8 Cách phòng chống đột quỵ mùa nắng nóng ai cũng nên biết

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Bác sĩ

Nguyễn Văn Doanh

Trưởng khoa Khám bệnh

Nắm vững cách phòng chống đột quỵ là việc làm vô cùng cần thiết để hạn chế bệnh xảy ra. Theo thống kê, số người mắc đột quỵ tăng cao hơn vào mùa hè, đặc biệt vào các đợt nắng nóng đỉnh điểm.

1. Vì sao cần phải nắm rõ cách phòng chống đột quỵ?

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, thường xảy ra đột ngột với bất kỳ ai. Các di chứng để lại vô cùng nặng nề, ảnh hưởng tới cuộc sống người bệnh như liệt nửa người, liệt toàn thân hoặc suy giảm trí nhớ. Trong một vài trường hợp không cấp cứu kịp thời, đột quỵ có thể gây tử vong nhanh chóng.

Chính vì vậy, việc thực hiện tốt các cách phòng chống đột quỵ là biện pháp thiết thực giúp bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình.

cách phòng đột quỵ

Nắm rõ cách phòng chống bệnh đột quỵ để hạn chế biến chứng

Đột quỵ là tình trạng não bộ bị tổn thương nặng nề do quá trình vận chuyển máu tới não bị gián đoạn khiến não bộ bị thiếu oxy. Nếu không được cung cấp đủ máu trong vòng vài phút thì các tế bào não dễ dần chết đi. Do đó, bệnh nhân cần phải được cấp cứu kịp thời. Thời gian càng kéo dài thì lượng tế bào não chết càng nhiều, ảnh hưởng tới khả năng vận động, thậm chí gây tử vong.

2. Nắm vững 8 cách phòng ngừa đột quỵ mùa nắng nóng

Đột quỵ mùa nắng nóng thường xảy ra nhiều hơn với đối tượng người cao tuổi, người mắc bệnh tiểu đường, tăng huyết áp, các bệnh lý liên quan tới tim mạch…. Nhằm hạn chế tối đa đột quỵ não, bạn nên nắm vững các cách phòng ngừa hiệu quả sau:

2.1. Nên ăn thực phẩm có tính mát, giải nhiệt

Mùa nắng nóng, cơ thể con người thường uể oải, thân nhiệt tăng cao. Vì vậy, bạn nên bổ sung các thực phẩm giải nhiệt bổ dưỡng cho cơ thể như rau má, trái cây họ cam, quýt, cần tây, bí đao, cà chua, dưa hấu…

Để tránh bệnh đột quỵ, bạn cũng nên duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý mỗi ngày. Nên lưu ý:

– Không ăn quá mặn để hạn chế các bệnh lý về tim mạch, huyết áp

– Bổ sung vào thực đơn hàng ngày các loại rau củ quả, ngũ cốc

– Ăn nhiều trứng, hải sản, thịt trắng để cung cấp protein cho cơ thể. Không nên ăn nhiều thịt đỏ như thịt dê, thịt bò.

– Hạn chế đồ chiên xào, thức ăn nhanh như xúc xích, thịt hộp, gà rán…

– Tránh xa các loại đồ ngọt, thực phẩm có lượng đường cao

– Nên uống nhiều nước lọc mỗi ngày, nước trái cây….

cách phòng chống đột quỵ hiệu quả

Hạn chế đồ ăn nhanh sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ đột quỵ

2.2. Lựa chọn các môn tập thể dục trong nhà

Thời tiết nắng nóng khiến bạn mệt mỏi, lười vận động nhưng hãy duy trì thói quen tập thể dục mỗi ngày để nâng cao sức khỏe. Tuy nhiên, chạy bộ hay đạp xe dưới trời nắng nóng đỉnh điểm là việc không nên làm. Nên tôn trọng cảm xúc và sức khỏe hiện tại của bản thân để có hướng luyện tập phù hợp.

Bạn hoàn toàn có thể lựa chọn các môn thể thao trong nhà như yoga, tập gym, đi trên máy chạy bộ. Không cần gắng sức luyện tập, bạn nên xen kẽ thời gian hợp lý, uống đủ nước.

2.3. Hạn chế ra ngoài từ 10-16h khi trời nắng nóng

Khi trời nắng nóng đỉnh điểm, bạn nên hạn chế ra ngoài đường. Nếu phải bắt buộc thì nên đội mũ nón rộng vành, dùng ô che khi di chuyển.

Người cao tuổi, có sức khỏe kém hoặc đang mắc bệnh về tim mạch, đã từng bị đột quỵ thì nên chú ý không ra nắng sau 10 giờ sáng. Đặc biệt, không làm việc nặng hay vận động cố sức.

2.4. Lưu ý khi sử dụng điều hòa

Nhiệt độ điều hòa nên duy trì từ 26 – 28 độ C, nên kết hợp dùng thêm quạt để không khí được lưu chuyển, thông thoáng hơn. Khi đi từ ngoài trời nắng về thì hãy để cơ thể thích nghi từ từ với nhiệt độ trong nhà rồi mới bật điều hòa. Khi trong điều hòa đi ra ngoài trời nắng, bạn nên tắt điều hòa, mở cửa thoáng để cơ thể thích nghi, tránh bị sốc nhiệt.

cách phòng chống đột quỵ mùa hè

Sử dụng điều hòa hợp lý, tránh tình trạng sốc nhiệt

2.5. Uống đủ nước

Khi trời nắng nóng, bạn có thể mất nhiều natri và kali mà cơ thể cần. Vì vậy, việc bổ sung nước sẽ tránh tình trạng bị mất nước trong cơ thể.

2.6. Bổ sung thực phẩm chứa nhiều chất béo tốt

Các chất béo tốt cho cơ thể như Omega-3 giúp làm giảm cholesterol xấu, tăng cường sức khỏe hệ thống tim mạch. Bạn nên bổ sung các chất béo lành mạnh ở các loại hạt, dầu cá, olive, quả bơ.

Ngoài ra, bạn cũng nên ăn nhiều đậu nành, thực phẩm này có khả năng phòng ngừa đột quỵ cao.

2.7. Khám tầm soát sức khỏe là cách phòng chống đột quỵ hiệu quả

Thăm khám sớm là việc rất quan trọng để phát hiệncác yếu tố nguy cơ gây đột quỵ, đặc biệt là các bệnh lý liên quan, từ đó phòng ngừa bệnh tai biến mạch máu não hiệu quả.

Với những đối tượng có nguy cơ đột quỵ cao, cần có kế hoạch điều trị tối ưu và kiểm tra sức khỏe định kỳ để kiểm soát tình trạng bệnh.

2.8. Nắm rõ dấu hiệu bệnh mới là cách phòng chống đột quỵ hiệu quả

Các dấu hiệu đột quỵ có thể lặp đi lặp lại nhiều lần, bao gồm:

– Cơ thể mệt mỏi, uể oải, một nửa mặt hoặc cả mặt bị tê cứng, khi cười miệng bị méo.

– Chân tay cử động khó hoặc không thể cử động, một bên cơ thể bị tê liệt. Dấu hiệu đột quỵ thể hiện chính xác nhất là người bệnh không nâng được hai cánh tay qua đầu cùng một lúc.

– Khó phát âm, nói ngọng, nói bị dính chữ, không rõ chữ. Có thể thực hiện phép thử này bằng cách yêu cầu bệnh nhân nhắc lại lời của người nói, nếu không thể thì khả năng mắc đột quỵ rất cao.

– Không phối kết hợp được các hoạt động, mất thăng bằng đột ngột. Người bệnh hay bị chóng mặt, đau đầu, hoa mắt.

– Thị lực suy giảm nhanh, mắt đục mờ, không nhìn rõ

– Đau đầu từng cơn dữ dội, cơn đau đầu đột ngột, có thể khiến người bệnh buồn nôn hoặc nôn

Người bị đột quỵ có thể gặp một vài dấu hiệu kể trên. Tùy vào sức khỏe của mỗi người mà triệu chứng sẽ thể hiện khác nhau. Ngoài ra, người bệnh còn gặp các cơn thiếu máu não thoáng qua với các triệu chứng như bệnh đột quỵ nhưng chỉ xuất hiện nhanh trong vòng vài phút. Người bệnh không nên chủ quan vì cơn thiếu máu não thoáng qua cũng báo hiệu tình trạng đột quỵ sắp xuất hiện.

Những dấu hiệu đột quỵ có thể đến và qua đi rất nhanh nên bạn cần lắng nghe các bất thường ở cơ thể. Khi thấy các dấu hiệu đột quỵ xuất hiện, bạn nên chủ động tới bệnh viện càng sớm để được kiểm tra.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital