Truy tìm nguyên nhân gây ung thư buồng trứng

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Lê Văn Bảo

Trưởng khoa Ung Bướu

Ung thư buồng trứng là một trong những bệnh nguy hiểm có tỉ lệ mắc phải khá cao ở phụ nữ. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và đe dọa sức khỏe của người bệnh, thậm có gây tử vong nếu không được chữa trị kịp thời. Vậy do đâu mà xuất hiện căn bệnh này? Hãy cùng chúng tôi truy tìm nguyên nhân gây ung thư buồng trứng nhé!

1. Khái quát chung về ung thư buồng trứng

1.1. Ung thư buồng trứng là gì?

Ung thư buồng trứng là tình trạng các tế bào trong buồng trứng phát triển bất thường rồi tạo thành các khối u ác tính ở một hoặc cả hai buồng trứng.

Nếu không phát hiện và có biện pháp điều trị kịp thời, tế bào ung thư sẽ lan rộng sang các mô và cơ quan lân cận. Lúc này, chức năng hoạt động của buồng trứng sẽ bị ảnh hưởng, bao gồm sản xuất nội tiết tố, sản xuất ra các tế bào trứng, đặc biệt là khả năng mang thai.

Trong trường hợp ung thư buồng trứng vẫn tiếp tục phát triển đến giai đoạn muộn thì tế bào ung thư có thể di căn xa, thông qua đường máu hoặc qua các hạch bạch huyết đến các bộ phận khác trên cơ thể và gây ung thư thứ phát tại những bộ phận này.

Hiện nay, ung thư buồng trứng được phân thành 3 loại:

– Ung thư có nguồn gốc từ các tế bào nằm trên bề mặt buồng trứng.

– Ung thư có nguồn gốc từ các tế bào có chức năng sản xuất ra trứng.

– Ung thư có nguồn gốc từ các tế bào mô giúp nâng đỡ buồng trứng.

1.2. Ung thư buồng trứng phát triển theo những giai đoạn nào?

Ung thư buồng trứng phát triển thành 4 giai đoạn, cụ thể như sau:

– Giai đoạn 1: Khối u chỉ tồn tại trong buồng trứng hoặc ống dẫn trứng, chưa xâm lấn nơi khác.

– Giai đoạn 2: Buồng trứng, ống dẫn trứng vẫn là nơi khối u trú ngụ. Tuy nhiên, chúng bắt đầu lan sang một số cơ quan lân cận nằm trong xương chậu.

– Giai đoạn 3: Khối u lớn dần, kích thước trên 2cm và lan ra ngày càng rộng hơn, thậm chí có thể di căn đến gan hay lá lách.

– Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn cuối cùng của ung thư buồng trứng, khối u đã di căn tới hàng loạt cơ quan xa buồng trứng như gan, lá lách, phổi, não,…

Nguyên nhân gây ung thư buồng trứng là gì

Xác định giai đoạn phát triển của ung thư sẽ giúp bác sĩ có căn cứ xây dựng phác đồ điều trị hiệu quả

2. Có thể nhận biết các dấu hiệu ung thư buồng trứng không?

Ung thư buồng trứng khó phát hiện ngay từ những giai đoạn đầu nên bạn cần lưu ý những dấu hiệu dưới đây để có thể nhận diện bệnh càng sớm càng tốt:

– Có triệu chứng rối loạn tiêu hóa, điển hình như buồn nôn, táo bón, tiêu chảy,…

– Cảm thấy chán ăn kéo dài, dễ no dù ăn rất ít

– Đầy hơi, chướng bụng liên tục trong vài tuần

– Tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường, bị đau khi đi tiểu

– Luôn cảm thấy cơ thể không có sức lực, mệt mỏi

– Cân nặng đột ngột giảm không rõ nguyên nhân

– Đau âm đạo, kèm theo chảy máu bất thường

– Chảy máu nhỏ giọt, rải rác giữa các chu kì kinh nguyệt

– Bị đau khi quan hệ tình dục

– Đau lưng, đau vùng chậu không rõ nguyên nhân

3. Nguyên nhân gây ung thư buồng trứng gồm những gì?

Hiện nay, chưa có một đáp án chính xác nào cho câu hỏi nguyên nhân ung thư buồng trứng do đâu. Tuy nhiên, một số yếu tố đã được các chuyên gia chứng minh là có thể làm gia tăng nguy cơ mắc phải căn bệnh này. Các yếu tố đó bao gồm:

3.1. Tuổi tác

Gần như các trường hợp được chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng đều ở độ tuổi sau mãn kinh, 80% trong số đó là những phụ nữ trên 50 tuổi.

3.2. Thừa cân, béo phì

Các chuyên gia đã thực hiện nhiều nghiên cứu, kết quả chỉ ra rằng: những người thừa cân hay bị béo phì có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn so với người có cân nặng bình thường.

Nguyên nhân gây ung thư buồng trứng - thừa cân

Nên duy trì cân nặng ở mức hợp lý để loại bỏ nguy cơ mắc phải các bệnh như ung thư buồng trứng

3.3. Phụ nữ không cho con bú hoặc không sinh con

Quá trình mang thai và cho con bú có thể giúp trì hoãn thời gian rụng trứng, đồng thời làm giảm nồng độ estrogen – một loại hormone sinh dục nữ trong buồng trứng.

Trên thực tế, quá trình rụng trứng diễn ra càng thường xuyên thì khả năng hình thành nên các tế bào đột biến có khả năng phát triển thành ung thư càng cao. Đây chính là lý do phụ nữ không sinh con và không cho con bú thường dễ mắc ung thư buồng trứng hơn.

3.4. Kinh nguyệt xuất hiện quá sớm hoặc mãn kinh muộn

Tình trạng kinh xuất hiện kinh nguyệt từ quá sớm hoặc thời điểm mãn kinh quá muộn ở một số người cũng khiến cho đối tượng này có nguy cơ mắc phải ung thư buồng trứng cao hơn những người khác.

Nguyên nhân gây ung thư buồng trứng - kinh nguyệt

Người có kinh nguyệt sớm hoặc mãn kinh muộn nên chú ý tới các dấu hiệu bất thường liên quan đến buồng trứng

3.5. Tiền sử bệnh của bản thân

Phụ nữ nếu có tiền sử mắc phải ung thư đại tràng hoặc ung thư vú sẽ dễ có nguy cơ bị ung thư buồng trứng hơn so với người chưa từng mắc.

Không chỉ vậy, nếu bạn từng lạm dụng hormone thay thế thì cũng có nguy cơ cao hơn về ung thư buồng trứng.

3.6. Tiền sử của gia đình

Nếu bạn có mẹ, chị/em gái hay con gái ruột,… đã từng bị ung thư buồng trứng thì bạn cũng có nguy cơ mắc căn bệnh này cao hơn những gia đình không có ai mắc bệnh.

3.7. Lạm dụng thuốc kích thích phóng noãn

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, sử dụng các loại thuốc kích thích phóng noãn có thể tác động đến khả năng gây ra ung thư buồng trứng. Tuy nhiên vẫn cần thêm các nghiên cứu khác mới khẳng định được tính chính xác của vấn đề này.

3.8. Sử dụng bột Talc

Bột Talc là một khoáng chất dạng bột mịn, không mùi và có màu trắng. Thành phần của loại bột này bao gồm magie, silic và oxy.

Có thể dễ dàng tìm thấy bột Talc trong các loại mỹ phẩm hay phấn rôm trẻ em và một số sản phẩm tiêu dùng khác. Nếu cơ quan sinh dục nữ thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với hợp chất này thì rất có thể sẽ thúc đẩy quá trình hình thành các khối u trong buồng trứng.

3.9. Điều trị thay thế hormon sinh dục nữ

Điều trị thay thế hormon estrogen sau thời kì mãn kinh cũng làm tăng nguy cơ mắc phải ung thư buồng trứng. Do đó bạn cần trao đổi với bác sĩ trước khi quyết định thực hiện phương pháp này.

Sau khi nắm được các yếu tố nguy cơ cũng như nguyên nhân gây ung thư buồng trứng, mong rằng bạn sẽ có biện pháp chủ động phòng ngừa. Một trong những biện pháp hiệu quả nhất là đi khám và tầm soát ung thư định kỳ từ 6 tháng đến 1 năm/lần. Hãy lựa chọn các cơ sở y tế có đội ngũ bác sĩ giỏi với đầy đủ máy móc, trang thiết bị hiện đại để được chẩn đoán chính xác.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital