Bệnh loét tá tràng: nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Bệnh loét tá tràng ban đầu chỉ có triệu chứng đầy hơi, chướng bụng… nhưng nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí là ung thư dạ dày.

1. Bệnh loét tá tràng là gì?

Tá tràng là bộ phận quan trọng của hệ tiêu hóa, đây chính là phần đầu của ruột non, bộ phận này kéo dài từ môn vị dạ dày đến góc tá tràng – hỗng tràng. Viêm loét tá tràng xảy ra khi lớp niêm mạc trên cùng bị axit ăn mòn gây ra những tổn thương viêm, loét sâu vào lớp tế bào bên dưới.

Bệnh viêm loét tá tràng có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm. Nhưng nếu điều trị không đến nơi đến chốn, bệnh lý này có thể gây biến chứng nặng nề như ung thư dạ dày, thủng tá tràng.

2. “Thủ phạm” gây ra bệnh loét tá tràng là gì?

2.1. Vi khuẩn HP – “thủ phạm” chính gây ra bệnh loét tá tràng

Nguyên nhân chính dẫn đến viêm loét tá tràng là nhiễm vi khuẩn HP – Helicobacter pylori. Bạn dễ dàng bị lây nhiễm vi khuẩn HP qua đường ăn uống (ăn chung, uống chung) hoặc tiếp xúc gần gũi như ôm hôn. Tuy nhiên, không phải ai cũng bị bệnh khi cơ thể nhiễm vi khuẩn HP. Ở một số người, vi khuẩn HP sẽ sinh sôi và phát triển, chúng tiết ra chất độc gây viêm loét tá tràng.

nguyên nhân của bệnh loét tá tràng

Vi khuẩn HP là “thủ phạm” chính dẫn đến bệnh viêm loét tá tràng

2.2. Những nguyên nhân khác gây ra bệnh loét tá tràng

– Người bệnh thường xuyên sử dụng thuốc giảm đau, thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Hoặc các loại thuốc phối hợp giảm đau, chống viêm với các thuốc điều trị như thuốc chống đông máu, thuốc điều trị loãng xương… làm tăng đáng kể khả năng phát triển vết loét. Do các thuốc này có tác dụng phụ bào mòn lớp niêm mạc dạ dày tá tràng. Nếu sử dụng các loại thuốc này với liều cao và trong thời gian kéo dài thậm chí có thể gây thủng dạ dày tá tràng.

– Ăn uống không lành mạnh như ăn quá no, nhịn bữa sáng, ăn khuya, ăn nhiều đồ chua cay (ớt, gừng, tiêu, chanh…) và những căng thẳng mệt mỏi quá dài cũng khiến bạn bị viêm loét dạ dày tá tràng.

3. Triệu chứng nhận biết bệnh loét tá tràng

– Triệu chứng phổ biến nhất của các bệnh lý viêm loét dạ dày tá tràng là đau bụng vùng thượng vị. Cơn đau tồi tệ hơn khi bụng đói hoặc căng thẳng lo âu. Cơn đau thượng vị có thể kéo dài vài giờ hoặc kéo dài trong nhiều ngày khiến người bệnh khó chịu, mệt mỏi…

– Người bệnh gặp phải hàng loạt các triệu chứng về rối loạn tiêu hóa như: đầy hơi, chướng bụng, ợ hơi, ợ chua.

– Khi bệnh ở giai đoạn nặng, người bệnh có các triệu chứng: nôn và buồn nôn, dịch nôn có lẫn máu; tiêu chảy, phân có lẫn máu đen.

