Bệnh lý thần kinh tự trị: biểu hiện, nguyên nhân, cách điều trị

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Bệnh lý thần kinh tự trị là một nhóm các tình trạng tổn thương dây thần kinh tự trị (dây thần kinh kiểm soát chức năng tự động của cơ thể) như: thân nhiệt, huyết áp, nhịp tim, tiêu hóa, tiểu tiện, nhu động ruột,… Nguyên nhân gây tình trạng này có thể do nhiều bệnh lý khác nhau, triệu chứng và cách điều trị phải căn cứ theo loại dây thần kinh bị tổn thương.

1. Biểu hiện của bệnh thần kinh tự trị

Khi dây thần kinh bị tổn thương sẽ ảnh hưởng đến quá trình truyền thông tin “tín hiệu” giữa não bộ tới các cơ quan trong cơ thể, từ đó gây ra nhiều triệu chứng khác nhau.

Một số biểu hiện của bệnh thần kinh tự trị như:

– Chóng mặt, ngất xỉu,

– Gặp các vấn đề về tiết niệu

– Khó khăn trong quan hệ tình dục (rối loạn cương dương, xuất tinh sớm ở nam giới hay khô âm đạo, giảm ham muốn và khó đạt cực khoái ở nữ giới),

– Đổ mồ hôi bất thường (quá nhiều hoặc quá ít)

– Khó tiêu hóa thức ăn (ăn nhanh no, chán ăn, tiêu chảy, táo bón, đầy bụng, buồn nôn, ợ nóng, khó nuốt,…)

– Hay bị run và đói bụng (lượng đường trong máu thấp),…

biểu hiện của bệnh thần kinh tự trị

Trẻ nhỏ cũng có thể bị bệnh thần kinh tự trị. Các dấu hiệu bệnh thường không rõ ràng, dễ bị nhầm lẫn. (ảnh minh họa)

2. Nguyên nhân gây bệnh lý thần kinh tự trị

Có nhiều nguyên nhân gây bệnh thần kinh tự trị, đó là

– Sự tích tụ protein bất thường (bệnh amyloidosis): là nhóm bệnh do sự lắng đọng ngoại bào (ngoài tế bào) bởi các sợi fibrin không hòa tan. Các sợi fibrin này được cấu tạo từ các protein được tổng hợp một cách bất thường. Các protein này tích tụ gây nên các bệnh lý khác nhau ở da, tim, gan, thần kinh, tiêu hóa, thận,…

Bệnh amyloidosis có thể xảy ra tiên phát hoặc thứ phát, sau nhiều bệnh truyền nhiễm, viêm hoặc ác tính. Hậu quả của hiện tượng lắng đọng protein bất thường này là gây ra tình trạng rối loạn chức năng các cơ quan và có thể gây tử vong.

– Các bệnh tự miễn, hội chứng cận ung thư: Hệ miễn dịch của con người có thể tấn công và làm hỏng các bộ phận trong cơ thể kể cả dây thần kinh. Một số bệnh tự miễn dạng này như: bệnh Lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, hội chứng Guillain-Barre, hội chứng Sjogren có thể gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh tự trị. Hội chứng cận ung thư cũng có thể gây ra bệnh lý này.

– Một số bệnh truyền nhiễm, rối loạn di truyền có thể gây rối loạn chức năng dây thần kinh tự trị.

– Đặc biệt, bệnh tiểu đường là nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh thần kinh tự trị.

nguyên nhân gây bệnh thần kinh tự trị

Bệnh tiểu đường là nguyên nhân chính gây bệnh thần kinh tự trị.

3. Các yếu tố nguy cơ

Một số yếu tố nguy cơ có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh thần kinh tự trị là:

– Bệnh tiểu đường: kiểm soát đường huyết kém làm tăng nguy cơ mắc bệnh thần kinh tự trị và tổn thương các dây thần kinh khác.

– Những căn bệnh khác: bệnh lắng đọng amyloidosis, rối loạn chuyển hóa porphyria, suy giáp, ung thư, … có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh và làm tăng nặng bệnh thần kinh tự trị.

4. Điều trị và phòng ngừa bệnh thần kinh tự trị

4.1 Điều trị bệnh lý thần kinh tự trị

Để điều trị bệnh lý này cần phải dựa trên loại dây thần kinh bị tổn thương. Vì vậy, người bệnh cần đi khám với bác sĩ chuyên khoa nội thần kinh để được kiểm tra, chẩn đoán đúng và có biện pháp điều trị hiệu quả.

Điều trị bệnh thần kinh tự trị, sẽ điều trị nguyên nhân gây tổn thương dây thần kinh tự trị và kết hợp điều trị các triệu do bệnh thần kinh tự trị gây ra. Chẳng hạn như nếu người bệnh bị tiểu đường, cần kiểm soát đường máu bằng chế độ ăn, uống, tập thể dục và sử dụng thuốc đều đặn theo đơn thuốc được bác sĩ chuyên khoa kê. Đối với các bệnh tự miễn khác sẽ phải dùng thuốc để kiểm soát hệ thống miễn dịch. Đồng thời, các bác sĩ sẽ điều trị những triệu chứng khác do tổn thương dây thần kinh tự trị gây ra như:

– Điều trị các triệu chứng về rối loạn tiêu hóa

– Điều trị các triệu chứng về thận, tiết niệu

– Điều trị các vấn đề về mồ hôi

– Điều trị các triệu chứng về tim mạch, huyết áp.

– Điều trị các triệu chứng về tình dục,…

Tùy thuộc vào tình trạng biểu hiện cụ thể và sức khỏe của người bệnh, các bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất cho từng người bệnh. Chủ yếu là điều trị nội khoa. Bạn tuyệt đối không được tự ý sử dụng đơn thuốc của người khác, khi chưa qua thăm khám với bác sĩ vì điều này sẽ gây ra rất nhiều nguy hiểm “tiềm ẩn”.

khám và điều trị bệnh lý thần kinh tự trị

Người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín, thăm khám với bác sĩ chuyên khoa Thần kinh để được chẩn đoán đúng bệnh và có biện pháp điều trị hiệu quả.

4.2 Phòng ngừa bệnh lý thần kinh tự trị

Ngoài ra, cần tuân thủ đúng các lời khuyên của bác sĩ về lối sống lành mạnh để kiểm soát và phòng ngừa bệnh thần kinh tự trị như:

– Kiểm soát tốt lượng đường trong máu, đặc biệt là người đang mắc bệnh tiểu đường.

– Hạn chế uống rượu bia và không hút thuốc lá.

– Tuân thủ điều trị nếu bạn có bệnh tự miễn.

– Thực hiện các biện pháp ngăn ngừa hoặc kiểm soát tăng huyết áp.

– Duy trì cân nặng phù hợp.

– Tập thể dục thường xuyên.

– Thăm khám sức khỏe định kỳ

Bệnh thần kinh tự trị càng được phát hiện sớm, có biện pháp điều trị và kiểm soát kịp thời thì nguy cơ để lại các biến chứng nguy hiểm càng ít. Do vậy nếu có biểu hiện nghi ngờ, người bệnh nên đi thăm khám sớm.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital