Bệnh đau đầu ở trẻ em có phòng tránh được không?

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Bệnh đau đầu ở trẻ em thường thoáng qua, không kéo dài, không gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng trong một số trường hợp, trẻ đau đầu lại là dấu hiệu của bệnh lý nghiêm trọng, cha mẹ không thể xem thường.

1. Bệnh đau đầu ở trẻ em là gì? Bao gồm mấy loại?

1.1. Định nghĩa đau đầu ở trẻ

Bệnh đau đầu ở trẻ là hiện tượng trẻ bị đau ở vùng đầu, có thể đau theo từng cơn, gây ra sự khó chịu, mệt mỏi. Nhiều trường hợp thậm chí trẻ còn nôn ói. Những cơn đau đầu này thường thuyên giảm chỉ sau vài giờ. Một số cơn đau kéo dài nhiều ngày có thể là dấu hiệu cảnh báo trẻ đang mắc các căn bệnh nặng.

Vì vậy, nếu trẻ thường xuyên kêu đau đầu, cơn đau liên tục nặng nề, kèm nôn ói thì cha mẹ chớ chủ quan, nên đưa con đi khám bệnh ngay lập tức.

Đau đầu ở trẻ em là hiện tượng khá phổ biến nhưng thường không kéo dài.

Đau đầu ở trẻ em là hiện tượng khá phổ biến nhưng thường không kéo dài.

1.2. Bệnh đau đầu ở trẻ em gồm mấy loại?

Trẻ có thể đau ở nhiều vùng đầu khác nhau hoặc đau nửa đầu, đau cả đầu. Tuy nhiên, dựa theo nguyên nhân gây bệnh đau đầu, có thể chia làm 2 loại:

– Đau đầu thứ phát thường là dấu hiệu của những bệnh lý khác, hoặc là kết quả của bệnh nhiễm trùng, viêm xoang, u não, viêm não…

– Đau đầu nguyên phát là tình trạng đau đầu không rõ nguyên nhân, thường gặp khi lo lắng, căng thẳng,…Trẻ có thể cảm thấy đau vùng đầu gần hốc mắt hoặc phía bên thái dương mắt bị đau.

bệnh đau đầu ở trẻ em

Không phải lúc nào trẻ đau đầu cũng tìm được nguyên nhân gốc rễ.

2. Nguyên nhân chính khiến trẻ bị đau đầu

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh đau đầu ở trẻ nhỏ. Thậm chí nhiều bé thỉnh thoảng gặp cơn đau đầu ngắn mà không phát hiện nguyên nhân. Dưới đây là các nguyên do chính khiến trẻ gặp phải tình trạng này.

2.1. Do bệnh lý

Các căn bệnh đường hô hấp hay gặp ở trẻ như cảm cúm, cảm lạnh, viêm tai giữa, viêm xoang….là nguyên nhân chính gây bệnh đau đầu ở đối tượng trẻ em.

Ít gặp hơn là đau đầu do bệnh ở mắt như viễn thị, cận thị, loạn thị không được phát hiện kịp thời. Bệnh viêm tuyến lệ, viêm kết mạc, đau mắt…đôi khi cũng gây đau đầu khó chịu cho trẻ.

Hiếm gặp là những cơn đau đầu do bệnh lý nguy hiểm gây ra như: u não, áp xe não, chảy máu trong não… Thường những căn bệnh này sẽ đi kèm triệu chứng mờ mắt, chóng mặt, vận động các chi kém…

2.2. Do nhiễm trùng

Các loại nhiễm trùng nghiêm trọng như nhiễm trùng tai, viêm màng não, viêm não…có thể gây đau đầu kèm cơn sốt cao, cứng cổ…

2.3. Do chấn thương đầu

Các chấn thương vùng đầu do va chạm, ngã, tai nạn gây sưng, bầm tím có thể gây nhức đầu ở trẻ. Nếu trẻ đau đầu do va chạm kèm theo nôn, sốt, li bì, bỏ bú…cha mẹ nên đưa con đi khám ngay.

2.4. Do tâm lý

Căng thẳng, lo âu, stress, buồn bã, cô đơn trong sinh hoạt hàng ngày cũng là nguyên nhân gây ra những cơn nhức đầu. Bệnh thường đi kèm với những ảnh hưởng tâm lý không hề nhỏ đối với sự phát triển của trẻ.

2.5. Do chế độ ăn uống

Việc cho trẻ uống nhiều soda, trà, soccla, caffeine…không hề tốt cho cơ thể và hệ thần kinh. Ngoài ra, một chất bảo quản thực phẩm có tên gọi nitrates được tìm thấy trong thịt xông khói, xúc xích có thể gây ra nhức đầu nếu dùng thường xuyên.

2.6. Do di truyền

Bệnh đau đầu ở trẻ, nhất là đau nửa đầu có khuynh hướng hay xảy ra với những trẻ có cha mẹ ruột, anh chị em ruột có tiền sử mắc bệnh này.

Bệnh đau đầu ở trẻ em trở nên nguy hiểm khi trẻ đau liên tục, đau dữ dội, kèm nôn, sốt, li bì

Bệnh đau đầu xảy ra trẻ em trở nên nguy hiểm khi trẻ đau liên tục, đau dữ dội, kèm nôn, sốt, li bì

3. Dấu hiệu cho thấy trẻ đang gặp vấn đề đau đầu

Mỗi loại đau đầu sẽ bộc lộ ra những dấu hiệu khác nhau về cường độ, thời gian đau, nguy cơ lên đời sống sinh hoạt hàng ngày.

3.1. Dấu hiệu trẻ đau nửa đầu

– Trẻ đổ mồ hôi nhiều

– Thị lực giảm sút, nhạy cảm với ánh sáng

– Khó chịu với tiếng ồn

– Có thể kèm theo buồn nôn, nôn ói

3.2. Dấu hiệu trẻ đau căng đầu

– Trẻ đau đầu lan xuống vùng vai và cổ

– Vị trí đau hay xảy ra 2 bên đầu

– Cơn đau âm ỉ, kéo dài có thể khiến trẻ mất ngủ, khó ngủ

3.3. Dấu hiệu bệnh đau đầu ở trẻ em do bệnh lý nghiêm trọng

Nếu trẻ đau đầu kèm theo các dấu hiệu dưới đây chứng tỏ trẻ có thể đang gặp một căn bệnh nghiêm trọng, cha mẹ không nên chủ quan.

– Trẻ thường xuyên đau đầu đột ngột, cơn đau dữ dội

– Trẻ hay đau đầu khi thức dậy

– Trẻ đau đầu, choáng váng khi di chuyển, ho, hắt hơi…

– Trẻ đau kèm buồn nôn, nôn, thị lực giảm, sốt cao

– Khả năng vận động kém, hay cáu gắt, la hét

– Có thể động kinh, co giật

Bệnh đau đầu ở trẻ có thể phong tránh và kiểm soát nhờ sự chủ động của cha mẹ.

Bệnh đau đầu ở trẻ có thể phong tránh và kiểm soát nhờ sự chủ động của cha mẹ.

4. Khi nào chứng đau đầu ở trẻ em trở nên nguy hiểm?

Căn bệnh đau đầu không phải lúc nào cũng xuất hiện thường xuyên và không phải trẻ nào bị đau đầu cũng nguy hiểm. Nếu cơn đau đầu thỉnh thoảng mới xuất hiện, thời gian đau ngắn, cơn đau không quá gây khó chịu, trẻ vẫn sinh hoạt, nô đùa bình thường thì phụ huynh không cần thiết phải lo lắng nhiều.

Nếu trẻ đau đầu kèm theo các dấu hiệu như đã mô tả ở trên thì cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa để loại trừ các bệnh lý nguy hại cho sức khỏe của trẻ.

5. Bệnh đau đầu ở trẻ có phòng tránh được không?

Cha mẹ hoàn toàn có thể phòng tránh bệnh đau đầu ở trẻ bằng cách lưu ý đến chế độ ăn uống, vận động, nghỉ ngơi và giải trí của con.

– Nên rèn luyện cho trẻ đi ngủ đúng giờ, ngủ đủ giấc để tránh thiếu ngủ, gây căng thẳng, mệt mỏi.

– Trước khi đi ngủ không nên cho con ăn quá no, không nên sử dụng các thiết bị điện tử. Cha mẹ nên nghe nhạc, đọc truyện, đọc sách cùng con để trẻ có tâm lý thoải mái trước khi vào giấc ngủ.

– Có thể xoa bóp tay chân, các cơ trước khi ngủ để trẻ thư giãn.

– Hạn chế tạo áp lực, trách móc làm trẻ sợ hãi, căng thẳng, lo âu.

– Khuyến khích trẻ vận động, tập luyện và nghỉ ngơi mỗi ngày.

– Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý theo độ tuổi, đầy đủ dinh dưỡng, uống nhiều nước, tránh đồ dầu mỡ, đồ ngọt.

– Cho trẻ đi khám định kỳ để phát hiện sớm những vấn đề sức khỏe thần kinh.

– Khi trẻ đau đầu nên để trẻ nghỉ ngơi ở nơi ít tiếng ồn, cho trẻ uống nhiều nước, ăn đồ dễ tiêu, uống thuốc theo chỉ định bác sĩ.

Bệnh đau đầu ở trẻ em tuy không nguy hiểm nhưng cha mẹ cũng không nên chủ quan. Cần theo dõi sự tiến triển các cơn đau đầu của trẻ. Nếu cơn đau không dứt hoặc không rõ nguyên nhân, cha mẹ cần đưa con đến khám tại các bệnh viện.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital