Viêm quanh cuống cấp là bệnh gì?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Đỗ Thị Tú Anh

Trưởng khoa Răng Hàm Mặt

Viêm quanh cuống cấp là một trong những bệnh lý về răng miệng rất phổ biến có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tạo ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống do gây đau đớn và bất tiện cho người bệnh. Vậy viêm quanh cuống răng cấp là gì? nguyên nhân do đâu? biểu hiện như thế nào?… là những câu hỏi sẽ được giải đáp ngay trong bài viết dưới đây

1. Viêm quanh cuống cấp là bệnh gì?

Viêm quanh cuống (chóp răng) là bệnh lý thường gặp gây ra do tình trạng viêm lợi, cùng với đó là tình trạng tích tụ nhiều cao răng và mảng bám ở khu vực dưới đường viền lợi, mà không được điều trị đầy đủ. Trong viêm quanh răng, các túi lợi sâu chứa các vi khuẩn gram âm (-), loại vi khuẩn có hại nhiều hơn cho răng miệng so với vi khuẩn viêm lợi thông thường. Khi chúng tấn công vào đường viền lợi sẽ gây nên viêm quanh cuống.

viêm quanh cuống cấp

Vi khuẩn Gram âm tấn công vào đường viền lợi gây viêm cuống răng cấp

Quá trình viêm này gây ảnh hưởng không nhỉ đến dây chằng nha chu, nướu và cả xương ổ răng. Do đó khi bệnh lâu ngày, lợi sẽ dần dần mất bám dính với răng, tình trạng mất xương xuất hiện và túi quanh răng sâu hơn. Khi mất xương tiến triển thêm sẽ khiến răng lung lay, và tụt lợi, thậm chí có thể mất răng.

Bệnh viêm quanh cuống chân răng nếu không được phát hiện và điều trị sớm thì dẫn đến viêm quanh cuống cấp với nguy cơ biến chứng vô cùng nghiêm trọng như mất răng, áp xe vùng viêm, viêm hạch, viêm xương tủy… Ngoài ra viêm cuống răng cấp cũng có khả năng gây biến chứng toàn thân, dẫn tới các bệnh lý về tim mạch, thận, khớp và ảnh hưởng tới hệ thống dây thần kinh.

2. Phân biệt viêm quanh cuống cấp

Biểu hiện của bệnh viêm quanh cuống răng cấp khá đặc trưng. Tuy nhiên những triệu chứng này cũng có thể tương tự với biểu hiện của một số bệnh khác. Do đó, người bệnh cần phân biệt rõ ràng và đi khám bác sĩ ngay khi có thể để được chẩn đoán và có phương hướng điều trị chính xác nhất.

2.1 Viêm quanh cuống cấp

Đối với bệnh lý viêm quanh cuống răng cấp, người bệnh thường có các triệu chứng rất đặc trưng và dễ nhận biết như sau:
– Người bệnh thường sốt cao trên 39 độ C kéo dài.
– Xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng như môi khô, lưỡi bẩn, có thể có phản ứng hạch ở vùng cằm, hàm.
– Đau răng liên tục và dữ dội, đau có thể lan lên nửa đầu, tình trạng đau nghiêm trọng hơn khi nhai, bệnh nhân ít đáp ứng với thuốc giảm đau và có thể tự xác định rõ vị trí răng đau.
– Xuất hiện cảm giác răng chồi cao gây khó chịu và cản trở khả năng ăn uống.
– Vùng nướu tại khu vực bị viêm màu đỏ, sưng tấy và có cảm giác đau nhức, căng tức.
– Vùng má tại vị trí tương ứng sưng nề, ấn vào thấy có nổi hạch và đau.
– Răng đổi màu sậm đi, mất thẩm mỹ
– Có thể xuất hiện tình trạng tụt lợi, răng lung lay mạnh khi bệnh ở mức độ nặng.
– Thử nghiệm tủy: kết quả âm tính với thử điện và nhiệt do tủy bị hoại tử.
– Chụp X quang răng: Có thể thấy hình ảnh mờ vùng cuống, ranh giới không rõ ràng và dãn rộng dây chằng quanh cuống.
– Xét nghiệm máu: kết quả thường thấy là bạch cầu đa nhân trung tính tăng, máu lắng tăng….

viêm quanh cuống cấp

Chup X-quang có thể thấy rõ ổ viêm tại cuống răng

2.2 Viêm quanh răng mạn tính

Khác với viêm cấp, viêm quanh răng mạn tính là loại viêm quanh răng phổ biến nhất. Thường gặp ở người lớn > 35 tuổi, nhưng một số trường hợp thanh thiếu niên và thậm chí cả trẻ đang còn răng sữa cũng có nguy cơ mắc bệnh. Viêm mạn tính đặc trưng bởi tốc độ tiến triển chậm, với những giai đoạn trầm trọng và thuyên giảm thay phiên.

Bệnh lý này hay gặp ở bệnh nhân có tiền sử viêm tủy cấp, viêm cuống răng cấp hoặc bị áp xe quanh cuống răng cấp. Một số biểu hiện khác biệt so với viêm quanh cuống cấp:
– Răng có biểu hiện đổi sang màu xám đục.
– Vùng lợi tại vị trí cuống răng viêm hơi nề
– Có lỗ rò tại vị trí tương ứng đôi khi ở ngoài da hoặc nền mũi tùy hoặc hốc miệng, tùy vào vị trí của nang và áp xe.
– Gõ vào răng không thấy đau hoặc chỉ cảm thấy đau nhẹ ở vùng cuống răng.
– Răng lung lay mạnh hơn do xương ổ răng bị tiêu đi nhiều.
– Chụp X quang có thể thấy rõ ràng hình ảnh ổ mủ.

Khoảng 85% dân số mắc viêm cuống mãn tính ở mức độ nhẹ, còn mức độ nặng chiếm < 5% dân số. Do sự tiến triển chậm của nó, độ tuổi của bệnh nhân tại thời điểm phát hiện bệnh không cho thấy được độ tuổi bắt đầu mắc. Bệnh nhân có những biểu hiện bệnh rõ rệt thường là những người > 35 tuổi, trường hợp mất răng thường ở những người trên 40 tuổi.

2.3 Biểu hiện tương tự bệnh hệ thống

Ở một số trường hợp, viêm quanh răng được xem là một biểu hiện của bệnh hệ thống đối với những bệnh nhân đang có bệnh hệ thống. Tuy nhiên, để phân biệt có đúng bệnh hệ thống gây ra viêm quanh răng cấp không hay làm nặng thêm bệnh viêm quanh răng hay không thường là khá khó khăn. Tốt nhất người bệnh nên đi gặp bác sĩ để xác định chính xác bệnh của mình, tránh hiểu lầm và đi sai hướng điều trị.

Những bệnh hệ thống liên quan đến các rối loạn về máu có những biểu hiện như viêm quanh răng bao gồm
– Giảm bạch cầu trung tính
– Mất bạch cầu hạt
– Bệnh bạch cầu
– Hội chứng bạch cầu lười
– Giảm gammaglobulin huyết

3. Nguyên nhân viêm quanh cuống răng cấp

3.1. Vì nhiễm khuẩn

Việc vệ sinh răng miệng không đúng cách khiến thức ăn mắc kẹt lại các kẽ răng, tạo thành mảng bám. Các mảng bám tích tụ ngày càng nhiều, biến răng và các mô quanh răng thành môi trường lý tưởng để vi khuẩn có hại sinh sôi. Chúng làm mất cân bằng hệ vi sinh vật trong khoang miệng người bệnh, tấn công vào răng và nướu, gây nên các bệnh lý như viêm lợi, viêm nha chu… Khi không điều trị dứt điểm đúng cách bệnh sẽ dần tiến triển nặng gây nên tình trạng viêm tủy, hoại tử tủy sau đó là biến chứng viêm cuống răng.

3.2. Vì răng bị sang chấn

– Sang chấn răng cấp tính: là sang chấn mạnh khiến các mạch máu nằm ở cuống răng bị đứt khiến vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào đó, gây viêm quanh cuống răng cấp tính.
– Sang chấn răng mãn tính: là sang chấn lặp đi lặp lại do sai khớp cắn, núm phụ hoặc sang chấn do nghiến răng… cũng khiến cuống răng bị tổn thương và dẫn tới viêm quanh cuống cấp.

3.3. Gặp sai sót trong điều trị gây viêm quanh cuống cấp

viêm quanh cuống cấp

Sai sót khi hàn răng là 1 nguyên nhân gây viêm quanh cuống

Nguyên nhân gây bệnh bắt nguồn từ các chất hàn thừa, chất liệu hàn chụp quá cao làm sai khớp cắn gây sang chấn hoặc sai sót trong quá trình điều trị tủy như:
– Chất bẩn, ổ vi khuẩn bị đẩy sang vùng cuống răng trong quá trình lấy tủy và làm sạch ống tủy.
– Tắc ống tủy do tác nhân khách quan như như gãy dụng cụ, nạo nút ngà mùn trong lòng ống tủy.
– Lỗ cuống răng bị mở rộng hoặc dịch chuyển
– Bột tan từ găng tay, sợi cellulose từ côn giấy,… vô tình bị đẩy vào vùng cuống khi điều trị tủy răng.
– Thủng ống tủy do nha sĩ thao tác chưa chính xác.
– Vi khuẩn có khả năng kháng lại các chất sát khuẩn ống tủy trong quá trình điều trị.
– Sử dụng thuốc sát khuẩn quá mạnh hoặc kích thích mạnh vùng cuống răng gây tổn thương cuống răng, vi khuẩn dễ dàng xâm nhập và phát triển.

Với những nguyên nhân gây bệnh bao gồm cả khách quan và chủ quan không thể lường trước được như trên, việc chúng ta cần làm là đảm bảo một chế độ chăm sóc răng miệng thật kĩ càng, đồng thời chủ động đi khám răng thường xuyên tại nha khoa uy tín để kiểm tra và phát hiện ngay khi có dấu hiệu viêm răng. Nha khoa Thu Cúc TCI với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm cùng hệ thống máy móc hiện đại đang là địa chỉ được nhiều người lựa chọn khi gặp các vấn đề về răng miệng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital