đang trẻ hóa dần. Bệnh được phân thành 2 thể là thoái hóa hoàng điểm thể khô và thoái hóa hoàng điểm thể ướt.

2. Bệnh thoái hóa hoàng điểm phân loại thể khô

Thoái hóa điểm vàng thể khô được cho là loại thoái hóa phổ biến nhất của căn bệnh này và chiếm tới khoảng 85-90% các trường hợp mắc thoái hóa điểm vàng.

Bệnh thường xuất hiện ở một bên mắt nhưng có thể gây ảnh hưởng đến cả hai mắt. Trong trường hợp chỉ có một mắt bị giảm thị lực, bệnh nhân có thể không nhận thấy bất kỳ thay đổi về thị lực nào vì não sẽ lọc và tiếp nhận hình ảnh từ bên mắt khỏe. Tình trạng này không ảnh hưởng đến tầm nhìn ngoại biên của người bệnh, vì vậy nó rất hiếm khi gây mù hoàn toàn.

Tuy nhiên thoái hóa điểm vàng thể khô có thể tiến triển thành thể ướt do sự phát triển của các mạch máu mới dưới võng mạc bị rò rỉ.

2.1 Cơ chế hình thành bệnh

bệnh thoái hóa hoàng điểm

Chụp đáy mắt bị thoái hóa hoàng điểm thể khô

Thể bệnh này phát triển rất âm thầm và từ từ, bắt đầu với việc các tế bào biểu mô sắc tố võng mạc suy yếu, không lấy đủ chất dinh dưỡng nuôi dưỡng tế bào nón và que. Cuối cùng những tế bào này sẽ dần thoái hóa, ngưng làm việc và chết, dần dần các mảnh võng mạc sẽ tiêu biến và làm lớp mô hoàng điểm mỏng đi. Bên cạnh đó tình trạng này cũng dẫn đến việc không làm sạch được các chất thải và các sản phẩm trung gian tạo ra bởi 2 loại tế bào nón và que. Hậu quả là những lắng đọng bất thường nhỏ tích tụ dưới võng mạc, tạo ra cặn trong võng mạc, gọi là “drusen”.

Lúc này hình ảnh quan sát được tại mắt bệnh sẽ bị mờ hoặc bị bóp méo, gây ảnh hưởng đến tầm nhìn của người bệnh, đặc biệt là khi đọc sách hoặc làm những việc cần sự tỉ mỉ. Thể bệnh này thường tiến triển âm thầm trong thời gian từ 5 – 10 năm trước khi thực sự xuất hiện tình trạng suy giảm thị lực ở mắt bệnh.

Bệnh có biểu hiện rõ rệt khi các tế bào cảm quang ở hoàng điểm dần dần bị phá vỡ, khiến vùng thị lực trung tâm của mắt hoạt động kém hiệu quả. Qua một thời gian dài, thị lực người bệnh sẽ có dấu hiệu suy giảm mạnh, thậm chí hỏng võng mạc. Tuy vậy nếu phát hiện những dấu hiệu của thoái hóa điểm vàng sớm và điều trị kịp thời, người sẽ có khả năng hồi phục nhanh hơn và tốt hơn.

2.2 Triệu chứng bệnh thoái hóa hoàng điểm thể khô

Các biểu hiện và ảnh hưởng phổ biến của sự thoái hóa hoàng điểm loại khô tới thị lực người bệnh là:

– Nhìn sự vật biến dạng, vi dụ như đường thẳng nhưng nhìn bị cong

– Giảm thị lực trung tâm ở mắt bệnh hoặc cả hai mắt

– Càng ngày càng khó nhìn rõ với ánh sáng yếu, cần nhiều ánh sáng hơn khi đọc sách hoặc làm các công việc chi tiết

– Nhìn chữ in bị nhòe

– Nhìn màu sắc không đúng sắc độ hoặc không phân biệt được màu

– Khó nhận diện khuôn mặt

Các triệu chứng thể hiện trên võng mạc người bệnh, là cơ sở để bác sĩ chẩn đoán:

– Có sự thay đổi bất thường trong biểu mô sắc tố võng mạc

– Drusen

– Teo hắc võng mạc

3 Bệnh thoái hóa hoàng điểm thể ướt

Bệnh thoái hóa hoàng điểm thể ướt chiếm tỉ lệ khoảng 10-15% số người bị bệnh thoái hóa hoàng điểm và có tính chất bệnh nặng hơn so với thể khô. Những người bị thoái hóa điểm vàng thể ướt thường đều từ thể khô phát triển thành.

Các triệu chứng thoái hóa hoàng điểm thể ướt có xu hướng xuất hiện đột ngột với biểu hiện rõ rệt và xấu đi nhanh chóng, người bệnh thường bị giảm thị lực ở mức nghiêm trọng trong một thời gian ngắn. Thời gian tiến triển bệnh thường trong vài ngày hoặc vài tuần, thậm chí có thể diễn tiến đột ngột hơn nếu có một trong những mạch máu bất thường bị rỉ máu, vỡ ra.

3.1 Cơ chế hình thành bệnh

bệnh thoái hóa hoàng điểm

Chụp đáy mắt thoái hóa hoàng điểm thể ướt

Thoái hóa điểm vàng thể ướt xảy ra ở lớp mạch máu mới phát triển từ bên dưới hoàng điểm của bạn, các mạch máu này gặp tình trạng chảy máu, rỉ dịch gây ra sẹo võng mạc.

Nguyên nhân gây nên tình trạng này là có một yếu tố kích thích nào đó tác động khiến các mạch máu mới phát triển từ hắc mạc. Các mạch máu bất thường này xuất hiện dưới võng mạc sau đó phát triển và di chuyển dần đến trung tâm thị lực, che đi một phần điểm vàng, từ đó gây cản trở thị lực của bệnh nhân. Những mạch máu mới này không như những mạch máu bình thường mà có đặc điểm là rất mỏng manh nên luôn tiềm ẩn nguy cơ rò rỉ máu và dịch. tình trạng này làm phá hủy tế bào nón và que, gây sẹo tại hoàng điểm, từ đó kéo theo thị lực càng giảm thêm, hình ảnh quan sát được bị biến dạng, và xuất hiện điểm mù, thấy ảo giác.

3.2 Triệu chứng bệnh thoái hóa hoàng điểm thể ướt

Các biểu hiện và ảnh hưởng phổ biến của sự thoái hóa hoàng điểm loại ướt tới thị lực người bệnh là:

– Biến dạng thị giác, khiến các hình ảnh thu được bị bóp méo.

– Giảm thị lực trung tâm ở mắt bệnh hoặc cả hai mắt

– Khó thích ứng với môi trường có mức ánh sáng yếu.

– Đọc sách, báo thấy chữ bị mờ, nhòe.

– Khó phân biệt màu sắc hoặc thấy sắc độ mờ nhạt.

– Khó nhận diện khuôn mặt.

– Xuất hiện điểm mờ hoặc điểm mù được xác định rõ ràng trong tầm nhìn.

Các triệu chứng thoái hóa điểm vàng thể ướt thể hiện trên võng mạc người bệnh, là cơ sở để bác sĩ chẩn đoán:

– Dịch tụ dưới võng mạc biểu hiện dưới dạng một vùng võng mạc gồ lên khu trú.

– Phù võng mạc.

– Vùng võng mạc dưới hoàng điểm chuyển màu xanh xám.

– Có xuất huyết ở trong hoặc xung quanh vị trí điểm vàng.

– Biểu mô sắc tố võng mạc có tình trạng bong, gồ lên..

4. Chẩn đoán thoái hóa điểm vàng bằng cách nào?

Để phát hiện và kiểm tra thấy những bất thường tại điểm vàng của người bệnh, bác sĩ nhãn khoa có thể sẽ chỉ định thực hiện một trong số các phương pháp sau:

– Kiểm tra thị lực cơ bản.

– Kiểm tra đáy mắt có giãn đồng tử để phát hiện các đốm màu vàng hình thành dưới võng mạc mắt.

– Đo nhãn áp.

– Chụp mạch huỳnh quang để quan sát mạch máu và phát hiện rò rỉ chất lỏng hoặc sự thay đổi bất thường của võng mạc.

– Chụp mạch xanh indocyanine giúp xác định các mạch máu bất thường nằm ở vị trí sâu hơn dưới võng mạc.

Chụp cắt lớp kết hợp quang học có tác dụng xác định các khu vực mỏng đi, dày lên hoặc bị sưng tấy ở võng mạc.

Chụp cắt lớp vi tính quang học (OCT) giúp bác sĩ nhận biết và phát hiện các mạch máu bất thường trong điểm vàng.

– Dùng lưới Amsler (Amsler grid) để kiểm tra sự biến dạng thị giác.

bệnh thoái hóa hoàng điểm

Nên đi khám chuyên khoa để xác định thoái hóa hoàng điểm chính xác

Người bệnh gần như không thể xác định chắc chắn mình bị bệnh thoái hóa hoàng điểm khi chỉ thông qua các biểu hiện mà cần đến các trung tâm, bệnh viện có chuyên khoa mắt để được kiểm tra bằng phương pháp chuyên môn và đưa ra chẩn đoán chính xác từ bác sĩ. Vì bệnh thoái hóa hoàng điểm gây ảnh hưởng nhiều và cản trở thị lực người bệnh, thậm chí gây mất thị lực nếu để lâu dài nên người bệnh cần chủ động đi khám ngay khi thấy có dấu hiệu hoặc nghi ngờ mắc bệnh để được điều trị kịp thời.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital