Tuyến thượng thận gồm 2 tuyến nhỏ tam giác nằm trên đầu của cả 2 thận. Các tuyến thượng thận sản xuất ra hormone có nhiệm vụ điều chỉnh sự trao đổi chất, hệ thống miễn dich, huyết áp và một số chức năng khác. Hội chứng suy tuyến thượng thận là tình trạng cơ quan này không sản xuất đủ hormone.
Menu xem nhanh:
1. Tìm hiểu tổng quan về hội chứng suy tuyến thượng thận
Suy tuyến thượng thận là một rối loạn khá hiếm gặp, nguyên nhân có thể do:
– Bệnh của tuyến thượng thận – suy tuyến thượng thận nguyên phát.
– Bệnh ở vùng dưới đồi, tuyến yên
– Sử dụng thuốc corticoids kéo dài – suy tuyến thượng thận thứ phát
Với cơn suy tuyến thượng thận cấp, người bệnh cần được truyền dung dịch nước muối sinh lý càng sớm càng tốt. Sau đó, bác sĩ điều trị chuyên khoa nhằm điều chỉnh nước và điện giải, bổ sung hormone thay thế đồng thời theo dõi liên tục tình trạng bệnh. Khi qua cơn nguy kịch, người bệnh cần tiếp tục được theo dõi các dấu hiệu sinh tồn. Khi có dấu hiệu tái phát, cần được xử trí sớm, phù hợp. Ngoài ra, bệnh nhân sẽ được chăm sóc, điều trị nâng cao và bổ sung các vitamin thiết yếu.
Một số dấu hiệu cảnh báo hội chứng suy tuyến thượng thận cấp bao gồm:
– Da nhợt nhạt, lạnh, cảm giác nhớp nháp khó chịu.
– Nôn mửa liên tục, tiêu chảy nặng, kéo dài.
– Thở nhanh, khó thở, chóng mặt, kèm đau đầu dữ dội.
– Suy yếu cơ bắp nghiêm trọng, một số trường hợp mất ý thức.
Lưu ý rằng, 24 giờ đầu tiên khi dấu hiệu suy tuyến thượng thận cấp xuất hiện là giai đoạn nguy hiểm nhất. Tình trạng mất nước, sốt cao, mất tri giác, … có thể xảy ra bất kỳ thời điểm nào. Người bệnh cần được nhập viện để theo dõi, làm xét nghiệm kiểm tra để đánh giá tình trạng bệnh.
2. Nguyên nhân
2.1. Nguyên nhân gây ra suy tuyến thượng thận nguyên phát
Nguyên nhân phổ biến của suy tuyến thượng thận nguyên phát là do bệnh tự miễn dịch. Có nghĩa là hệ thống phòng thủ của cơ thể tấn công và phá hủy các mô trong chính cơ thể. Khi tuyến thượng thận tổn thương, chúng không thể sản sinh ra cortisol và aldosterone.
Chuyên gia TCI cho biết một số nguyên nhân khác bao gồm:
– Chảy máu trong các tuyến
– Nhiễm trùng
– Bệnh di truyền
– Di chứng của phẫu thuật cắt bỏ tuyến thượng thận
2.2. Nguyên nhân gây ra suy tuyến thượng thận thứ phát
Suy tuyến thượng thận thứ phát là tình trạng tuyến yên không sản xuất đủ hormone ACTH khiến cơ quan này không sản xuất được đủ cortisol. Bác sĩ Nội tiết cho biết một số nguyên nhân gây ra bao gồm:
– U tuyến yên
– Tuyến yên bị cắt bỏ hoặc điều trị bằng bức xạ
– Các bộ phận ở vùng dưới đồi bị loại bỏ
– Bệnh ung thư di căn sang tuyến thượng thận
Một nguyên nhân phổ biến ở Việt Nam còn do thói quen lạm dụng corticoid kéo dài, thường gặp ở người bị hen suyễn, viêm khớp dạng thấp.
3. Biến chứng
Dưới đây là một số biến chứng mà suy tuyến tuyến thượng thận mạn tính có thể gây ra cho người bệnh:
3.1. Cơn suy tuyến thượng thận cấp
Đây là một trong những biến chứng nghiêm trọng nhất mà suy tuyến thượng thận mạn gây ra. Khi tuyến thượng thận bị suy giảm chức năng đột ngột, việc bài tiết hormone vào dòng tuần hoàn không đủ đáp ứng nhu cầu. Triệu chứng gồm:
– Trụy tim mạch
– Tụt huyết áp nhanh
– Tay chân lạnh
– Mạch nhỏ, nhanh, khó bắt
– Không đáp ứng với điều trị bằng bù dịch và thuốc vận mạch
– Buồn nôn, nôn ói, chóng mặt
– Mệt mỏi, tình trạng loạn lẫn
– Một số người bị hôn mê sâu
3.2. Hội chứng suy tuyến thượng thận khiến huyết áp thấp
Người mắc căn bệnh này thường có huyết áp thấp kéo dài hoặc tụt huyết áp một cách bất thường. Huyết áp của người bệnh thường giảm khi họ đổi tư thế từ nằm sang ngồi, từ ngồi sang đứng. Biểu hiện cảnh báo của tình trạng này bao gồm:
– Hoa mắt
– Choáng váng
– Buồn nôn
– Nôn
3.3. Hội chứng suy tuyến thượng thận khiến người bệnh mệt mỏi mạn tính
Mệt mỏi là biểu hiện xuất hiện sớm trong quá trình suy thượng thận mạn tính. Triệu chứng này thường mơ hồ, dễ nhầm lẫn nên nhiều người bỏ qua.
Nguyên nhân gây ra triệu chứng này là do khi thiếu cortisol, toàn bộ quá trình chuyển hóa năng lượng bị gián đoạn, dẫn đến cảm giác mệt mỏi, uể oải cả thể xác lẫn tinh thần.
3.4. Sút cân
Cortisol đảm nhận vai trò chuyển hóa năng lượng nên khi thiếu nó, cơ thể dễ sút cân, gầy gò. Người bệnh có thể giảm từ 2 đến 10kg trong thời gian ngắn do mất nước, muối thông qua đường tiểu.
3.5. Rối loạn tiêu hoá
Suy giảm chức năng tuyến thượng thận cũng đồng thời làm giảm chất lượng chức năng hệ tiêu hóa. Bệnh nhân có thể trải qua một số dấu hiệu như sau:
– Đau bụng âm ỉ, cơn đau râm ran không rõ ràng
– Buồn nôn
– Nôn
– Tiêu chảy
3.6. Tăng sắc tố da
Da của người bệnh có thế trở nên đen sạm, thâm, không đồng đều. Vùng da thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có xu hướng thay đổi nhiều hơn.
3.7. Suy giảm chức năng sinh dục
Thiếu cortisol có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh dục ở cả người bệnh nam và nữ. Biểu hiện ở nam giới có thể giảm ham muốn, rối loạn cương dương. Ở phụ nữ có thể xuất hiện thêm tình trạng lão hóa sớm.
3.8. Các biến chứng khác
Một số biến chứng khác mà người bệnh cần lưu ý bao gồm:
– Hạ đường huyết
– Rối loạn tâm thần
– Đau nhức xương khớp
– Nhiều biến chứng nghiêm trọng đến chức năng tiêu hóa và sinh dục
4. Phòng ngừa
Đây là căn bệnh ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cũng như cuộc sống của người bệnh. Từ nguyên nhân gây ra bệnh, mỗi người cần chú ý đến các vấn đề sau đây để phòng ngừa:
– Sử dụng corticoid: dù mắc bệnh gì, khi chưa có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh không được tự ý uống thuốc hay các loại thuốc có thành phần corticoid.
– Trường hợp bắt buộc phải sử dụng corticoid, người bệnh cần tái khám đúng lịch hẹn của bác sĩ. Bên cạnh đó, khi cơ thể xuất hiện các triệu chứng khác thường cần báo với bác sĩ để điều chỉnh thuốc cũng như phác đồ điều trị.
– Với những người đã bị suy tuyến thượng thận thì tình trạng suy tuyến thượng thận cấp vô cùng nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng. Người bệnh lưu ý phải luôn mang theo thuốc corticoid bên cạnh và tuân thủ liều lượng bác sĩ đề ra.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về bệnh, hi vọng bạn đọc sẽ có thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe, ngăn ngừa bệnh cho bản thân và những người xung quanh.