Ợ nóng là cảm giác nóng rát ở phần ngực dưới kèm theo vị chua, đắng ở miệng và vùng hầu. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do acid trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Chứng ợ nóng kéo dài có thể phát triển thành chứng ợ nóng mạn tính hay còn gọi là trào ngược dạ dày thực quản. Vì thế nên thăm khám để xác định chính xác nguyên nhân gây ợ nóng và có cách điều trị phù hợp. Bên cạnh đó một số thay đổi đơn giản cũng giúp hạn chế chứng ợ nóng.
Menu xem nhanh:
1. Xem xét cẩn thận những gì bạn ăn hàng ngày
Tránh các loại thực phẩm và đồ uống có thể gây kích thích cơ vòng thực quản dưới, khiến acid và thức ăn từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Những thực phẩm này bao gồm chocolate, bạc hà, nước sốt cà chua, trái cây có múi, đồ uống có ga. Hãy uống nước lọc thay vì nước ngọt và nếu là “fan hâm mộ” của món mì ống hãy chọn nước sốt khác, tránh xa nước sốt cà chua.
2. Bỏ qua đồ chiên rán nhiều dầu mỡ
Thức ăn giàu chất béo, nhiều dầu mỡ có thể gây ra chứng ợ nóng. Các món có chất béo thường mất nhiều thời gian để tiêu hóa. Điều này có nghĩa là thời gian lưu trú của thực phẩm trong dạ dày sẽ lâu hơn và có nguy cơ dẫn tới ợ nóng.
3. Chú ý đến khẩu phần ăn
Ợ nóng có nhiều khả năng xảy ra sau khi chúng ta ăn quá no. Ăn quá no làm tăng áp lực trong dạ dày, dễ khiến acid trong dạ dày trào ngược lên thực quản. Vì thế nên chú ý đến tín hiệu của cơ thể, đừng cố nhồi nhét thêm khi đã no. Nên ăn nhiều bữa nhỏ thay vì 3 bữa lớn trong một ngày.
4. Hạn chế đồ uống có cồn để ngăn ngừa sản sinh ra axit ở dạ dày
Đồ uống có cồn như bia, rượu không chỉ tạo ra axit ở dạ dày mà còn làm giãn cơ vòng thực quản dưới, tạo điều kiện để axit trào ngược trở lại thực quản.
5. Giảm cân ngay
Béo phì làm tăng áp lực ở bụng, khiến cho axit dễ di chuyển ngược lên phía trên gây ra ợ nóng. Vì thế hãy thêm vào danh sách việc cần làm kế hoạch giảm cân nếu bạn muốn thoát khỏi sự khó chịu của những cơn ợ nóng.
6. Bỏ thuốc lá
Thuốc lá chứa hóa chất có thể làm suy yếu cơ vòng thực quản dưới, tạo điều kiện thuận lợi cho ợ nóng xuất hiện.
7. Mặc quần áo rộng rãi thoải mái
Chọn quần áo thoải mái, không bó sát xung quanh bụng. Quần áo quá bó sát hoặc thắt lưng quá chặt có thể khiến dạ dày bị co bóp, thực phẩm và acid trào ngược trở lại thực quản.
8. Không ăn 2 – 3 giờ trước khi đi ngủ
Nằm xuống ngay sau khi ăn khiến thực phẩm trong dạ dày tạo thêm áp lực lên cơ vòng thực quản dưới. Ngoài ra ăn cũng làm tăng lượng acid trong dạ dày. Vì thế nếu muốn có một giấc ngủ ngon, không bị “hành hạ” bởi chứng ợ nóng, tránh ăn 2 – 3 giờ trước khi đi ngủ.