– Người bệnh cảm thấy ăn không ngon miệng, chán ăn, sụt cân, thiếu máu với biểu hiện xanh xao, mệt mỏi, không muốn vận động…

Ở giai đoạn đầu của bệnh, nhiều người thậm chí không có triệu chứng. Nhưng nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào kể trên, bạn hãy đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám.

biến chứng của bệnh loét tá tràng

Viêm loét tá tràng có thể tiến triển thành ung thư nếu như không được điều trị kịp thời

4. Nếu không điều trị kịp thời, loét tá tràng sẽ dẫn đến những biến chứng gì?

4.1. Biến chứng gây xuất huyết trong dạ dày tá tràng

Vết loét tá tràng có thể xuất hiện tình trạng xuất huyết. Nếu xuất huyết ít người bệnh có biểu hiện thiếu máu mãn tính, cơ thể xanh xao, đi ngoài phân có màu đen. Nếu xuất huyết ồ ạt người bệnh nôn ra máu hoặc đi ngoài ra máu tươi dẫn đến mất máu cấp, cần được cấp cứu kịp thời để tránh nguy hiểm đến tính mạng.

4.2. Biến chứng dẫn đến thủng dạ dày tá tràng

Các vết loét tá tràng có thể ăn sâu vào các lớp cơ dẫn đến thủng xuyên tá tràng. Biến chứng này khiến thức ăn, máu và dịch tiêu hoá tràn vào ổ bụng gây nhiễm trùng khoang bụng (viêm phúc mạc), người bệnh có thể tử vong do sốc nhiễm khuẩn toàn thân.

Thủng dạ dày tá tràng biểu hiện bằng tình trạng đau bụng dữ dội, đau liên tục, sốt cao rét run, môi khô, hơi thở hôi… Nếu không cấp cứu kịp thời người bệnh sẽ hôn mê, tử vong.

4.3. Loét tá tràng biến chứng thành ung thư

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người bị viêm loét dạ dày tá tràng do vi khuẩn HP gây ra có nguy cơ bị ung thư dạ dày cao hơn nhiều lần. Đặc biệt là ở những người bị bệnh nhưng lại có thói quen ăn uống thiếu khoa học như  uống rượu bia, ăn các sản phẩm như dưa muối, cà muối, thịt hun khói, xúc xích và hút thuốc lá.

5. Có phòng ngừa được bệnh viêm loét dạ dày tá tràng không?

Bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa và giảm nguy cơ bị viêm loét dạ dày tá tràng bằng cách sinh hoạt, ăn uống một cách khoa học, tránh nhiễm vi khuẩn HP bằng việc tuân thủ theo những khuyến cáo dưới đây của chuyên gia y tế:

– Bảo vệ dạ dày tránh lây nhiễm vi khuẩn HP: Vi khuẩn HP dễ dàng lây truyền từ người sang người qua thức ăn và nước uống. Vì vậy, bạn cần ăn uống hợp vệ sinh. đảm bảo ăn chín uống sôi, không nên ăn hàng quán vỉa hè, sử dụng dụng cụ ăn uống riêng (khay, bát, đũa, thìa). Đồng thời thực hiện khám sức khỏe định kỳ và test tìm vi khuẩn HP.

– Không tùy tiện sử dụng các loại thuốc giảm đau, chống viêm.

– Có chế độ dinh dưỡng lành mạnh và sinh hoạt phù hợp, tránh xa rượu bia, đồ ăn cay và nóng, đồ ăn chua mặn không tốt cho tiêu hóa.

– Đồng thời có thời gian nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng, không nên thức khuya để có một sức đề kháng tốt.

nội soi

Nội soi tiêu hóa giúp đánh giá chính xác tổn thương viêm loét dạ dày tá tràng, đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị bệnh

6. Kết luận

Đa số các trường hợp bệnh loét tá tràng mức độ nhẹ, việc điều chỉnh lối sống và thực hiện các biện pháp phòng ngừa có thể giảm tình trạng khó chịu. Tuy nhiên, đây là bệnh lý dễ tái phát nếu không có phác đồ điều trị phù hợp. Việc nội tiêu hóa giúp phát hiện sớm, đánh giá chính xác tình trạng viêm loét dạ dày tá tràng là yếu tố quan trọng trong quá trình điều trị bệnh, ngăn ngừa tái phát. Vì vậy, khi thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, bạn nên đi khám ngay tại các cơ sở chuyên khoa, bác sĩ sẽ có những tư vấn phù hợp nhất đối với từng bệnh nhân về phương pháp điều trị.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital