Trật khớp cổ tay, cổ chân, trật khớp vai hoặc trật khớp gối có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, đi lại, tập luyện thể thao,… Nếu không được điều trị hiệu quả có thể dẫn đến một số biến chứng nghiêm trọng, ảnh hưởng tới chức năng tay và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Menu xem nhanh:
1. Trật khớp cổ tay là gì?
Trật khớp cổ tay là tình trạng các đầu xương cổ tay bị di chuyển bất thường chệch (trật) ra khỏi vị trí bình thường trong ổ khớp.
2. Nguyên nhân
Chấn thương trực tiếp: Nguyên nhân phổ biến nhất của trật khớp cổ tay là do va đập hoặc lực mạnh tác động trực tiếp vào cổ tay, chẳng hạn như ngã chống tay hoặc va đập trong thể thao.
Chấn thương gián tiếp: Những hoạt động tạo ra áp lực lớn lên cổ tay như nâng vật nặng, hoặc các động tác lặp đi lặp lại có thể dẫn đến trật khớp.
Tai nạn giao thông: Các vụ tai nạn giao thông cũng có thể dẫn đến trật khớp do tác động mạnh hoặc tư thế không tự nhiên khi va chạm.
Thoái hóa khớp: Những người bị thoái hóa khớp cổ tay hoặc viêm khớp có nguy cơ cao hơn bị trật khớp do cấu trúc xương và sụn yếu.
3. Những đối tượng thường gặp và nguy cơ
3.1 Những ai hay bị trật khớp cổ tay?
Người làm công việc liên quan đến hoạt động tay nhiều như: vận động viên, nhạc công, công nhân, nhân viên văn phòng
Làm các công việc liên quan đến nâng vật nặng: công nhân xây dựng, thợ cơ khí, nhân viên giao hàng
Nghề nghiệp khác: bác sĩ phẫu thuật, nhân viên vệ sinh,…
3.2 Yếu tố nguy cơ
Một số yếu tố dưới đây có thể làm tăng nguy cơ trật khớp cổ tay:
– Từng bị chấn thương ở cổ tay
– Thiếu hụt vitamin D và canxi
– Nữ giới thường có nguy cơ bị trật khớp cổ tay cao hơn nam giới.
4. Dấu hiệu nhận biết
Khi bị trật khớp cổ tay người bệnh có thể phát hiện bằng mắt thường:
Bàn tay bị lệch hẳn, không xoay cổ tay được, cố gắng cầm nắm mọi vật sẽ đều rất ngượng và cảm thấy khó chịu.
Đau đớn: Đau nhức là triệu chứng rõ rệt nhất, có thể tăng lên khi cố gắng di chuyển cổ tay hoặc ngón tay.
Sưng tấy: Vùng cổ tay bị trật thường sưng tấy do viêm và tụ máu.
Bầm tím: Vùng da xung quanh cổ tay có thể bị bầm tím do vỡ mạch máu nhỏ.
Tê và yếu: Cảm giác mềm khi sờ vào cổ tay. Một số trường hợp, người bệnh có thể cảm thấy tê hoặc yếu ở bàn tay và ngón tay do dây thần kinh bị chèn ép.
5. Điều trị hiệu quả
Đa số các trường hợp bị trật khớp cổ tay sẽ lành lại hoàn toàn nếu người bệnh được điều trị kịp thời và hiệu quả. Vì vậy, nếu nghi ngờ bị trật khớp cổ tay hãy đi khám ngay với bác sĩ để được chẩn đoán bằng cách chụp chiếu và có thể kê đơn thuốc hoặc phẫu thuật điều trị càng sớm càng tốt.
5.1 Chẩn đoán
Khám lâm sàng: Bác sĩ sẽ kiểm tra trực tiếp vùng cổ tay và xem xét các triệu chứng gợi ý trật khớp trên lâm sàng như sưng, đau, biến dạng,..
Chụp chiếu: chụp X quang sẽ giúp xác định mức độ trật khớp, loại trừ các tổn thương khác như gãy xương. Trong một số trường hợp tổn thương phức tạp cần đánh giá và loại trừ tổn thương ở dây chằng, sụn, mô mềm, bác sĩ có thể chỉ định chụp cộng hưởng từ MRI hoặc chụp cắt lớp vi tính CT-scan để chẩn đoán chính xác.
5.2 Điều trị trật khớp cổ tay
Cách điều trị khớp cổ tay hiện nay bao gồm: nắn chỉnh, bó bột hoặc nẹp, sử dụng thuốc, tập vật lý trị liệu.
Nắn chỉnh: bác sĩ sẽ nắn chỉnh các đầu xương về vị trí bình thường trong ổ khớp.
Bó bột hoặc nẹp: bó bột hoặc nẹp giúp cố định cổ tay của người bệnh trong quá trình lành lại.
Sử dụng thuốc: thuốc giảm đau và thuốc chống viêm được chỉ định để làm giảm cơn đau và giảm sưng tấy.
Tập vật lý trị liệu: giúp phục hồi lại chức năng của cổ tay, bàn tay và cánh tay, đồng thời rút ngắn quá trình hồi phục.
6. Biến chứng nguy hiểm
Nếu không được điều trị hiệu quả, trật khớp cổ tay có thể dẫn tới một số biến chứng nghiêm trọng như:
Cứng khớp: Khiến người bệnh khó khăn trong việc cử động cổ tay để thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày như cầm nắm các vật dụng.
Thoái hóa khớp: trật khớp gây tổn thương sụn khớp, lâu dài dẫn đến thoái hóa khớp theo thời gian.
Yếu cơ: trật khớp khiến cơ bắp xung quanh cổ tay bị yếu đi do ít được sử dụng.
Hội chứng ống cổ tay: chèn ép dây thần kinh gây đau nhức, tê bì.
Nhiễm trùng, hoại tử xương: nhiễm trùng tại chỗ hoặc lan rộng đến các bộ phận khác của cơ thể, đe dọa tính mạng.
Hội chứng khoang: trật khớp không điều trị có thể gây tổn thương mạch máu, làm giảm lưu thông máu, có thể dẫn đến tổn thương mô vĩnh viễn và thậm chí người bệnh có thể tử vong.
7. Ứng phó (sơ cứu ban đầu) khi bị trật khớp
Nếu bạn đang làm việc, sinh hoạt hoặc tham gia giao thông thì hãy dừng lại mọi hoạt động và đi đến nơi an toàn. Không di chuyển tay để tránh tác động xấu lên vết thương vì điều này có thể khiến tổn thương trở nên nặng hơn, gây đau đớn hơn cho người bệnh.
Tự chấn an bản thân hoặc chấn an tinh thần người bị trật khớp tay. Ngồi nghỉ ngơi kê cao tay lên vị trí bằng phẳng và nhờ người thân hoặc bạn bè giúp sơ cứu vết thương.
Có thể chườm lạnh lên chỗ bị đau để làm dịu cơn đau nhức và làm giảm sưng nề.
Nếu vùng tổn thương bị bẩn có thể dùng nước sạch hoặc nước muối sinh lý dội rửa sạch nhẹ nhàng sau đó đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.