Bệnh bạch hầu xuất hiện trở lại ở nước ta sau gần 20 năm, với hàng chục ca bệnh được ghi nhận ở một số tỉnh phía Bắc. Tuy nhiên, nhiều người còn lạ lẫm với căn bệnh này. Bởi vậy, câu hỏi được quan tâm nhiều nhất trong thời gian qua là bệnh bạch hầu có nguy hiểm không và cách phòng ngừa là gì? Tham khảo ngay bài viết này để biết được câu trả lời.
Menu xem nhanh:
1. Nguy cơ lây nhiễm bạch hầu
Mọi độ tuổi đều có thể mắc phải bệnh bạch hầu, nhưng nhóm người có nguy cơ cao hơn bao gồm: trẻ em lớn và người lớn tiếp xúc với bệnh nhân mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, sống tại các khu vực có nguy cơ cao, chưa được tiêm phòng đầy đủ hoặc chưa tiêm vắc xin và những người có hệ miễn dịch yếu.
Vi khuẩn bạch hầu tồn tại trong cơ thể của cả người bị bệnh và người lành mang mầm bệnh nhưng không có các triệu chứng lâm sàng, tạo thành ổ chứa và nguồn lây nhiễm.
Bệnh bạch hầu rất dễ lây lan và tạo thành các ổ dịch. Các con đường lây lan nhanh chóng như:
– Bệnh bạch hầu rất dễ lây lan, có thể truyền từ người bị nhiễm sang những người xung quanh thông qua hắt hơi, hoặc thậm chí chỉ khi cười đùa. Vi khuẩn bạch hầu cũng có thể lây qua tiếp xúc với các vật dụng như khăn giấy, ly uống nước đã sử dụng bởi người bị nhiễm hoặc qua ăn chung, uống chung với người bệnh.
– Người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu, ngay cả khi không có triệu chứng, có thể lây nhiễm cho người khác trong khoảng thời gian tối đa là 4 tuần. Thời gian ủ bệnh (thời gian từ tiếp xúc cho đến khi người bị nhiễm phát hiện triệu chứng) của bệnh bạch hầu là từ 2 đến 4 ngày, nhưng cũng có thể kéo dài từ 1 đến 6 ngày.
– Ngoài ra, cũng có trường hợp lây bệnh qua tổn thương trên da như vết thương tiếp xúc với vi khuẩn hoặc muỗi đốt,…
2. Căn bệnh bạch hầu có nguy hiểm không?
Nếu không được điều trị kịp thời, người mắc bệnh bạch hầu có nguy cơ tử vong cao. Tỷ lệ tử vong của bệnh thường dao động từ 5% – 10%, có thể tăng lên đến 20% ở trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 40 tuổi.
Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng bệnh có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm đến tính mạng người bệnh như:
– Biến chứng tim mạch: viêm cơ tim, rối loạn dẫn truyền cơ tim, hình thành huyết khối trong tim,… có thể xảy ra trong giai đoạn toàn phát và dẫn đến tử vong đột ngột của người bệnh.
– Biến chứng thần kinh: Gồm liệt màn hầu, gây khó khăn trong việc nuốt và nói, liệt bàn tay, liệt cả hai chân và liệt các cơ quan khác,… Tuy nhiên, tình trạng này có thể hồi phục sau một thời gian nếu không có biến chứng gây tử vong khác.
– Biến chứng thận: Gây tổn thương cho cầu thận và ống thận.
– Ở trẻ em, đặc biệt là trẻ sơ sinh, có thể gặp các biến chứng như viêm kết mạc hoặc suy hô hấp.
– Bệnh bạch hầu cũng có thể bắt gặp ở bà bầu trong 3 tháng cuối thai kỳ hoặc phụ nữ ở giai đoạn sau khi sinh. Tỷ lệ tử vong của bệnh đối với phụ nữ mang thai là khoảng 50%, một phần ba trường hợp sống sót có thể phải biến chứng sảy thai hoặc sinh non. Điều trị bệnh sớm bằng huyết thanh kháng bạch hầu có thể cải thiện tỷ lệ sống sót và sức khỏe thai nhi, nhưng việc điều trị biến chứng vẫn cần được tiếp tục trong thời gian dài.
Trước đây, bệnh bạch hầu thường phổ biến với tỷ lệ tử vong cao. Tuy nhiên, hiện nay, nhờ có vắc xin phòng bệnh, tỷ lệ mắc bệnh đã giảm và sự hiệu quả trong điều trị bệnh đã được cải thiện đáng kể nhờ sự phát triển của các loại thuốc điều trị đặc hiệu.
3. Cách phòng ngừa bệnh bạch hầu
Hiện tại, ở Việt Nam chưa có vắc xin đơn giá phòng bệnh bạch hầu, chỉ có vắc xin kết hợp chứa kháng nguyên bạch hầu. Bất kể là trẻ em hay người lớn, đều cần tiêm đầy đủ các loại vắc xin và đến cơ sở y tế ngay khi xuất hiện các triệu chứng để tránh những hậu quả đáng tiếc trong tương lai.
3.1. Tiêm phòng vắc xin bạch hầu
Bệnh bạch hầu được phòng ngừa hiệu quả nhất thông qua việc tiêm vắc xin. Tuy nhiên, hiện tại ở Việt Nam chưa có vắc xin đơn phòng bạch hầu đơn giá. Thay vào đó, người bệnh có thể tiêm các loại vắc xin phối hợp chứa thành phần kháng nguyên bạch hầu, vừa phòng được bệnh bạch hầu vừa phòng được nhiều bệnh truyền nhiễm khác trong cùng một mũi tiêm.
– Để bảo vệ con trẻ khỏi bệnh bạch hầu, phụ huynh cần cho con tuân thủ Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia. Theo đó, trẻ cần tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu theo lịch trình sau: 2, 3, 4 tháng tuổi và các mũi tiêm nhắc lúc 18-24 tháng tuổi, 4-7 tuổi và 9-15 tuổi. Điều này rất quan trọng vì khả năng bảo vệ của vắc xin bạch hầu giảm đi theo thời gian.
– Trong trường hợp con bỏ lỡ mất thời điểm tiêm chủng theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng hoặc cha mẹ muốn con được bảo vệ toàn diện hơn, có thể lựa chọn cho tiêm vắc xin dịch vụ tại các phòng tiêm chủng.
– Ngoài ra, những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh bạch hầu như phụ nữ đang mang thai hoặc vừa sinh xong, người già trên 50 tuổi và người mắc các bệnh mạn tính cũng cần tiêm phòng đầy đủ các mũi vắc xin ngừa căn bệnh nguy hiểm này.
Các loại vắc xin ngừa bạch hầu hiệu quả đang có mặt tại Phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI để sẵn sàng chủng ngừa cho cả trẻ em và người lớn, bao gồm:
– Vắc xin 6in1 Hexaxim (Pháp) và Infanrix hexa (Bỉ) ngừa bệnh cho trẻ từ 6 tuần tuổi – 2 tuổi.
– Vắc xin 4in1 Tetraxim (Pháp) ngừa bệnh cho trẻ từ 2 tháng tuổi – 13 tuổi.
– Vắc xin 3in1 Adacel (Canada) ngừa bệnh cho trẻ em và người lớn từ 4 – 64 tuổi và vắc xin Boostrix 0,5ml (Bỉ) ngừa bệnh cho trẻ em từ 4 tuổi và người người lớn.
3.2. Các biện pháp dự phòng khác
– Thực hiện việc rửa tay xà phòng thường xuyên.
– Khi ho hoặc hắt hơi, hãy che miệng.
– Duy trì vệ sinh cá nhân hàng ngày bằng cách làm sạch cơ thể, mũi và họng.
– Hạn chế tiếp xúc với những người bị mắc bệnh hoặc có nghi ngờ mắc bệnh.
– Đảm bảo vệ sinh sạch sẽ và thông thoáng cho nhà ở, trường học và nhà trẻ.
– Chú trọng đảm bảo vệ sinh trong việc ăn uống, đảm bảo thức ăn được nấu chín và nước uống được đun sôi, sử dụng bát đũa sạch sẽ.
– Ngay khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, hãy thông báo ngay cho cơ quan y tế để được cách ly, khám bệnh, xét nghiệm và điều trị kịp thời.
– Người dân trong khu vực có dịch bệnh cần tuân thủ nghiêm túc việc uống thuốc kháng sinh dự phòng và tiêm vắc xin ngừa bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
Như vật, bài viết vừa chia sẻ đến các bạn câu trả lời cho câu hỏi bệnh bạch hầu có nguy hiểm không và cách phòng ngừa bệnh. Để được chủng ngừa bạch hầu an toàn và hiệu quả cho chính bạn và người thân, liên hệ Phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI ngay bạn nhé!