Virus sốt xuất huyết Dengue là thành viên của chi Flavivirus trong họ Flaviviridae, là nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết – Một trong những bệnh có tính tạo dịch do khả năng lây truyền.
Menu xem nhanh:
1. Virus Dengue – Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết
1.1 Con đường lây truyền của virus Dengue gây sốt xuất huyết ở người
Virus sốt xuất huyết Dengue lây truyền theo chu kỳ lây truyền từ người sang muỗi sang người, với muỗi Aedes aegypti là vật trung gian truyền bệnh chính. Những con muỗi này sống gần con người ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới. Muỗi cái Aedes aegypti trở thành vật trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết sau khi hút máu người bị nhiễm virus sốt xuất huyết. Muỗi bị nhiễm bệnh tiếp tục truyền bệnh sốt xuất huyết qua mỗi bữa ăn hút máu trong suốt quãng đời còn lại của chúng.
1.2 Virus sốt xuất huyết Dengue hoạt động thế nào khi lây truyền qua muỗi?
Sau khi muỗi hút máu người nhiễm virus sốt xuất huyết, cụ thể là khi người bệnh có nồng độ virus sốt xuất huyết cao trong máu, virus sẽ xâm nhập vào hệ thống của muỗi thông qua quá trình hút máu. Sau thời gian từ 8 đến 12 ngày, muỗi bị nhiễm bệnh, virus sẽ có trong tuyến nước bọt của muỗi. Và virus di chuyển từ tuyến nước bọt của muỗi sang người khỏe mạnh thông qua quá trình hút máu. Muỗi sẽ tiêm nước bọt của nó vào vật chủ là người để ngăn máu của vật chủ đông lại và giúp dễ dàng hút máu. Quá trình tiêm nước bọt này sẽ lây nhiễm virus sốt xuất huyết sang vật chủ
1.3 Virus gây sốt xuất huyết Dengue hoạt động như thế nào khi xâm nhập vào cơ thể con người?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, sốt xuất huyết có thời gian ủ bệnh từ khoảng 4-10 ngày sau khi bị muỗi nhiễm bệnh đốt, và diễn biến theo 3 giai đoạn bệnh là sốt, nguy hiểm và phục hồi.
Khi virus đã thâm nhập được vào cơ thể con người và phát bệnh, thông thường bạn sẽ có các triệu chứng điển hình của sốt xuất huyết như là: Sốt cao (40 độ C) đi kèm với ít nhất hai triệu chứng khác như: Nhức đầu, đau hốc mắt, buồn nôn, nôn, nổi hạch, đau xương, đau khớp, phát phan. Các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết Dengue thường kéo dài trong vòng 2-7 ngày và sau đó dần biến mất.
Ở một vài trường hợp sốt xuất huyết chuyển sang giai đoạn nặng dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm thậm chí là gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
1.3 Các tuýp virus Dengue
Nhiễm trùng sốt xuất huyết do 4 loại virus có liên quan chặt chẽ với nhau có tên là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4 gây ra. Bốn loại virus này được gọi là kiểu huyết thanh vì mỗi loại có những tương tác khác nhau với các kháng thể trong huyết thanh của người.
Bốn loại virus sốt xuất huyết Dengue này có chung khoảng 65% bộ gen, người bệnh có thể mắc lần lượt từng kiểu huyết thanh trong cuộc đời. Khi bệnh nhân nhiễm với chủng virus nào thì sẽ có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng virus đó.
Nhiều nghiên cứu đã nhận định rằng những lần nhiễm bệnh tiếp theo có thể khiến các cá nhân có nguy cơ mắc bệnh sốt xuất huyết nặng hơn những người chưa từng bị nhiễm bệnh trước đó.
Hiện nay cả 4 tuýp huyết thanh sốt xuất huyết đều lưu hành cùng nhau ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên khắp thế giới. Theo tạp chí khoa học quốc tế của Anh – Nature, virus sốt xuất huyết đầu tiên được các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng virus sốt xuất huyết đã tiến hóa từ các loài linh trưởng không phải người và truyền từ các loài linh trưởng này sang người ở Châu Phi hoặc Đông Nam Á từ 500 đến 1.000 năm trước.
2. Bảo vệ bản thân, gia đồng và cộng đồng khỏi virus sốt xuất huyết
Tránh được virus sốt xuất huyết nghĩa là bạn tránh mắc bệnh sốt xuất huyết Dengue. Hãy làm theo những lời khuyên dưới đây để bảo vệ bạn, gia đình, bạn bè và cộng đồng khỏi bệnh sốt xuất huyết.
2.1 Loại bỏ những nơi là địa điểm lý tưởng sinh sản của muỗi
Muỗi cái thường đẻ trứng trên mặt nước bên trong những vật dụng chứa nước, đây là địa điểm lý tưởng để muỗi sinh sôi mạnh, trứng nhanh chóng tiến triển thành ấu trùng, nhộng. Các giai đoạn này đều cần thực hiện dưới nước. Sau khi trở thành nhộng 2 ngày, một con muỗi trưởng thành sẽ phát triển đầy đủ sẽ phá nhộng và bay, sống trên môi trường cạn.
Vậy nên loại bỏ những địa điểm sinh sản và trú ngụ của muỗi sẽ giúp giảm số lượng muỗi trưởng thành xuất hiện và gia tăng khả năng lây truyền:
– Đậy kín bể chứa nước của gia đình, vệ sinh chậu rửa, chai lọ chứa nước thường xuyên
– Đối với những vật dụng ở ngoài trời không sử dụng như lốp xe, thùng chứa nước, thu nước mưa, chai lọ, lon bỏ đi nên được loại bỏ đúng cách.
2.2 Ngăn ngừa muỗi đốt
Tránh để cơ thể bạn bị muỗi đốt là một trong những cách phòng tránh giảm thiểu nguy cơ mắc căn bệnh này. Bạn có thể sử dụng các sản phẩm xịt muỗi, thiết bị bắt muỗi, diệt muỗi, các sản phẩm hương nhang muỗi thiên nhiên an toàn cho sức khỏe, các sản phẩm xịt muỗi lành tính xịt trên da… Ngoài ra bạn cũng nên ngủ trong màn, hoặc lắp đặt cửa chống muỗi nếu nhà nằm ở những khu vực nhiều mương, cống…
Nếu bạn bị sốt xuất huyết hãy bảo vệ người khác bằng cách chủ động nằm màn, xịt muỗi để không lây bệnh sốt xuất huyết sang muỗi, từ đó có thể truyền bệnh cho người khác.
2.3 Tuân thủ những khuyến cáo trong phòng tránh bệnh sốt xuất huyết của chính quyền
Người dân nên chủ động phối hợp với chính quyền, ngành y tế trong các đợt kiểm tra, xử lý muỗi, lăng quăng, bọ gậy… như phun hóa chất phòng chống côn trùng, dọn dẹp vệ sinh đường làng ngõ xóm. Đặc biệt bản thân phải chủ động xây dựng ý thức sống xanh sạch đẹp bằng cách không xả thải bừa bãi, phân loại và để rác đúng nơi quy định tránh tạo môi trường sống lý tưởng cho muỗi sinh sôi, và gây bùng phát dịch trên diện rộng.