Ho gà là một bệnh truyền nhiễm có thể gây những biến chứng nguy hiểm, đe dọa tính mạng của trẻ em. Bệnh ho gà lây qua đường nào, phải làm gì khi trẻ bị phơi nhiễm? Đọc ngay bài viết dưới đây để cập nhật những thông tin bổ ích giúp bảo vệ bé yêu của mình nhé.
Menu xem nhanh:
1. Khái niệm về bệnh ho gà
Trước khi tìm hiểu bệnh ho gà lây qua đường nào, chúng ta cần phải biết ho gà là gì. Thực tế, ho gà là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn Bordetella pertussis gây ra. Trong khi thanh thiếu niên và người lớn mắc bệnh có thể khỏi bệnh mà không gặp nhiều vấn đề thì trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể gặp các biến chứng nghiêm trọng và có khả năng đe dọa tính mạng.
Bệnh ho gà rất dễ lây lan. Trên thực tế, một người bị ho gà có thể lây nhiễm cho 10 -15 người khác.
2. Mức độ nguy hiểm của bệnh ho gà với trẻ em?
Trẻ sơ sinh có nguy cơ mắc ho gà cao nhất cũng như phát triển các biến chứng nghiêm trọng do nhiễm trùng nhiều nhất. Các biến chứng có thể xảy ra do ho gà ở trẻ sơ sinh bao gồm:
– Mất nước và giảm cân
– Viêm phổi
– Thở chậm lại hoặc ngừng thở
– Co giật
– Tổn thương não
Tiêm phòng bệnh ho gà thường áp dụng cho trẻ từ trên 2 tháng tuổi. Lý do là giai đoạn từ trên 2 tháng – 6 tháng trẻ dễ bị nhiễm trùng hơn do hệ miễn dịch chống lại bệnh ho gà thấp. Cho tới khi bé tiêm đủ mũi thứ 3 khi được 6 tháng, trẻ mới đảm bảo an toàn. Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo rằng, tất cả phụ nữ mang thai nên tiêm phòng trong 3 tháng cuối thai kỳ đầy đủ, để xây dựng kháng thể giúp truyền sang trẻ sơ sinh, bảo vệ bé yêu trong giai đoạn đầu đời trước khi đủ tháng để tiêm chủng.
Ngoài ra, vì các thành viên lớn tuổi trong gia đình thường có thể lây bệnh ho gà cho trẻ sơ sinh, nên mọi người xung quanh em bé cũng nên tiêm phòng nhắc lại.
Thanh thiếu niên và người lớn vẫn có thể mắc bệnh ho gà, đặc biệt nếu có ổ dịch bùng phát trong khu vực. Mức độ nghiêm trọng của bệnh có thể dao động tùy từng nơi.
Mặc dù mức độ nghiêm trọng của bệnh ở thanh thiếu niên và người lớn thường nhẹ hơn, họ vẫn có thể gặp các biến chứng do ho dai dẳng, bao gồm:
– Vỡ mạch máu, đặc biệt là ở mắt hoặc da
– Bầm tím xương sườn
– Viêm phổi
3. Bệnh ho gà lây qua đường nào?
– Đường hô hấp: Vi khuẩn gây bệnh ho gà có thể được tìm thấy trong chất tiết của mũi và miệng của người bệnh. Những vi khuẩn này có thể lây lan sang người khác thông qua các hạt nhỏ được tạo ra khi người đó ho hoặc hắt hơi. Nếu trẻ ở gần đó và hít phải những giọt nước này, bé có thể bị nhiễm trùng.
– Tiếp xúc: Ngoài ra, trẻ có thể dính những giọt nước này trên tay khi chạm vào các bề mặt bị ô nhiễm, chẳng hạn như tay nắm cửa và tay cầm vòi nước. Nếu bé tiếp xúc với bề mặt bị ô nhiễm và sau đó chạm vào mặt, mũi hoặc miệng, nguy cơ bị nhiễm bệnh là rất lớn.
– Nhiều trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể bị ho gà do lây từ những người lớn tuổi hơn, chẳng hạn như cha mẹ hoặc anh chị em, những người có thể bị ho gà mà không biết.
Bệnh ho gà không có mô hình cụ thể theo mùa, nhưng các trường hợp mắc bệnh có thể tăng vào các tháng mùa hè và mùa thu.
4. Bệnh ho gà lây nhiễm trong thời gian bao lâu?
Các triệu chứng của bệnh ho gà thường phát triển trong vòng 5 đến 10 ngày sau khi người bệnh tiếp xúc với vi khuẩn. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là có thể mất tới 3 tuần, người bệnh mới có các triệu chứng.
Bệnh được chia thành ba giai đoạn:
– Giai đoạn đầu (khởi phát). Giai đoạn này kéo dài từ một đến hai tuần và có các triệu chứng tương tự như cảm lạnh thông thường .
– Giai đoạn thứ hai (kịch phát). Giai đoạn này có thể kéo dài từ một đến sáu tuần, trẻ bị ho không kiểm soát.
– Giai đoạn thứ ba (phục hồi). Giai đoạn phục hồi dần dần này có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng.
Bệnh ho gà dễ lây nhất trong giai đoạn đầu của bệnh nhiễm trùng. Những người bị ho gà có thể lây bệnh bắt đầu từ khi họ có các triệu chứng đầu tiên cho đến ít nhất hai tuần đầu tiên khi họ bị ho.
Trường hợp người bệnh đã dùng đủ thuốc kháng sinh trong 5 ngày thì nguy cơ lây bệnh cho người khác không còn nữa.
5. Trẻ đã tiêm phòng có thể mắc ho gà không?
Mặc dù vắc xin phòng bệnh ho gà, nhưng nguy cơ mắc bệnh vẫn có thể có. Tuy nhiên, những trường hợp tiêm phòng mà mắc bệnh sẽ ít nghiêm trọng hơn. Những trẻ đã tiêm phòng mà mắc bệnh ho gà sẽ ít nguy cơ gặp các biến chứng nghiêm trọng như nôn trớ và ngưng thở. Do đó tiêm phòng vẫn là cách tốt nhất để bảo vệ trẻ em khỏi căn bệnh này.
6. Phải làm gì nếu trẻ bị phơi nhiễm bệnh?
Nếu con bạn đã từng tiếp xúc với người bị bệnh ho gà, hãy liên hệ với bác sĩ ngay. Trẻ có thể được điều trị bằng kháng sinh để bảo vệ chống lại hoặc làm giảm các triệu chứng của nhiễm trùng.
Các triệu chứng của bệnh ho gà
Các triệu chứng đầu tiên của bệnh ho gà tương tự như các triệu chứng của cảm lạnh thông thường và thường bao gồm:
– Sổ mũi
– Hắt xì
– Thi thoảng ho
– Sốt nhẹ
Các triệu chứng này dần dần trở nên tồi tệ hơn trong một hoặc hai tuần và xuất hiện các cơn ho liên tục. Sau cơn ho, nhịp thở của trẻ có thể hổn hển hơn, hoặc tạo ra những âm thanh “khục khục”. Bé cũng có thể bị nôn trớ sau những cơn ho này.
Không phải tất cả trẻ mắc bệnh đều bị ho và thở rít, trẻ sơ sinh có thể bị khó thở, hoặc thở hổn hển. Đặc biệt nguy hiểm hơn, có trẻ bị ngừng thở. Người lớn thường chỉ bị ho dai dẳng, kéo dài.
Cần đưa bé đi viện ngay nếu cơn ho khiến trẻ:
– Khó thở, ngừng thở
– Hít vào với âm thanh khục khục sau mỗi cơn ho
– Nôn trớ
– Da chuyển màu xanh lam
Tóm lại, ho gà là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp rất dễ lây lan do vi khuẩn gây ra. Nó có thể lây sang người khác khi người bị nhiễm trùng ho hoặc hắt hơi. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đặc biệt dễ bị các biến chứng nặng của bệnh ho gà. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể bảo vệ con yêu bằng cách tiêm phòng cho trẻ đầy đủ. Nếu nghi ngờ trẻ đã tiếp xúc với bệnh ho gà, hãy nhanh chóng cho trẻ đi khám và điều trị kịp thời.