Bệnh tay chân miệng trẻ em cách điều trị tại nhà

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Bệnh tay chân miệng rất thường gặp ở trẻ em và mùa hè là thời điểm dễ bùng phát dịch. Bệnh tay chân miệng trẻ em cách điều trị như thế nào, hãy cùng tham khảo bài viết này để biết cách chăm sóc trẻ đúng cách, ba mẹ nhé.

1. Một số thông tin về bệnh tay chân miệng trẻ em

Bệnh tay chân miệng trẻ em

Bệnh tay chân miệng rất thường gặp ở trẻ em, và dễ lây lan.

Tay chân miệng là trẻ em là một bệnh nhiễm trùng do vi rút gây ra các nốt phát ban hoặc mụn nước trên bàn tay và bàn chân của trẻ, hoặc trong và xung quanh miệng. Có hai loại vi rút gây ra bệnh tay chân miệng và các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào loại vi rút.

Bệnh tay chân miệng chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 10 tuổi, đặc biệt là dưới 5 tuổi, tuy nhiên bệnh có thể gặp ở thanh thiếu niên. Tay chân miệng rất dễ lây lan từ người bệnh này sang người khác. 

Các triệu chứng thường bắt đầu xuất hiện từ ba đến bảy ngày sau khi bị nhiễm bệnh, và có thể kéo dài từ bảy đến 10 ngày. Khi trẻ bị nhiễm bệnh, tuỳ thuộc vào loại vi rút, mà có thể có những triệu chứng khác nhau:

– Trẻ bị mệt mỏi, sốt cao và phát ban 

– Các mụn nước nhỏ, hình bầu dục, màu trắng xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, cũng như trong miệng

– Bé bị đau miệng và cổ họng, dẫn đến kém ăn hoặc có nguy cơ mất nước (việc ăn uống sẽ làm trẻ bị đau vì các mụn nước ở miệng). Ở một số trẻ, các mụn nước có thể không xuất hiện trong miệng, trong trường hợp này, trẻ vẫn có thể ăn uống bình thường. 

– Xuất hiện phát ban đỏ trên da, vảy có màu nâu. Phát ban có thể xuất hiện trên cánh tay ngoài, bàn tay, bàn chân, xung quanh miệng và phân mông bé.

– Các mụn nước do bệnh tay chân miệng thường không ngứa như thuỷ đậu. 

– Ở những trẻ bị chàm, các mụn nước do tay chân miệng có thể khiến tình trạng chàm trở nên nặng hơn và có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn.

Bệnh tay chân miệng thường do vi rút coxsackie gây ra. Cách lây lan chính của bệnh là do tiếp xúc với chất lỏng từ bên trong mụn nước, hoặc với các giọt bắn khi trẻ nhiễm bệnh hắt hơi và ho. Vi-rút cũng có thể hiện diện ở phân của trẻ tới vài tuần khi trẻ đã bình phục. 

2. Bệnh tay chân miệng trẻ em cách điều trị thế nào?

Bệnh tay chân miệng do vi rút coxsackie gây ra thường không có thuốc đặc trị. Phương pháp điều trị chủ yếu là chăm sóc các vết phồng rộp, mụn nước và điều trị triệu chứng. Thường bệnh tay chân miệng ở trẻ sẽ chấm dứt sau 7 – 10 ngày. Thuốc kháng sinh không có tác dụng đối với bệnh này.

2.1 Điều trị bệnh tay chân miệng tập trung vào giảm triệu chứng

– Thuốc hạ sốt Paracetamol, giúp làm dịu cơn đau và hạ sốt, tuy nhiên phụ huynh tuyệt đối không dùng aspirin để giảm đau và hạ sốt cho bé. Việc sử dụng thuốc phải có sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ về liều lượng phù hợp với độ tuổi và cân nặng của trẻ. 

Bệnh tay chân miệng trẻ em cách điều trị

Bệnh tay chân miệng trẻ em không có thuốc đặc trị, mà chủ yếu tập trung điều trị giảm triệu chứng.

– Cho trẻ uống nhiều nước, uống từng ngụm nhỏ, để tránh bị mất nước. Cho trẻ tăng cường các loại nước ép trái cây, giàu Vitamin để bổ sung cho cơ thể.

– Phụ huynh có thể dùng đá lạnh, cho vào chiếc khăn sạch để chườm lên những vết phồng rộp ở miệng, sẽ giúp bé giảm cơn đau miệng. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể dùng Antacide dạng gel chấm vào vết phồng rộp ở miệng, giúp trẻ giảm đau và ăn uống dễ dàng hơn. 

– Có thể sử dụng thuốc kháng histamine thông thường như Chlorpheniramine, Polaramin, Theralene… để giảm ngứa cho trẻ. Tuy nhiên, phụ huynh cần tuân theo chỉ định của bác sĩ điều trị.

Để các vết phồng rộp khô một cách tự nhiên. Không nên cố tình làm vỡ các mụn nước vì dịch bên trong có thể lây nhiễm cho người khác.

– Cho trẻ ăn thức ăn mềm. Tránh thức ăn có vị chua, có thể làm đau miệng bé.

– Khuyến khích con nghỉ ngơi nhiều để bệnh nhanh khỏi. Trong thời gian trẻ bị bệnh, ba mẹ nên giữ con ở nhà, không cho trẻ tới trường cho tới khi các vết mụn nước khô miệng. Đồng thời, cha mẹ hãy khuyến khích con nghỉ ngơi nhiều hơn để bệnh mau khỏi. 

– Nếu các triệu chứng không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn, hãy cho con đi khám tại bệnh viện ngay. Đặc biệt lưu ý khi trẻ cảm thấy mệt mỏi, kèm sốt và phát ban trên da (những chấm tròn nhỏ màu đỏ, tím, hoặc vết bầm tím không rõ nguyên nhân) mà không chuyển sang màu trắng khi ấn vào thì có thể nghĩ tới dấu hiệu của viêm  não mô cầu, cần đưa trẻ đi viện ngay.

2.2 Vệ sinh cá nhân cho trẻ sạch sẽ để sớm khỏi bệnh

Chăm sóc trẻ bị bệnh tay chân miệng

Rửa tay với xà phòng dưới vòi nước chảy vừa là cách giúp bệnh nhanh khỏi, vừa giúp phòng bệnh.

– Tắm rửa cho trẻ sạch sẽ hàng ngày bằng xà phòng và nước sạch để hạn chế lây truyền bệnh cho trẻ khác, đồng thời ngăn ngừa tình trạng bội nhiễm vi khuẩn.  

– Khuyến khích con rửa sạch tay đúng cách và thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy để loại bỏ sự bám dính của virus gây bệnh trên tay, điều này ngăn ngừa lây bệnh và tái nhiễm qua đường tay – miệng.

– Giặt sạch quần áo, tã lót, khăn… của trẻ bằng dung dịch sát khuẩn, hoặc luộc nước sôi trước khi giặt bằng xà phòng và nước.

– Đồ dùng của trẻ như bình sữa, cốc, bát ăn cơm, thìa… cần được luộc sôi và không dùng chung cho trẻ khác hoặc thành viên khác trong gia đình.

3. Những dấu hiệu nhiễm trùng nghiêm trọng, cha mẹ cần cho con đi khám ngay

Cha mẹ lưu ý nếu con có các dấu hiệu dưới đây, có thể bé mắc một dạng bệnh tay chân miệng nghiêm trọng hơn:

– Sốt dai dẳng (38 ° C trở lên trong 72 giờ trở lên)

– Co giật

– Thở nhanh

– Mệt mỏi quá mức, buồn ngủ

– Đi lại khó khăn

– Bé không chịu uống nước

– Có dấu hiệu mất nước (chẳng hạn như tiểu ít, môi khô, mắt khô…)

– Các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn sau một vài ngày

Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào trong số này, bạn cần đưa bé đi khám sớm để các bác sĩ có phương án điều trị thích hợp.

Tóm lại, bệnh tay chân miệng trẻ em cách điều trị chủ yếu là điều trị triệu chứng và chăm sóc tại nhà, nếu con có các biểu hiện nặng thì cha mẹ cần đưa con đi bệnh viện. Bên cạnh đó, tay chân miệng là bệnh rất dễ lây, do vậy ba mẹ hãy dạy con cách phòng bệnh bằng cách rửa tay thường xuyên sạch sẽ, không dùng chung các đồ dùng sinh hoạt với trẻ khác hoặc người thân trong nhà, không cho trẻ tới lớp khi đang bị bệnh… 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital