Bệnh dạ dày ở trẻ em

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Thị Mai Hoa

Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI

Bệnh dạ dày ở trẻ em hiện nay là một trong những bệnh khá phổ biến. Tuy nhiên, nhiều người vẫn có suy nghĩ bệnh này thường xuất hiện ở người lớn hơn, trẻ nhỏ hiếm khi bị. Trên thực tế, số lượng trẻ bị bệnh dạ dày ngày càng có xu hướng gia tăng nhưng phụ huynh thường chủ quan, không nghĩ con mình còn nhỏ mà đã mắc các bệnh như viêm dạ dày, loét dạ dày tá tràng,v…v… Bệnh có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ, khiến trẻ chậm tăng cân, mệt mỏi, xanh xao và có thể xuất huyết đường tiêu hóa.

1. Đôi nét về bệnh lý dạ dày ở trẻ nhỏ

1.1. Thực trạng về bệnh dạ dày ở trẻ em

Ngày nay, bệnh dạ dày không chỉ xảy ra ở người lớn mà trẻ em cũng có thể bị đau dạ dày. Theo các nghiên cứu, tỷ lệ bị bệnh dạ dày ở trẻ đang gia tăng, đáng báo động là tình trạng trẻ em bị bệnh dạ dày do nhiễm Helicobacter pylori (HP) rất cao.

Với các triệu chứng như đau bụng, cơn đau có thể nhẹ hoặc nặng nhưng các bậc phụ huynh cũng không thể bỏ qua và tự ý mua thuốc cho trẻ uống, như vậy sẽ nguy hiểm. Đau dạ dày ở trẻ em do nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể do trẻ ăn uống không khoa học dẫn đến tình trạng táo bón, ngộ độc thực phẩm hay loét dạ dày. Cũng có thể trẻ bị đau dạ dày do stress, lo âu, đây là tình trạng không hề hiếm gặp hiện nay khi bố mẹ thường ép trẻ ăn và học quá nhiều gây ra tâm lý lo lắng, mệt mỏi dẫn đến stress của trẻ.

Bệnh dạ dày ở trẻ em

Lo lắng, stress cũng là nguyên nhân dẫn đến chứng bệnh dạ dày ở trẻ

Khi đó, trẻ sẽ có những triệu chứng như ợ, trào ngược dạ dày, và hiện tượng này lặp đi lặp lại nhiều lần dẫn đến viêm loét dạ dày. Do đó, các bậc phụ huynh nên theo dõi sát sao con trẻ để có thể phát hiện bệnh kịp thời đế có hướng điều trị. Đối với trường hợp bị đau dạ dày nhẹ, bố mẹ có thể tự khắc phục ở nhà bằng một số biện pháp như cho uống trà chanh ấm kết hợp mật ong, hay uống nước gừng, uống nhiều nước để cân bằng nồng độ axit trong dạ dày hay chườm nước nóng và massage vùng bụng, đây cũng là một cách hiệu quả để chữa trị các vấn đề dạ dày ở trẻ.

Còn đối với các triệu chứng nặng hơn như các cơn đau bụng dữ dội, nôn ra máu hay đi ngoài phân đen, các bậc phụ huynh nên cho con đến các cơ sở y tế ngay để có thể chữa trị kịp thời. Theo các bác sĩ cho biết, triệu chứng lâm sàng bệnh lý dạ dày tá tràng ở trẻ em thường không rõ ràng, chủ yếu là đau bụng tái diễn, nôn hoặc buồn nôn, ợ hơi, ợ chua, đầy bụng khó tiêu.

Mọi trẻ em đều có thể mắc các bệnh lý về dạ dày, tá tràng, và nếu kéo dài sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt bình thường của trẻ. Chính vì thế, các bậc cha mẹ nên có sự theo dõi, chăm sóc cho con thật tốt và không nên chủ quan với các cơn đau bụng của con trẻ.

1.2. Nguyên nhân bệnh dạ dày ở trẻ em ngày càng phổ biến

Nguyên nhân lớn khiến nhiều trẻ bị bệnh dạ dày đó là do trẻ bị nhiễm vi khuẩn HP. Ở người lớn, đây cũng là nguyên nhân chính khiến dạ dày bị viêm loét. Ở những nước tiên tiến tỷ lệ trẻ em bị nhiễm HP thấp hơn so với những nước đang hoặc kém phát triển.

Bệnh dạ dày ở trẻ em

Các bác sĩ thăm khám để biết được chính xác bệnh tình của trẻ

Có một số nguyên nhân khác khiến trẻ bị bệnh dạ dày đó là:

– Do trẻ nuốt quá nhanh, ăn quá nhiều. Thời đại mà nhịp sống luôn nhanh và hối hả khiến cho cha mẹ luôn thúc ép con cái mình ăn nhanh, ăn nhiều để dành thời gian cho những việc khác chính là nguyên nhân khiến nhiều trẻ bị bệnh dạ dày. Việc ăn nhanh khiến dạ dày bị ảnh hưởng không nhỏ. Nhai kỹ giúp thức ăn được hòa trộn nhiều nước bọt hơn, khiến thức ăn được tiêu hóa kỹ hơn và giảm tải gánh nặng cho dạ dày. Nếu trẻ ăn quá nhanh, nhai không kỹ sẽ làm cho dịch dạ dày phải tiết nhiều hơn, không chỉ ảnh hưởng đến dạ dày mà còn ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong hệ tiêu hóa như mật, tụy,…

– Trẻ bị căng thẳng trong quá trình học tập, lo lắng mỗi khi kỳ thi đến cũng làm cho trẻ bị đau dạ dày.

– Do ảnh hưởng của thuốc mà trẻ uống trong một thời gian dài cũng có thể là nguyên nhân, tuy không nhiều, khiến cho dạ dày của trẻ bị bệnh.

1.3. Bệnh dạ dày của trẻ có những biểu hiện như thế nào?

Khi dạ dày có vấn đề, trẻ sẽ có những triệu chứng như:

– Đau bụng là triệu chứng thường gặp nhất ở trẻ bị đau dạ dày. Những cơn đau và biểu hiện đau của trẻ có thể khác với ở người lớn. Nhiều trẻ đau ở xung quanh rốn, cũng có trẻ đau ở thượng vị. Có nhiều trẻ đau trước hoặc sau khi ăn, nhưng cũng có trẻ đau không liên quan gì đến bữa ăn. Cảm giác cơn đau có thể là đau âm ỉ, đau bỏng rát. thời gian đau có thể vài phút hoặc lên đến hàng tiếng. Mỗi đợt đau dạ dày có thể kéo dài vài tuần đến vài tháng.

– Buồn nôn, nôn: Những biểu hiện này thường gặp nhiều hơn ở những trẻ dưới 2 tuổi. Ngoài ra, biểu hiện của trẻ có thể đi kèm với chậm lớn và ăn uống kém.

– Thiếu máu: Loét dạ dày có thể dẫn đến xuất huyết dạ dày khiến trẻ gặp tình trạng thiếu máu. Việc chảy máu có thể khiến trẻ phải nhập viện ngay do ảnh hưởng đến tính mạng trẻ.

Nói chung biểu hiện của bệnh dạ dày của trẻ là đau bụng, buồn nôn và sức khỏe kém, chậm tăng trưởng. Nếu nhận thấy trẻ có những biểu hiện trên, cần nhanh chóng đưa trẻ đi kiểm tra đường tiêu hóa để phát hiện, điều trị sớm cho trẻ.

2. Cha mẹ cần làm những gì khi trẻ bị lên cơn đau dạ dày?

Khi nhận thấy con mình có những dấu hiệu kể trên của bệnh đau dạ dày, cha mẹ không nên chần chừ, cần sớm đưa trẻ đi thăm khám tại các bệnh viện có chuyên khoa tiêu hóa. Nếu tình trạng nặng cần nhập viện điều trị. Nếu trẻ bị nhẹ, có thể can thiệp bằng nội khoa thì bác sĩ sẽ kê đơn thuốc cho trẻ uống tại nhà. Việc điều trị đau dạ dày thường không đơn giản và nhanh thấy kết quả mà phải cần thời gian khá dài. Cha mẹ bên cạnh việc điều trị thuốc và cho trẻ ăn uống kiêng khem như chỉ định bác sĩ mà cần tìm hiểu một số cách giúp trẻ dễ chịu hơn mỗi khi bị cơn đau dạ dày “hành hạ” như sau:

Bệnh dạ dày ở trẻ em

Các bậc cha mẹ nên thường xuyên theo dõi sức khỏe của con

– Chườm ấm mỗi khi trẻ bị đau bụng. Dùng một túi sưởi nhỏ với độ ấm thích hợp để chườm lên bụng trẻ mỗi khi trẻ bị đau sẽ giúp trẻ cảm thấy dễ chịu và bớt đau hơn. Nếu trẻ bị táo bón, cách này cũng giúp trẻ giảm táo bón hơn.

– Massage cho trẻ ở vùng bụng, giúp cơn đau của trẻ dịu xuống, khiến trẻ dễ chịu hơn.

– Nên cho trẻ uống nước mật ong ấm hàng ngày, mật ong có tính chất kháng viêm, giúp dạ dày của trẻ dễ chịu hơn. Ngoài ra cũng nên cho trẻ uống nhiều nước nhưng uống ít một giúp axit trong dạ dày cân bằng hơn.

– Cho trẻ ăn những thức ăn lành mạnh, tốt cho sức khỏe, hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn hoặc đồ chiên rán, rất khó tiêu, ảnh hưởng đến đường ruột. Cha mẹ cũng không nên cho trẻ ăn những thực phẩm cay nóng.

Trên đây là những thông tin về căn bệnh đau dạ dày ở lứa tuổi trẻ em. Cha mẹ khi có con mắc bệnh này nên sớm đưa trẻ đi thăm khám để tìm cách điều trị, đồng thời cũng nên chú ý chế độ ăn uống cho con tại nhà để bệnh nhanh cải thiện.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital