Tìm hiểu về bệnh ung thư phổi tế bào không nhỏ

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKI

Lê Văn Bảo

Trưởng khoa Ung Bướu

Ung thư phổi tế bào không nhỏ là loại ung thư phổi phổ biến nhất, chiếm khoảng 85% tất cả các trường hợp ung thư. Cùng tìm hiểu cụ thể về loại ung thư này qua bài viết dưới đây.

Ung thư phổi tế bào không nhỏ là gì?

Tên của các loại ung thư phổi này bắt nguồn từ việc quan sát các tế bào ung thư phổi dưới kính hiển vi, một số dạng ung thư sẽ có những tế bào nhỏ nên gọi là ung thư phổi tế bào nhỏ và một số khác sẽ có tế bào lớn hơn gọi là ung thư phổi không tế bào nhỏ hay ung thư phổi tế bào không nhỏ.

Ung thư phổi không tế bào nhỏ có thể nằm ở giữa ngực, nhưng dạng ung thư này cũng thường được tìm thấy ở các phần khác của phổi. Ung thư phổi tế bào không nhỏ còn được chia nhỏ ra thành các dạng khác bao gồm ung thư tuyến (chiếm 70% số trường hợp ung thư tế bào không nhỏ), ung thư biểu mô tế bào vảy, và một loại khác ít phổ biến hơn là ung thư biểu mô đại bào, khối u ngoại vi, và ung thư tế bào vảy tuyến.

Dấu hiệu ung thư phổi không tế bào nhỏ

Những triệu chứng ung thư phổi không tế bào nhỏ rất khó để nhận thấy khi ở những giai đoạn sớm. Theo thống kê, có khoảng 60% số người bị ung thư phổi tế bào không nhỏ được chẩn đoán ở giai đoạn muộn.

Các dấu hiệu ở giai đoạn tiến triển bao gồm:

  • Ho
  • Khó thở, đặc biệt là khi gắng sức
  • Mệt mỏi
  • Sụt cân
  • Ăn không ngon miệng
  • Đôi khi đau ngực dữ dội và ho ra máu

Điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ

Tùy từng giai đoạn ung thư, thể trạng bệnh nhân và các yếu tố khác mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị cụ thể:

  • Phẫu thuật: phương pháp này thường áp dụng cho những bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn sớm. Phẫu thuật thường bao gồm: cắt bỏ phân đoạn, cắt thùa, cắt bỏ toàn bộ phổi. Sau phẫu thuật, các phương pháp điều trị bổ trợ bao gồm: hóa trị, xạ trị.
  • Xạ trị: xạ trị sử dụng tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư. Nó thường được kết hợp với hóa trị liệu, và có thể thực hiện trước phẫu thuật nhằm thu nhỏ khối u, giúp phẫu thuật thực hiện dễ dàng hơn; hoặc sau phẫu thuật để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại, giảm nguy cơ tái phát.

Xạ trị sử dụng tia năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư.

  • Hóa trị: là một biện pháp điều trị toàn thân, sử dụng thuốc chống ung thư (gây độc tế bào) để tiêu diệt tế bào ung thư hoặc ngăn chặn chúng phân chia. Thuốc được tiêm trực tiếp vào tĩnh mạch, hoặc đi vào cơ thể qua đường uống. Cũng tương tự như xạ trị, hóa trị có thể đưa ra trước hoặc sau phẫu thuật nhằm tăng hiệu quả của điều trị. Hóa trị có thể sử dụng 1 mình, hoặc kết hợp xạ trị cho những bệnh nhân không có khả năng phẫu thuật, ung thư phổi giai đoạn muộn, nhằm giảm triệu chứng, kiểm soát sự lây lan của bệnh.
  • Liệu pháp miễn dịch: nếu khối u không có những đột biến về mặt di truyền, thì bệnh nhân có thể được sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch – một biện pháp điều trị khác cho kết quả điều trị tốt hơn so với hóa trị.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital