7 bí quyết để hệ tiêu hóa khỏe mạnh trong suốt thai kỳ

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Nguyễn Văn Hà

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc TCI, Trưởng khoa Phụ Sản

Mang thai là một hành trình kỳ diệu và hạnh phúc của mỗi người mẹ. Tuy nhiên bên cạnh những điều thú vị, nhiều chị em phải trải qua không ít khó khăn, vất vả do cơ thể thay đổi trong thai kỳ. Ợ hơi, đầy bụng, táo bón… là những rối loạn về tiêu hóa mà người mẹ có thể gặp phải trong 9 tháng mang thai. Sau đây là một số bí quyết đơn giản giúp mẹ bầu có thể giảm bớt những rối loạn khó chịu này, chuẩn bị cho sự chào đời khỏe mạnh của bé yêu.

Ăn nhiều chất xơ

Các thực phẩm như ngũ cốc, trái cây, rau quả không chỉ cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết cho mẹ và bé mà còn chứa chất xơ, giúp hỗ trợ tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón – tình trạng thường gặp khi mang thai.

Lên kế hoạch trước

Một số trường hợp mẹ bầu phát hiện thấy có những thực phẩm nhất định khi tiêu thụ sẽ gây đầy hơi hơn so với các thực phẩm khác. “Thủ phạm” thường gặp nhất là hành tây, bắp cải, bông cải xanh, rau bina, súp lơ, thức ăn nhiều gia vị hoặc giàu chất béo. Hãy dành chút thời gian để lên kế hoạch chi tiết về chế độ ăn uống hàng ngày để lựa chọn được các loại thực phẩm phù hợp, đảm bảo cân bằng về dinh dưỡng. Hạn chế hoặc tạm thời loại bỏ những thực phẩm có thể gây ra các rối loạn tiêu hóa.
Ăn vặt
Đối với nhiều phụ nữ mang thai, buồn nôn có thể là một trong những triệu chứng khó khăn nhất để chịu đựng. Nghe có vẻ phản trực giác nhưng ăn một chút đồ ăn khi cảm thấy buồn nôn có thể làm giảm bớt sự khó chịu của tình trạng này. Một số trường hợp cho biết ăn vặt vào buổi sáng rất hữu ích trong việc làm giảm buồn nôn. Nhiều người lại có thói quen ngậm kẹo cứng. Những người uống bổ sung vitamin thai kỳ nên ăn nhẹ trước. Tuyệt đối không uống thuốc khi bụng đói, có thể gây ra buồn nôn hoặc làm cho tình trạng buồn nôn trở nên tồi tệ hơn. Ăn vặt, ăn nhẹ cũng giúp người mẹ tránh được chứng ợ nóng, đầy hơi.
Uống nhiều nước
Uống nước là cách đơn giản nhất để phòng ngừa táo bón khi mang thai. Bởi vì trong giai đoạn này, chất thải di chuyển thông qua cơ thể chậm hơn so với bình thường. Do đó uống nhiều nước hơn sẽ giúp loại bỏ chất thải ra bên ngoài nhanh chóng và dễ dàng hơn. Phụ nữ mang thai nên uống khoảng 10 cốc nước mỗi ngày, chủ yếu là nước lọc, nước trái cây, trà hoặc nước giải khát. Lưu ý rằng một số đồ uống nhiều đường có thể dẫn đến tăng cân, đồ uống có ga gây đầy hơi.
Hãy vận động
Tập thể dục giúp kích thích tiêu hóa hiệu quả. Duy trì vận động thành một thói quen hàng ngày. Đi bộ, chạy bộ hoặc bơi lội hoặc bất cứ loại hình thức vận động nào yêu thích, có tác dụng hỗ trợ nhu động ruột và ngăn ngừa táo bón. Hầu hết phụ nữ mang thai có thể vận động ở mức độ vừa phải trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trong những trường hợp có lưu ý đặc biệt.
Không nằm ngay sau khi ăn xong
Trong khi mang thai, quá trình của cơ thể tiêu hóa thức ăn trở nên chậm hơn, có thêm thời gian để hấp thụ chất dinh dưỡng. Điều này có nghĩa là  thời gian lưu trú thực phẩm trong dạ dày lâu hơn, kéo theo nguy cơ phát triển chứng ợ nóng. Vì thế mẹ bầu nên chờ ít nhất là 1 giờ sau khi ăn rồi mới nằm xuống.
Sử dụng thuốc nhuận tràng
Nếu táo bón gây khó chịu cho người mẹ, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc nhuận tràng. Tuyệt đối không nên uống thuốc nhuận tràng khi đang mang thai nếu chưa có sự thăm khám cụ tể và tư vấn từ bác sĩ.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital