Bệnh hay quên hiện nay không chỉ là vấn đề của người lớn tuổi mà ngày càng phổ biến ở những người trẻ. Triệu chứng của bệnh ban đầu không nghiêm trọng và rõ ràng nên mọi người thường bỏ qua. Tuy nhiên, khi tình trạng bệnh trở nên nặng hơn có thể dẫn đến sa sút trí tuệ, Alzheimer hoặc Parkinson.
Menu xem nhanh:
1. Biểu hiện của bệnh hay quên
Chứng hay quên ở người trẻ tuổi biểu hiện rất đa dạng. Dưới đây là những dấu hiệu nhận biết thường gặp nhất của chứng hay quên:
– Định làm gì hoặc đi đâu đó nhưng không nhớ ra được.
– Kém tập trung, lơ đãng trong học tập và công việc.
– Muốn nói gì đó nhưng không tìm được từ ngữ phù hợp, diễn đạt vòng vo vì quên từ, nói lặp đi lặp lại một câu.
– Không nhớ vị trí để các đồ vật hàng ngày.
– Khó khăn trong việc xác định địa điểm, thời gian, các cột mốc sự kiện.
– Quên những việc như khóa cửa, tắt bếp, tắt đèn, đi chợ quên xe, không nhớ đón con, những việc người khác nhờ làm,…
– Tâm trạng thay đổi thất thường: thờ ơ, lơ đãng, cáu giận, trầm lặng,…
2. Vì sao người trẻ bị bệnh hay quên?
Trí nhớ của con người có hai loại là trí nhớ ngắn hạn và trí nhớ dài hạn. Chứng hay quên ở người trẻ tuổi xảy ra khi một trong hai loại trí nhớ này gặp vấn đề. Nguyên nhân dẫn đến chứng bệnh này thường là do lối sống hoặc bệnh lý.
2.1 Bệnh hay quên do lối sống
Thói quen sinh hoạt hàng ngày ảnh hưởng rất nhiều đến não bộ và trí nhớ. Các thói quen xấu gây suy giảm trí nhớ bao gồm:
– Ngủ quá ít
Thiếu ngủ hay mất ngủ sẽ khiến tế bào não không thể phục hồi hoàn toàn. Điều đó gây ảnh hưởng đến quá trình ghi nhớ và lưu trữ thông tin. Cuối cùng, dẫn đến chứng hay quên hoặc mất trí nhớ tạm thời.
– Làm việc quá sức
Áp lực học tập, công việc sẽ khiến não bộ bị quá tải. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh suy giảm trí nhớ ở người trẻ. Các bạn nên tập trung làm tốt một việc và hãy xây dựng kế hoạch học tập, làm việc khoa học.
– Ăn uống thiếu chất
Não bộ sẽ hoạt động tốt nhất khi được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng. Thiếu vitamin B12 hay thiếu máu do thiếu sắt sẽ gây ra triệu chứng hoa mắt chóng mặt, chậm chạp, lú lẫn,… dẫn đến trình trạng hay quên.
– Uống rượu, bia nhiều
Sử dụng đồ uống có cồn sẽ ảnh hưởng đến trí nhớ ngắn hạn, kể cả khi đã tỉnh rượu bia. Các chuyên gia khuyến cáo không nên uống quá 2 cốc bia mỗi ngày đối với nam và 1 cốc đối với nữ. Hút thuốc nhiều cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến hay quên do khói thuốc chứa nhiều chất không tốt cho não bộ.
– Thường xuyên căng thẳng
Khi tâm trạng người bệnh không tốt, thường xuyên căng thẳng, mệt mỏi thì rất khó để tập trung làm việc. Điều này cản trở quá trình ghi nhớ thông tin mới, lâu dần sẽ góp phần làm trí nhớ kém đi ở người trẻ tuổi.
2.2 Bệnh hay quên do các vấn đề sức khỏe
Ngoài lối sống, yếu tố sức khỏe cũng có thể gây ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ của người trẻ tuổi, phổ biến nhất là các vấn đề sau:
– Rối loạn tuyến giáp: Các bất thường ở tuyến giáp có thể dẫn đến tình trạng mất ngủ, trầm cảm ảnh hưởng đến trí nhớ.
– Suy giảm tuần hoàn máu não: Lưu lượng máu tới não giảm dẫn đến oxy và chất dinh dưỡng cung cấp cho hoạt động của não cũng giảm theo. Điều này làm ảnh hưởng đến hiệu suất ghi nhớ của não bộ.
– Các bệnh đột quỵ, động kinh, alzheimer,…
– Các bệnh liên quan tới não như khối u, tụ máu não, não úng thủy,…
– Chấn thương do tai nạn xe cộ, đặc biệt là trường hợp bệnh nhân bị va đập phần đầu.
– Tổn thương từ những chấn thương tâm lý, chuyện tình cảm.
3. Cách hữu hiểu để cải thiện bệnh hay quên ở người trẻ
Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống lành mạnh chính là điều quan trọng nhất để cải thiện chứng hay quên ở những người trẻ tuổi. Dưới đây là một số lưu ý để cải thiện trình trạng và phòng bệnh hiệu quả:
3.1 Chế độ dinh dưỡng
Những người có biểu hiện suy giảm trí nhỡ nên bổ sung các chất dinh dưỡng tốt cho não bộ như:
– Trái cây, rau xanh, ngũ cốc dạng hạt,…
– Cá, thịt gà, gia cầm bỏ da, đậu (protein ít chất béo).
– Các thực phẩm nhiều vitamin B, đặc biệt là vitamin B12 như trứng, sữa, thịt,…
– Không sử dụng các chất kích thích, hạn chế đồ uống có cồn.
3.2 Lối sống khoa học, lành mạnh
Để hạn chế tình trạng hay quên thì người trẻ tuổi phải có nền tảng sức khỏe tốt. Bạn có thể thực hiện các hoạt động sau:
– Tập thể dục hàng ngày: Thói quen này giúp thúc đẩy tuần hoàn máu. Mỗi ngày bạn nên dành ra 30 phút để vận động cơ thể: đi bộ, đạp xe, bơi lội, yoga, thể dục dưỡng sinh, aerobic…
– Đi ngủ đúng giờ: Nên ngủ đủ 7 – 9 tiếng mỗi ngày, ngủ sớm và thức dậy sớm.
– Tham gia các hoạt động vui chơi giải trí: Việc này vừa tăng cường sức khỏe vừa giúp giải tỏa căng thẳng mệt mỏi.
– Sắp xếp, lên kế hoạch làm việc và học tập một cách khoa học.
– Cố gắng kiểm soát tình trạng lo âu, căng thẳng, stress,…
– Chơi các trò chơi hoạt động não, câu hỏi trí tuệ: giải câu đố, cờ vua, cờ tướng, đọc sách, tính nhanh,…để rèn luyện trí nhớ.
– Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các triệu chứng và có phương pháp điều trị kịp thời.
3.3 Uống thuốc bổ não
Bên cạnh những biện pháp thay đổi thói quen, lối sống, các bạn có thể sử dụng một vài loại thuốc tốt cho não và trí nhớ. Tuy nhiên, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng một loại thuốc nào.
4. Không nên chủ quan với chứng hay quên
Với chứng hay quên, các triệu chứng ban đầu thường chưa rõ ràng nên người bệnh dễ chủ quan. Họ không coi đó là một chứng bệnh nên không đi gặp bác sĩ. Điều này dẫn đến bệnh kéo dài và phát triển nhanh, gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Thực tế cho thấy chứng hay quên nếu ở dạng nhẹ thì điều trị rất dễ dàng và hiệu quả nhưng khi chuyển sang sa sút trí tuệ, Alzheimer hoặc Parkinson thì sẽ vô cùng khó điều trị. Vì vậy, người bệnh tuyệt đối không nên chủ quan.
Bệnh hay quên ở người trẻ không quá nguy hiểm nếu được phát hiện và có biện pháp cải thiện sớm. Nếu nhận thấy có biểu hiện bạn nên thăm khám bác sĩ để có chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời nhé.