3 triệu chứng sỏi bàng quang thường gặp và cách điều trị hiệu quả

Tham vấn bác sĩ
Thầy Thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII

Phạm Huy Huyên

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, Phụ trách Ngoại thận tiết niệu

Sỏi bàng quang là bệnh lý không hiếm gặp, có thể do sỏi thận rơi xuống hoặc được hình thành bởi những lắng cặn tại bàng quang. Triệu chứng sỏi bàng quang có thể nhầm lẫn với các bệnh khác, do đó người bệnh cần tìm hiểu và phân biệt kỹ. Bài viết này sẽ giúp các bạn tìm hiểu về triệu chứng sỏi bàng quang và những lưu ý cần thiết khác.

1. 3 triệu chứng sỏi bàng quang thường gặp nhất

Người bệnh cần lưu ý những dấu hiệu sau vì khi xuất hiện những triệu chứng này, thường thì sỏi bàng quang đã có kích thước lớn và gây nguy hiểm cho sức khỏe.

1.1. Tiểu rắt, khó tiểu, tiểu ít

Bệnh nhân vẫn có thể đi tiểu nhưng khó tiểu hoặc gặp các hiện tượng bất thường như nước tiểu bị ngắt, tắc, khi đi tiểu có cảm giác đau ở cơ quan sinh dục. Đặc biệt cơn đau sẽ gia tăng khi bệnh nhân vận động nhiều, ngược lại sẽ giảm bớt khi bệnh nhân nghỉ ngơi tại chỗ. Nguyên nhân được cho là viên sỏi di chuyển làm tắc nghẽn dòng tiểu, khiến bệnh nhân tiểu rắt và cọ xát gây đau đớn.

1.2. Nước tiểu có màu bất thường

Nước tiểu có màu đỏ bất thường có thể là triệu chứng sỏi bàng quang khi viên sỏi cọ xát mạnh vào đường niệu, gây chảy máu, khiến nước tiểu có màu máu khi ra ngoài. Vài trường hợp, trong nước tiểu có chứa máu nhưng lượng quá ít nên người bệnh không thể quan sát bằng mắt thường.

Triệu chứng sỏi bàng quang cụ thể

Sỏi bàng quang có thể gây đau vùng bụng dưới.

1.3. Bệnh nhân hay đau bụng dưới

Tùy thuộc vào sự di chuyển của sỏi trong bàng quang mà bệnh nhân sẽ gặp các cơn đau khi âm ỉ, khi dữ dội ở vùng bụng dưới. Cơn đau sẽ giảm bớt khi bệnh nhân không vận động, chỉ ở một chỗ .Tuy nhiên cũng có khi sỏi kẹt niệu đạo cũng gây đau đớn vô cùng dù bệnh nhân chỉ ngồi yên.

Ngoài ra, ở nam giới khi bị sỏi bàng quang còn có triệu chứng bị đau hoặc khó chịu trong dương vật do tác động và sự cọ xát của sỏi.

Khi xuất hiện các dấu hiệu kể trên, bạn cần đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa tiết niệu để được thăm khám và chỉ định phương pháp điều trị. Nếu để lâu có thể gây viêm nhiễm nặng nề, tắc nghẽn đường tiểu gây hiện tượng cầu bàng quang, biến chứng rò bàng quang, suy thận, thậm chí là hỏng thận.

2. Điều trị sỏi bàng quang bằng phương pháp nào?

Sỏi bàng quang điều trị bằng cách nào cần căn cứ vào kích thước và tình trạng sỏi.

2.1. Điều trị sỏi bàng quang kích thước nhỏ

Thông thường, nếu sỏi từ thận rơi xuống hoặc mới hình thành tại bàng quang với kích thước bé, không quá góc cạnh, bác sĩ sẽ tư vấn bệnh nhân dùng thuốc kết hợp với việc uống nhiều nước sạch để đẩy sỏi ra ngoài theo đường tự nhiên. Một loại thuốc được kê có thể là thuốc giãn cơ, lợi tiểu… tùy trường hợp cụ thể.

2.2. Điều trị sỏi bàng quang kích thước lớn

Nếu sỏi kích thước lớn hơn hoặc lắm góc cạnh, là sỏi san hô cứng rắn khó ra ngoài, sỏi kẹt gây đau, hiện nay các bác sĩ sẽ chỉ định dùng phương pháp tán sỏi nội soi ngược dòng để loại bỏ sỏi theo đường tự nhiên thay vì mổ mở truyền thống.

Tán sỏi nội soi ngược dòng là phương pháp dùng năng lượng laser cực lớn theo ống nội soi đi theo đường tự nhiên, qua niệu đạo rồi đến bàng quang để bắn vỡ sỏi. Sỏi sẽ được năng lượng laser bắn vỡ thành vụn nhỏ và bơm hút ra ngoài. Phương pháp này được ưu tiên hơn so với mổ mở truyền thống bởi những ưu điểm nổi bật như: Đi vào bằng đường tự nhiên không có vết mổ, không có các biến chứng sau mổ như nhiễm trùng, chảy máu, bệnh nhân sau 24h là có thể xuất viện về nhà, bệnh nhân phục hồi nhanh chóng.

Tìm hiểu triệu chứng sỏi bàng quang là gì

Sỏi bàng quang có thể điều trị bằng tán sỏi công nghệ cao thay vì mổ mở đau đớn

3. Lưu ý cho người mắc sỏi bàng quang

Ngoài lưu ý đến các triệu chứng sỏi bàng quang để kịp thời điều trị bằng giải pháp thích hợp thì người bệnh cũng cần chú trọng đến chế độ ăn uống và sinh hoạt. Bởi đây là yếu tố rất quan trọng để ngăn chặn sự hình thành, phát triển và tái phát sỏi bàng quang. Một số lưu ý người bệnh cần chú ý là:

– Không được quên việc uống đủ nước: Việc uống nhiều nước vừa có thể góp phần đẩy sỏi ra ngoài theo đường tự nhiên, vừa hạn chế lắng cặn để tạo thành sỏi.

– Duy trì chế độ dinh dưỡng ít thịt, ăn nhiều rau xanh, ăn nhiều cá và ăn nhạt hơn

– Lưu ý khi bổ sung các thực phẩm như canxi, nên bổ sung qua hoa, quả, rau củ thay vì bổ sung qua thực phẩm chức năng để hạn chế hình thành sỏi canxi.

– Một số thực phẩm giàu oxalat cũng cần hạn chế như trà đặc, bột cám, một số rau như cải bó xôi…

– Bổ sung đồng thời các loại nước ép cam, chanh tươi. Những thức uống này có chứa chất citrate, ngăn chặn hình thành sỏi tiết niệu

– Lưu ý tránh các thực  phẩm chứa nhiều chất purine như cá khô thịt khô, nội tạng động vật.

– Ngoài chế độ ăn uống, cần chú trọng luyện tập thể dục thể thao, tránh ngồi ỳ một chỗ.

– Cần để ý tái khám định kỳ để kịp thời phát hiện những bất thường trong bàng quang, tránh để sỏi phát triển hay tái phát sau khi điều trị.

Triệu chứng sỏi bàng quang thường xảy ra với nam giới

Bổ sung nước cam chanh tươi để ngăn chặn tái phát sỏi bàng quang

4. Kết luận

Triệu chứng sỏi bàng quang có thể gây nhầm lẫn với các bệnh khác ở hệ tiết niệu, do đó bạn cần đến cơ sở y tế uy tín để được thăm khám và thực hiện các xét nghiệm để biết chính xác tình trạng của mình. Nếu phát hiện ra sỏi bàng quang cần điều trị sớm tránh để xảy ra những biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital