5 dấu hiệu sốt mọc răng ở trẻ cha mẹ cần chú ý

Tham vấn bác sĩ

Trẻ bị sốt có lẽ luôn là nỗi ám ảnh thường trực của nhiều bậc cha mẹ. Tuy nhiên, sốt có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, sốt mọc răng là một trong những tình trạng rất thường gặp. Vậy, dấu hiệu của sốt mọc răng ở trẻ là gì và cha mẹ cần làm gì khi trẻ gặp tình trạng này?

1. Sốt mọc răng là gì?

Mọc răng là một giai đoạn tất yếu trong quá trình phát triển của trẻ. Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu trẻ bước sang giai đoạn ăn thêm các loại thức ăn khác ngoài sữa. Khi bắt đầu bước vào giai đoạn này, trẻ có thể gặp khó chịu trong vài ngày. Một số triệu chứng có thể xuất hiện, trong đó có sốt.

sốt mọc răng

Mọc răng là một giai đoạn tất yếu trong quá trình phát triển của trẻ

Thông thường, trẻ sẽ bắt đầu có dấu hiệu mọc răng trong giai đoạn từ 4 đến 7 tháng tuổi. Một số trường hợp trẻ mọc răng sớm hơn (khi chỉ mới 3 tháng tuổi). Răng của trẻ sẽ mọc lần lượt theo thứ tự: Hai răng cửa hàm dưới > Hai răng cửa hàm trên > Hai răng cửa bên hàm trên > Hai răng cửa bên hàm dưới > Răng hàm > Răng nanh.

Phần lớn trẻ sẽ mọc khoảng 20 răng sữa trước 3 tuổi. Nếu trẻ đã được 3 tuổi mà chưa mọc đủ răng thì cha mẹ nên cho trẻ đi khám để kiểm tra. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần theo dõi sát sao vấn đề răng miệng của trẻ để xử lý kịp thời khi trẻ gặp phải các tình trạng như: Sâu, sún răng,…

Trong một số trường hợp, trẻ có thể mọc sẵn 1 – 2 răng từ khi mới chào đời (răng sơ sinh). Hoặc, đôi khi trẻ mọc răng quá sớm (chỉ vài tuần sau sinh). Việc mọc răng quá sớm có thể làm ảnh hưởng đến quá trình bú sữa hoặc gây ra một số vấn đề khác. Vì vậy, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được bác sĩ kiểm tra và tư vấn.

2. 5 dấu hiệu sốt mọc răng ở trẻ

Nhìn chung, sốt mọc răng là tình trạng rất thường gặp khi trẻ bắt đầu mọc răng. Trong giai đoạn này, trẻ có thể gặp phải một số vấn đề như:

2.1 Sốt

Khi răng bắt đầu mọc, trẻ thường bị sốt nhẹ từ 38 – 38,5 độ C. Nếu nướu răng bị sưng hoặc viêm thì sốt có thể cao hơn. Tuy nhiên, trẻ mọc răng phần lớn chỉ bị sốt nhẹ và không kèm theo tình trạng tiêu chảy. Do đó, nếu con sốt cao trên 38 độ và có kèm theo tiêu chảy thì cha mẹ nên đưa đi khám ngay để được theo dõi.

2.2 Biếng ăn

Khi bị sốt do mọc răng, trẻ thường cảm thấy mệt mỏi và khó chịu. Do đó, con lười ăn và quấy khóc nhiều hơn. Cha mẹ không nên ép nếu con có biểu hiện không muốn ăn. Thay vào đó, hãy chia cữ ăn thành các cữ nhỏ để trẻ ăn từng chút một.

2.3 Nướu sưng, đỏ

Khi răng mọc, nướu của trẻ sẽ bị sưng và đỏ lên. Đây là dấu hiệu rất dễ quan sát để phát hiện trẻ bắt đầu mọc răng. Lúc này, nướu căng, sưng khiến nhiệt độ cơ thể trẻ cao hơn bình thường. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị sốt, quấy khóc và cảm thấy khó chịu.

2.4 Chảy nhiều dãi

Chảy nước miếng (chảy dãi) là tình trạng rất thường gặp khi trẻ mọc răng. Nước dãi chảy nhiều khu vực quanh miệng và cổ nhiều hơn so với bình thường. Điều này có thể khiến trẻ bị phát ban tạm thời nếu cha mẹ không vệ sinh đúng cách cho trẻ.

sốt mọc răng

Khi mọc răng, trẻ thường cảm thấy khó chịu trong một thời gian

2.5 Dấu hiệu khác

Ngoài các dấu hiệu trên, trẻ bị sốt do mọc răng cũng có thể gặp phải một số vấn đề như:

– Chảy nước mũi, nghẹt mũi
– Nhai núm vú
– Hay đưa tay, đồ vật vào miệng cắn
– Nôn
– Hay quấy khóc
– Trằn trọc khó ngủ
– Kéo tai, xoa má
– Một số trẻ có kèm theo tình trạng tiêu chảy (tướt mọc răng)
– …..

3. Sốt mọc răng có nguy hiểm không?

Sốt do mọc răng thường chỉ kéo dài trong thời gian rất ngắn (khoảng 1 – 2 ngày). Sau đó sốt sẽ tự động khỏi mà không cần điều trị gì thêm. Trong những trường hợp này, cha mẹ có thể tự chăm sóc cho trẻ tại nhà.

Nếu trẻ sốt cao trên 38 độ C và cha mẹ cảm thấy lo lắng thì nên đưa con đến cơ sở y tế để theo dõi. Đặc biệt, phụ huynh cũng nên lưu ý giữ gìn vệ sinh răng miệng cho trẻ trong giai đoạn này. Đừng quên dùng khăn mềm để lau sạch phần nước dãi chảy ra trên mặt để giữ vệ sinh cho trẻ.

Về tổng quan, trẻ bị sốt khi mọc răng không phải là vấn đề quá nghiêm trọng. Do đó, phụ huynh không cần quá lo lắng. Thay vào đó, hãy giữ tâm lý bình tĩnh và thực hiện theo đúng khuyến cáo của bác sĩ để con mau hạ sốt nhất có thể.

4. Làm gì khi trẻ mọc răng?

Việc chăm sóc răng miệng cho trẻ khi mọc những chiếc răng đầu tiên là rất quan trọng. Cha mẹ hãy lưu lại những kiến thức sau để không ảnh hưởng đến sức khỏe và hàm răng của trẻ sau này nhé!

sốt mọc răng

Việc chăm sóc răng miệng cho trẻ khi mọc những chiếc răng đầu tiên là rất quan trọng

– Khi trẻ mọc được 2 – 3 răng, cha mẹ dùng gạc quấn quanh ngón tay. Sau đó nhúng vào nước ấm để vệ sinh răng miệng cho trẻ vào mỗi buổi sáng.
– Khi số răng của trẻ đã nhiều hơn và bắt đầu ăn dặm, cha mẹ có thể dùng bàn chải mềm để đánh răng nhẹ nhàng cho trẻ. Cha mẹ có thể tìm mua loại bàn chải này tại các cửa hàng bán đồ sơ sinh.
– Nếu trẻ bị đau, sưng nướu, hãy dùng một vòng bằng silicon để trẻ nhai. Hoặc rửa sạch ngón tay và chà nhẹ lên nướu để làm giảm cảm giác đau, ngứa, khó chịu. (Nếu mua vòng nhai cho trẻ thì không nên mua những loại có chứa chất lỏng ở bên trong. Bởi nếu chất lỏng không may bị rò rỉ sẽ khiến trẻ nuốt phải và gây hại cho sức khỏe)
– Ngoài sốt, trẻ còn gặp phải tình trạng chảy nước dãi khi mọc răng. Khi đó, cha mẹ hãy dùng khăn sạch và mềm để lau cho trẻ thường xuyên. Đồng thời kết hợp đeo yếm để dãi không bị ngấm vào cổ. Tránh để xảy ra tình trạng phát ban khiến trẻ càng ngứa ngáy, khó chịu hơn.
– Lưu ý: Luôn rửa tay sạch sẽ trước khi đưa tay vào miệng trẻ.
– Không tự ý sử dụng bất kỳ loại cồn, gel hay thuốc nào để chà vào nướu trẻ. Nếu sử dụng thuốc giảm đau, hãy tuân theo đúng chỉ định và sự hướng dẫn của bác sĩ để tránh những tình huống không mong muốn xảy ra.

Ngoài ra, trẻ bị sốt trong giai đoạn mọc răng có thể do nhiều nguyên nhân khác mà không phải là mọc răng. Đặc biệt là trước tình trạng dịch chồng dịch như hiện tại. Vì vậy, nếu thấy trẻ có dấu hiệu sốt cao không rõ nguyên nhân, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay để điều trị. Tránh để xảy ra những biến chứng nguy hiểm khó phục hồi.

Như vậy, trên đây là những thông tin và 5 dấu hiệu sốt mọc răng ở trẻ. Chắc hẳn bài viết đã mang đến cho cha mẹ thêm những thông tin hữu ích về tình trạng này. Nếu có bất kỳ câu hỏi nào khác hoặc cần tư vấn, hãy liên hệ với chúng tôi để được giải đáp nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital