Viêm gan B dương tính và học cách sống chung với virus viêm gan B

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ, Bác sĩ, Thầy thuốc ưu tú

Tạ Quang Mậu

Bác sĩ Nội Khoa

Viêm gan B là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất tại Việt Nam. Nhiều người bệnh khi biết bản thân có kết quả viêm gan B dương tính sẽ không khỏi hoang mang và lo sợ. Trên thực tế, bạn hoàn toàn có thể học cách sống chung với virus viêm gan B bằng cách xây dựng chế độ ăn, sinh hoạt lành mạnh, vệ sinh môi trường sống và thực hiện thăm khám định kỳ đều đặn.

1. Bệnh viêm gan B dương tính

1.1. Viêm gan B dương tính là gì?

Viêm gan B là loại bệnh truyền nhiễm gây ra bởi virus viêm gan B (HBV). Virus HBV khi xâm nhập vào cơ thể người, chúng sẽ gây ra những thương tổn thương gan. Theo thời gian, mức độ bệnh trở nặng làm suy giảm chức năng gan. Vì vậy, viêm gan B được coi là một bệnh lý khá đáng sợ và nghiêm trọng.

Viêm gan B dương tính là gì?

Viêm gan B là loại bệnh lý truyền nhiễm chiếm tỷ lệ cao tại Việt Nam (từ 10-20%)

1.2. Thời gian ủ bệnh của virus

Sau khi virus được lây nhiễm vào cơ thể, chúng có thời gian ủ bệnh từ 3-6 tháng (tùy thể trạng từng người). Sau đó virus sẽ bắt đầu hoạt động và bắt đầu từ viêm gan B cấp tính. Nếu sau 6 tháng, cơ thể của người bệnh không thể tự miễn dịch với virus, bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính và đồng nghĩa với việc nhiễm virus HBV suốt đời.

1.3. Các giai đoạn tiến triển bệnh viêm gan B

Giai đoạn viêm gan B cấp tính:

Người bệnh lúc này thường chỉ có những triệu chứng nhẹ nhưng tuyệt đối không được chủ quan. Thay vào đó, cần tiến hành thăm khám và điều trị với bác sĩ chuyên khoa để được theo dõi tích cực tình trạng bệnh, tránh bệnh chuyển biến sang giai đoạn mạn tính.

Giai đoạn viêm gan B mạn tính:

Ở giai đoạn này, người bệnh xác định là sẽ sống chung với viêm gan B cả đời. Người bệnh mang virus hoàn toàn có nguy cơ cao gặp phải một số biến chứng nguy hiểm như: Xơ gan, suy gan, thậm chí là ung thư gan. Viêm gan B mạn tính tiến triển ở 2 dạng:

– Viêm gan B mạn tính ở thể virus không hoạt động

Trường hợp này virus đã xâm nhập vào cơ thể và ở trạng thái “ngủ”, không nhân lên, không có biểu hiện nào khác thường. Người bệnh hoàn toàn có thể chung sống hòa bình với virus, sinh hoạt, học tập và làm việc bình thường.

– Viêm gan B mạn tính ở thể virus hoạt động

Virus viêm gan B thể hoạt động sẽ không ngừng sinh sôi, nhân lên nhanh chóng, gây tổn hại đến gan. Lúc này, người bệnh cần nhanh chóng tiến hành điều trị để ức chế và làm chậm lại hoạt động của virus, ngăn chặn những ảnh hưởng tiêu cực có thể xảy ra.

Các giai đoạn tiến triển của viêm gan B

Viêm gan B cấp tính có thể tiến triển thành viêm gan B mạn tính và người bệnh sẽ sống chung với virus cả đời.

2. Những điều cần lưu ý khi sống chung với virus viêm gan B

Người bệnh viêm gan B hoàn toàn có thể chung sống, sinh hoạt và làm việc bình thường cùng tiêu chí sống lành mạnh, tích cực, không làm ảnh hưởng tới virus. Người bệnh hãy quan tâm và lưu ý những việc sau đây.

2.1. Xây dựng chế độ ăn lành mạnh cho người bệnh viêm gan B dương tính

Chế độ ăn lành mạnh giúp người bệnh đảm bảo dinh dưỡng, tăng sức đề kháng và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe người bệnh.

Người bệnh bị viêm gan B nên ăn những gì?

– Thực phẩm bổ sung đạm từ cá, thịt, trứng, sữa,…

Thực phẩm giàu chất xơ và vitamin như rau xanh, hoa quả tươi, sữa chua, sữa ít béo và các chế phẩm từ sữa ít béo,…

– Ưu tiên nguồn thực phẩm từ thực vật như các loại hạt, ngũ cốc,… và sử dụng điều độ các loại chất béo từ thực vật như các loại đậu, mè, quả bơ, lạc, dừa,…

– Ăn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa, thực phẩm tươi và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Người bệnh viêm gan B nên kiêng ăn những gì?

– Thực phẩm nhiều dầu mỡ như các món xào, rán, chiên, quay, đồ ăn nhanh, đồ ăn chế biến sẵn,…

– Tuyệt đối kiêng rượu bia và các chất kích thích, bởi đây là tác nhân sẽ làm hại trực tiếp đến gan.

– Hạn chế ăn các thực phẩm có quá nhiều đạm, tính nóng như thịt dê, lòng đỏ trứng gà, thịt chó, thịt baba,…

– Không nên ăn đồ ăn nhiều cholesterol như nội tạng động vật, phô mai, dầu gan cá,.. vì chúng khiến quá trình chuyển hóa trong gan kém đi, gây rối loạn tiêu hóa nặng hơn.

– Hạn chế đường, đồ ăn giàu chất ngọt vì sẽ khiến gan không chuyển hóa hết được dẫn tới tăng đường huyết và có thể gây ra đái tháo đường.

– Hạn chế các món cay, dễ kích thích như ớt, bột ớt, hồ tiêu, tỏi, gừng, cari…

– Không ăn quá mặn hay các thực phẩm chứa độc tố như măng tươi, sắn tươi, cà chua xanh, khoai tây mọc mầm,…

– Không ăn những món hải sản tươi sống hoặc nấu chưa chín và những loại cá biển có chứa chất làm đông máu như cá thu, cá ngừ,…

– Lưu ý tới các chất phụ gia trong thực phẩm như phẩm màu, hàn the, muối diêm, chất tẩy màu, chất tẩy trắng trong bánh tráng, bún, phở,…

Chế độ cho người bệnh viêm gan B

Người bệnh viêm gan B cần tránh xa rượu bia và các đồ uống chứa chất kích thích khác.

3.2. Lối sống tích cực, vận động điều độ

Người bệnh viêm gan B nên duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống đầy đủ, suy nghĩ tích cực lạc quan và điều chỉnh thói quen sinh hoạt, vận động điều độ.

– Ăn chín uống sôi.

– Ăn đủ bữa, đúng giờ, không bỏ bữa thường xuyên.

– Ngủ nghỉ khoa học, không thức khuya và làm việc quá sức.

– Tránh áp lực và stress kéo dài.

– Tập luyện thể dục thể thao đều đặn với mức cường độ phù hợp với thể trạng mỗi người.

– Vệ sinh sạch sẽ, cẩn thận không gian sống mỗi ngày.

3.3. Thực hiện thăm khám định kỳ

Người bệnh viêm gan B tuy có thể chung sống bình thường với virus nhưng tuyệt đối không thể lơ là chủ quan vì loại virus này có thể biến đổi khôn lường, khó đoán. Chính vì thế, người bệnh cần thực hiện thăm khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần, nhất là với những người bệnh viêm gan B thể virus hoạt động cần tuân thủ các chỉ định của bác sĩ nhằm đánh giá và kiểm soát tốt nhất mức độ ảnh hưởng của virus.

Viêm gan B dương tính có thể sẽ không quá đáng sợ khi chúng ta hiểu rõ và hiểu đúng về bệnh cũng như biết cách sống chung với loại virus này. Người bệnh viêm gan B hãy duy trì lối sống lành mạnh, ăn uống khoa học, vận động điều độ và thực hiện thăm khám đều đặn để tự bảo vệ sức khỏe cho chính mình.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital