Triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính

Tham vấn bác sĩ

Bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính (COPD) là nguyên nhân gây tử vong thứ 3 trên toàn cầu. Tại Việt Nam, hơn 4% dân số trên 40 tuổi mắc bệnh này với nhiều triệu chứng nghiêm trọng. Cùng tìm hiểu triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh COPD.

1. Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính là gì và những triệu chứng thường gặp?

Bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính hay bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) là một bệnh viêm phổi mãn tính do luồng khí bị tắc nghẽn từ phổi. Triệu chứng của bệnh tắc nghẽn mãn tính ở phổi biểu hiện đa dạng ở mỗi bệnh nhân nhưng thường gồm:

– Khó thở, thở gấp, khò khè, đặc biệt khi hoạt động thể chất

– Tức ngực

– Ho, ho khan hoặc có đờm

– Sốt nhẹ, ớn lạnh

– Dễ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp, thường xuyên thiếu năng lượng

– Sưng phù, thường xảy ra ở mắt cá chân, bàn chân hoặc chân

Ở giai đoạn đầu, người bệnh có thể khó thở chỉ khi thực hiện các hoạt động gắng sức như leo dốc, leo cầu thang, làm việc nặng. Nhưng ở những giai đoạn sau, tình trạng khó thở tăng dần, người bệnh khó thở liên tục, ngay cả khi nghỉ ngơi.

Bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính là gì?

Bệnh phổi mãn tính là tình trạng tăng các đáp ứng đường thở khiến đường thở từ phổi bị tắc nghẽn.

2. Nguyên nhân gây bênh COPD

Có nhiều nguyên nhân gây COPD, trong đó các nguyên nhân chính gồm:

2.1 Hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc là nguyên nhân quan trọng nhất gây bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính

Hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc là yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) ở hầu hết các quốc gia. Nguyên nhân này chiếm 90% nguy cơ mắc bệnh. Khoảng 15% người nghiện thuốc lá có triệu chứng lâm sàng COPD, đặc biệt là những người có tiền sử hút thuốc 40 bao/năm. Hút thuốc lá thụ động hoặc tiếp xúc với khói thuốc cũng làm gia tăng tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp, gây suy giảm chức năng của phổi.

Khi đo chức năng hô hấp, thể tích thở ra gắng sức (FEV – forced expiratory volume) thường ở mức thấp.

2.2 Rối loạn di truyền

Rối loạn di truyền rõ nhất và duy nhất của COPD được xác định là thiếu alpha-1 antitrypsin. Men alpha 1-antitrypsin là một loại protein quan trọng của cơ thể được gan sản xuất ra để bảo vệ phổi khỏi bị tổn thương. Tình trạng thiếu men alpha 1-antitrypsin xảy ra khi gan không khả năng sản xuất đủ loại protein này.

Những năm gần đây, đã có 30 biến thể di truyền có liên quan đến COPD được tìm thấy nhưng không có kết quả nào được chứng minh là có hậu quả như alpha-1 antitrypsin.

Thiếu men alpha 1-antitrypsin chiếm khoảng dưới 1% số trường hợp bị COPD ở Mỹ. Tình trạng này là nguyên nhân gây ra khí phế thũng ở những người trẻ tuổi không hút thuốc lá, tăng rõ ở người hút thuốc lá. Độ tuổi khởi phát trung bình của khí phế thũng ở người không hút thuốc là 53 tuổi, ở những người hút thuốc là 40 tuổi.​

2.3 Ô nhiễm không khí

Ô nhiễm không khí và bụi nghề nghiệp (như bụi khoáng, bụi bông) hoặc hít phải các hóa chất (như cadmium) góp phần là tăng nguy cơ gây COPD.

2.4 Tăng nhạy cảm đường hô hấp

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính thường bị tăng nhạy cảm đường hô hấp. Khi đó đường hô hấp phản ứng quá mức với những chất kích thích từ không khí, chẳng hạn như khói thuốc lá và chất ô nhiễm.

Theo một nghiên cứu, bệnh nhân tăng nhạy cảm đường hô hấp và có hút thuốc sẽ tăng nguy cơ bị COPD và dễ bị suy giảm chức năng phổi.

Nguyên nhân gây tắc nghẽn phổi mãn tính

Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

3. Các giai đoạn phát triển của bệnh COPD

3.1 Giai đoạn 1

Ở giai đoạn 1, người bệnh có thể một số dấu hiệu cơ bản nhưng không đặc trưng như:

– Ho khan hoặc ho có đờm kéo dài

– Mệt mỏi

– Khó thở khi gắng sức

Chỉ số đo chức năng hô hấp ở giai đoạn 1 bằng hoặc dưới 80% thể tích thở ra trong một giây.

3.2 Giai đoạn 2

Ở giai đoạn này, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính bắt đầu ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày. Các triệu chứng gồm:

– Ho có đờm, tình trạng này thường xảy ra vào buổi sáng

– Mệt mỏi

– Khó thở, thở khò khè

Khó ngủ

– Giảm trí nhớ

Chỉ số khi đo chức năng hô hấp đạt từ 50% đến 79% thể tích thở ra/giây.

3.3 Giai đoạn 3

Ở giai đoạn này, chỉ số đo chức năng hô hấp còn khoảng 30 – 50%. Các triệu chứng biểu hiện nghiêm trọng hơn như:

– Thường xuyên ho

– Dễ nhiễm trùng đường hô hấp

– Nhức đầu vào buổi sáng

– Nhịp thở nhanh

– Thiếu tỉnh táo

– Môi hoặc móng tay dần chuyển sang màu xanh lam

– Đau do chân sưng

3.4 Giai đoạn 4

Những tổn thương phổi ở giai đoạn này sẽ khó có thể phục hồi. Những triệu chứng COPD ở giai đoạn 4 gồm:

– Cảm giác khó thở khi nghỉ ngơi

– Sụt cân bất thường

– Đau nhức đầu

– Khó thực hiện các công việc và sinh hoạt hàng ngày

– Tăng huyết áp, nhịp tim

– Nhiễm trùng nặng

– Các đợt khó thở cấp có thể nặng hơn và gây tử vong

Chỉ số đo chức năng hô hấp ở giai đoạn này thường ở mức 30% hoặc ít hơn.

4. Điều trị COPD như thế nào?

Tổn thương phổi do COPD gây ra là khó có thể chữa khỏi, nhưng nếu điều trị sớm có thể giúp làm chậm tiến triển của tình trạng này. Tiên lượng ở giai đoạn 1 và 2 của bệnh thường cao hơn và dễ kiểm soát hơn. Tuy nhiên nếu không được điều trị kịp thời và hiệu quả, bệnh có thể chuyển sang giai đoạn 3 và 4, gây nhiều khó khăn cho việc điều trị.

Phương pháp điều trị COPD cơ bản bao gồm:

4.1 Ngừng hút thuốc rất quan trọng với người bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính

Đây là biện pháp quan trọng nhất người bệnh cần thực hiện để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

4.2 Sử dụng các loại thuốc

– Sử dụng ống hít và thuốc: Đây là biện pháp điều trị chủ yếu giúp bệnh nhân bị COPD thở dễ dàng hơn. Các loại thuốc giúp cải thiện tình trạng hô hấp thường dùng là thuốc giãn phế quản và corticoid.

– Kháng sinh: Kháng sinh thường được sử dụng khi người bệnh có các dấu hiệu của nhiễm khuẩn đường hô hấp, đặc biệt ở phế quản – phổi.

– Các thuốc hỗ trợ: Các loại thuốc long đờm, bổ sung dinh dưỡng và điều trị các bệnh lý đi kèm sẽ giúp người bệnh nhanh cải thiện triệu chứng hơn.

Điều trị bệnh tắc nghẽn mãn tính ở phổi

Thăm khám và điều trị tại chuyên khoa hô hấp giúp kiểm soát bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

4.3 Thở oxy, thở máy

Nếu tình trạng bệnh trở nên trầm trọng, người bệnh có thể được thở oxy hoặc thở máy.

4.4 Phục hồi chức năng phổi

Quá trình phục hồi chức năng phổi bao gồm các bài tập thể dục, tập thở, tập ho hiệu quả, giáo dục sức khoẻ…

4.5 Phẫu thuật

Tuy là phương pháp mang nhiều rủi ro nhưng phẫu thuật vẫn được lựa chọn trong các trường hợp bóng khí lớn hoặc có biến chứng tràn khí màng phổi.

Như vậy, bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính là một bệnh lý nguy hiểm có thể gây nhiều biến chứng cho người bệnh, cần phát hiện sớm và kiểm soát kịp thời để tránh gây ảnh hưởng đến tính mạng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital