Xét nghiệm sinh thiết dạ dày là kỹ thuật được sử dụng giúp bác sĩ chẩn đoán ung thư dạ dày. Vậy phương pháp sinh thiết dạ dày được thực hiện như thế nào? Xem ngay bài viết dưới đây để tìm lời giải đáp bạn nhé.
Menu xem nhanh:
1. Thế nào là xét nghiệm sinh thiết dạ dày?
Sinh thiết là kỹ thuật được thực hiện bằng việc lấy mẫu mô ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể như da, nội tạng hoặc cấu trúc khác của cơ thể. Mục đích của xét nghiệm này nhằm kiểm tra sự bất thường về chức năng của một số bộ phận trong cơ thể hoặc sự thay đổi cấu trúc tế bào bất thường như khối u, bướu, sưng viêm,…
Sinh thiết dạ dày là kỹ thuật mà thông qua một hoặc một số mẫu mô từ dạ dày ở vị trí khác nhau để mang đi giải phẫu bệnh (kiểm tra dưới kính hiển vi). Sinh thiết dạ dày thường được tiến hành đồng thời với nội soi dạ dày. Thông qua hình ảnh nội noi được truyền từ camera lên màn hình, các bác sĩ sẽ quan sát phần niêm mạc dạ dày và phát hiện những bất thường. Từ đó, bác sĩ cũng xác định được vị trí và số lượng các mẫu mô cần lấy để đem đi sinh thiết.
2. Mục đích của sinh thiết dạ dày
Sinh thiết dạ dày là kỹ thuật phổ biến để phát hiện những nguy hiểm liên quan đến ung thư dạ dày. Do đó, thông qua phương pháp này các bác sĩ sẽ kịp thời đưa ra hướng chữa trị để không gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người bệnh. Ung thư dạ dày ở giai đoạn đầu rất dễ nhầm lẫn với bệnh dạ dày thông thường. Đa phần bệnh nhân phát hiện khi đã chuyển sang giai đoạn cuối và các tế bào ung thư đã bắt đầu di căn. Do đó, sinh thiết đóng vai trò quan trọng trong quá trình tầm soát phát hiện sớm ung thư của người bệnh.
Bên cạnh đó, đây cũng là phương pháp giúp các bác sĩ phát hiện vi khuẩn HP. Loại vi khuẩn này thường trú ngụ trong dạ dày và gây nên nhiều bệnh nguy hiểm. Khi xuất hiện những dấu hiệu dưới đây có thể người bệnh sẽ được chỉ định tiến hành sinh thiết dạ dày:
– Đau ở vùng thượng vị.
– Xuất hiện dấu hiệu buồn nôn hoặc nôn.
– Đi ngoài ra phân đen.
– Khi ăn không cảm nhận thấy sự ngon miệng.
– Sút cân bất thường.
3. Quy trình sinh thiết dạ dày và những lưu ý cần biết
3.1. Quy trình xét nghiệm sinh thiết dạ dày
Quy trình sinh thiết dạ dày có thể diễn ra như sau:
– Thăm khám lâm sàng: Thông qua việc thăm khám lâm sàng bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và thăm dò chức năng. Thường các bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết dạ dày qua phương pháp nội soi. Ở bước này bạn cần cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến triệu chứng cũng như tình trạng bệnh sử để bác sĩ chỉ định bước tiếp theo.
– Thăm khám cận lâm sàng: Bác sĩ có thể yêu cầu người thăm khám thực hiện một số xét nghiệm như tổng phân tích tế bào máu, tổng phân tích nước tiểu, xét nghiệm máu ẩn trong phân để hỗ trợ chẩn đoán bệnh lý ung thư dạ dày. Đặc biệt nội soi dạ dày là việc làm vô cùng cần thiết, bởi thông qua các ống mềm và camera ở đầu dò, bác sĩ sẽ quan sát tổn thương hoặc các bất thường. Từ đó lấy tiến hành lấy mẫu sinh thiết.
– Tiến hành sinh thiết: Khi đã lấy được mẫu mô ở vị trí bất thường hoặc khối u, các bác sĩ sẽ đem đến phòng thí nghiệm hoặc phòng nuôi cấy để tiến hành sinh thiết. Ngoại trừ các trường hợp đặc biệt thì kết quả sẽ có sau khoảng từ 5 đến 15 ngày.
3.2. Lưu ý khi xét nghiệm sinh thiết dạ dày
Khi thực hiện sinh thiết dạ dày, người thăm khám cần chú ý:
– Trước khi thực hiện sinh thiết: Cần nhịn ăn thì 6 – 12 tiếng đồng thời bổ sung nước lọc, không uống sữa, các loại nước uống có ga hay cafein. Ngoài ra cũng không được sử dụng các loại chất kích thích vì gây ảnh hưởng tới kết quả thăm khám.
– Sau quá trình sinh thiết: Bệnh nhân thường chỉ cần được nghỉ ngơi một lúc là có thể ra về. Tuy nhiên, đối với trường hợp sử dụng thuốc gây mê thì khi tỉnh, người bệnh cần được theo dõi nhịp tim, huyết áp và nhịp thở. Ngoài ra, tùy thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có những hướng dẫn chăm sóc riêng.
Để chủ động bảo vệ sức khỏe bản thân và phòng tránh bệnh lý ung thư dạ dày, bạn hãy tham gia tầm soát sức khỏe định kỳ. Bên cạnh đó, kết hợp với chế độ ăn uống và luyện tập thể dục thể thao đều đặn bạn nhé.