Theo báo điện tử Vietnamnet [Do lối sống chủ quan, thiếu vận động, hiện chứng loãng xương, đau khớp đang có xu hướng “trẻ hóa”, ngày càng xuất hiện nhiều ở người trẻ tuổi thậm chí ngay từ tuổi 30… xem thêm]
Chăm sóc xương khớp: đừng đợi tới già
Các bệnh về xương khớp thường được mặc định là “bệnh của tuổi già” do chịu ảnh hưởng từ quy luật lão hóa tự nhiên. Tuy nhiên, thực tế chứng minh rằng bằng lối sống khoa học, kết hợp với hoạt động khám sức khỏe định kỳ ngay từ khi còn trẻ, con người hoàn toàn có thể có một cuộc sống khỏe mạnh dài lâu.
Xây dựng và phân hủy là 2 quá trình song song tồn tại trong hoạt động sống của cơ thể người. Khi chúng ta còn trẻ, quá trình xây dựng diễn ra mạnh mẽ và lấn áp quá trình phân hủy, sức đề kháng tốt và chống chọi nhiều bệnh tật.
Ngược lại, khi bước vào độ tuổi trung niên, “ngưỡng cửa lão hóa” thì quá trình xây dựng bắt đầu chậm và tỏ ra yếu hơn quá trình phân hủy, và đối với sức khỏe hệ xương khớp thì điều này dẫn đến chức năng các khớp xương bắt suy giảm, loãng xương khiến xương dễ giòn gãy, đau nhức, cứng, khó co duỗi ở các khớp.
Điều đáng nói hiện nay chứng loãng xương, đau khớp đang có xu hướng “trẻ hóa” , ngày càng xuất hiện nhiều ở người trẻ tuổi, thậm chí ngay từ tuổi 30.
Một nghiên cứu đã chỉ ra, những người làm việc văn phòng mỗi ngày dành tới 5 giờ 40 phút ngồi một chỗ tại bàn làm việc. Điều này ngăn cản sự trao đổi chất và thúc đẩy quá trình lão hóa cơ thể diễn ra mạnh hơn, và không loại trừ xương khớp.
Chị Linh Anh (31 tuổi, nhân viên lễ tân) chia sẻ: “Công ty tôi năm nào cũng khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên, năm trước tôi cũng đã được kiểm tra sức khỏe thì thấy kết quả hoàn toàn bình thường. Nhưng năm nay tôi vừa được bác sĩ khuyến cáo có triệu chứng loãng xương, cần tăng cường vận động thể chất. Tôi rất hoảng vì kết quả này, vì tôi nghĩ chứng bệnh này chỉ có thể gặp ở người cao tuổi”.
Còn chị Thu Hoài (29 tuổi, nhân viên hành chính) cho biết: “Mẹ tôi 54 tuổi, tôi đưa mẹ đi khám và bác sĩ kết luận mẹ tôi bị loãng xương. Hôm đó, tôi nghe bác sĩ nói bệnh này còn có thể gặp ở người trẻ nên tôi khám luôn, xem liệu mình có mắc bệnh, kết quả là tôi cũng bị loãng xương, do lười vận động và thiếu vitamin D”.
“Tam giác đều” ngừa bệnh xương khớp hiệu quả
Các bệnh về xương khớp thường có diễn biến âm thầm và không gây hậu quả nặng nề tức thời, điều này khiến nhiều người chủ quan và ít chăm sóc hơn. Thậm chí nếu bệnh có mắc ở người cao tuổi họ cũng cho rằng “bệnh người già” nên không cần lo lắng, hoặc nếu có gặp ở người trẻ thì họ thường mang tư tưởng “cậy sức trẻ” mặc dù họ đang có nguy cơ mắc bệnh rất cao.
Trong khi hậu quả của các bệnh cơ xương khớp đăc biệt là chứng loãng xương, thoái hóa khớp là khôn lường, người bệnh có thể dễ dàng bị gãy xương, xương dòn, cử động khó khăn, chịu nhiều đau đớn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng đời sống cũng như hiệu hiệu suất trong công việc.
Để phòng ngừa bệnh cần duy trì thói quen tập luyện “tam giác đều” thực hiện đồng thời cả 3 hoạt động gồm: dinh dưỡng, tập luyện và kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và kiểm soát sớm bệnh.
Hoạt động tập thể dục thường xuyên bằng một môn thể thao yêu thích hoặc đơn giản là đi bộ mỗi ngày cũng rất có ích cho sức khỏe, đặc biệt là cho hệ xương khớp.
Tuy nhiên, hoạt động quan trọng cần thiết trong phòng ngừa và điều trị nhóm bệnh lý xương khớp là kiểm tra sức khỏe thường xuyên. Bởi các bệnh lý xương khớp trong giai đoạn mầm mống thường không có triệu chứng và rất dễ bị bỏ qua, chỉ thông qua các xét nghiệm chuyên môn mới có thể phát hiện nguy cơ, phát hiện bệnh, đánh giá mức độ nặng nhẹ và kịp thời điều chỉnh thói quen sống giúp điều trị, ngừa bệnh hiệu quả.