Bệnh nấm da gây cho người bệnh cảm giác khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt, thẩm mỹ, làm giảm chất lượng cuộc sống… và khiến người bệnh có tâm lí tự ti, ngại giao tiếp. Bài viết dưới đây giải đáp các thắc mắc của bạn đọc về bệnh nấm da.
Menu xem nhanh:
-Chào bác sĩ! Xin bác sĩ cho biết những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nấm da. Cảm ơn bác sĩ! (Lê Minh – Hà Đông, Hà Nội)
Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh nấm da bao gồm: Ban hình vòng trên da, sưng đỏ quanh rìa và có vùng da lành ở giữa; ban vòng đỏ có vảy lan dần trên thân mình hoặc mặt; người bệnh có cảm giác rát, ngứa ở vùng da bị tổn thương; có thể xuất hiện nhiều mảng nấm da chồng lên nhau. Bệnh nhân cũng có thể bị nấm da mà không có ban vòng đỏ và ngứa…
-Nguyên nhân gây bệnh nấm da là gì, thưa bác sĩ? (Tiến Đức – Ninh Bình)
Nguyên nhân của bệnh nấm là do nấm ký sinh ở các tế bào thượng bì chết. Những người bị suy giảm miễn dịch như mắc bệnh đái tháo đường hoặc nhiễm HIV/AIDS cũng có nguy cơ bị nấm da cao. Người bị viêm da dị ứng cũng dễ bị nấm da hơn bình thường.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh bao gồm: Môi trường sống chật chội, ẩm ướt; đổ nhiều mồ hôi khiến da dễ nhiễm bệnh; các vận động viên có nguy cơ cao bị nấm da; nấm da cũng hay gặp ở trẻ em; dịch nấm da thường xảy ra ở trường học, nhà trẻ; tiếp xúc với vật nuôi cũng tăng nguy cơ bị nấm da…
-Bệnh nấm da lây theo con đường nào? (Thùy Dung – Hải Dương)
Bệnh nấm có thể lây truyền theo các đường sau: Từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Từ động vật sang người do tiếp xúc với động vật mắc bệnh. Từ đồ vật sang người do tiếp xúc với những đồ vật mang mầm bệnh…
-Xin bác sĩ cho biết, một số loại nấm da đầu thường gặp? Cảm ơn bác sĩ! (Hữu Hướng – Đan Phượng, Hà Nội)
Có nhiều loại nấm da nhưng hay gặp nhất là một số nấm da sau đây: Nấm thân, nấm kẽ, nấm móng, nấm tóc, bệnh lang ben…
-Xin hỏi bác sĩ, bệnh nấm da khi nào cần đi khám? (Thanh Hải – Hà Nội)
Nếu các vết ban trên da không cải thiện trong vòng 2 tuần, bạn nên đi khám chuyên khoa da liễu để tìm nguyên nhân và điều trị bởi bác sĩ. Trường hợp nếu ban đỏ trên da nhiều có hiện tượng sưng, chảy nước hoặc có sốt… cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
-Cách sàng lọc và chẩn đoán bệnh nấm da như thế nào, thưa bác sĩ? (Minh Tiến – Hưng Yên)
Khi khám cho các bệnh nhân, bác sĩ sẽ dùng các kỹ thuật và kinh nghiệm của mình để phân biệt bệnh nấm da với các bệnh da khác như vẩy nến hoặc viêm da dị ứng. Bác sĩ có thể hỏi người bệnh xem có tiếp xúc với đất bẩn, với người hoặc động vật bị nấm da hay không. Ngoài ra, bác sĩ có thể cạo da hoặc lấy mẫu vùng da bị bệnh để soi dưới kính hiển vi. Trường hợp mẫu xét nghiệm có nấm, người bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc chống nấm…
-Bệnh nấm da có thể dẫn đến những biến chứng như thế nào? (Thanh Hiên – Vĩnh Phúc)
Bệnh nấm hiếm khi lan xuống dưới bề mặt da gây bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên, người bị suy giảm miễn dịch (như người nhiễm HIV/AIDS) rất khó chữa khỏi bệnh.
-Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi cách điều trị bệnh nấm da! Cảm ơn bác sĩ! (Dương Linh – Hà Nam)
Đối với trường hợp nấm da nhẹ, bác sĩ có thể cho dùng các thuốc mỡ, thuốc nước, thuốc bột hoặc thuốc xịt chống nấm không kê đơn. Hầu hết các ca có đáp ứng tốt với thuốc dùng tại chỗ, bao gồm:
– Miconazole (Micatin, Monistat-Derm)
– Clotrimazole (Lotrimin, Mycelex)
– Terbinafine (Lamisil)
Nếu bệnh nấm nặng lên hoặc không đáp ứng với các thuốc không kê đơn, người bệnh sẽ được uống hoặc bôi loại thuốc kê đơn, gồm:
– Thuốc bôi: econazole (Spectazole), oxiconazole (Oxistat)
– Thuốc uống: itraconazole (Sporanox), fluconazole (Diflucan), terbinaffine (Lamisil)
-Bệnh nấm da có thể phòng ngừa được không? (Thanh Tú – Thanh Hóa)
Bệnh nấm da rất khó phòng ngừa. Nấm gây bệnh rất phổ biến và dễ lây thậm chí trước khi triệu chứng xuất hiện. Tuy nhiên, có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh bằng cách: Dành thời gian tìm hiểu biết về bệnh nấm; tuyên truyền cho người khác về căn bệnh này đề phòng ngừa bệnh tốt hơn trong cộng đồng; giữ vệ sinh, rửa tay thường xuyên để tránh lây nhiễm nấm; giữ vệ sinh những khu vực công cộng, đặc biệt là trường học, nhà trẻ, nhà tập thể thao và các phòng kín; không mặc quần áo dầy lâu trong thời tiết nóng ẩm; tránh đổ mồ hôi nhiều; kiểm tra súc vật nuôi xem có bị nấm da hay không; không dùng chung vật dụng cá nhân như quần áo, khăn mặt, khăn tắm, lược…
-Bệnh viện Thu Cúc có điều trị bệnh nấm da không, thưa bác sĩ? (Thu Minh – Hà Nội)
Chuyên khoa Da liễu Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Thu Cúc đang khám và điều trị nhiều bệnh ngoài da khác nhau trong đó có bệnh nấm da. Khám và điều trị bệnh nấm da tại Bệnh viện Thu Cúc, người bệnh được thăm khám trực tiếp bởi các bác sĩ giỏi, điều trị dưới sự hỗ trợ của các trang thiết bị hiện đại và trải nghiệm các dịch vụ y tế chất lượng cao.