Tìm hiểu bệnh lý viêm amidan hốc mủ

Tham vấn bác sĩ
Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ

Dương Văn Tiến

Trưởng phòng khám Tai mũi họng Cơ sở 286 Thụy Khuê

Viêm amidan hốc mủ là một trong những yếu tố gia tăng nguy cơ ung thư vòm họng nếu không được điều trị kịp thời. Vậy nguyên nhân gây bệnh và mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe của bệnh như thế nào?

1. Viêm amidan hốc mủ là gì?

Viêm amidan hốc mủ là hệ quả của viêm amidan kéo dài

Viêm amidan hốc mủ là hệ quả của viêm amidan kéo dài

Viêm amidan hốc mủ là một dạng viêm amidan không phổ biến nhưng dễ tái phát nhiều lần. Đây thường là hệ quả của các đợt viêm amidan mạn tính kéo dài không điều trị triệt để.

Khi viêm amidan chuyển sang giai đoạn hốc mủ, người bệnh sẽ có những triệu chứng điển hình như:

– Họng đau rát: Các cơn đau họng tăng hẳn về mức độ so với thời gian đầu amidan bị viêm. Các cơn đau thường sẽ lan rộng sang mang tai, cảm nhận rõ rệt khi hắt hơi, ho, nhai và nuốt thức ăn.

– Những hốc mủ trắng. Amidan thường sẽ sưng to, đỏ và có những vùng trắng gọi là hốc mủ. Các hốc mủ không chỉ xuất hiện trên bề mặt amidan mà còn xuất hiện xung quanh amidan tạo nên những màng trắng bao quanh.

– Sốt: Đây là phản ứng của cơ thể khi có những ổ viêm. Tình trạng viêm càng gia tăng, mức độ sốt càng nhiều hơn.

– Hơi thở hôi. Hơi thở hôi do sự phát triển của vi khuẩn tại các hốc mủ sinh hợp chất khí sunfua gây mùi trứng thối. Mức độ khó chịu này càng nhiều hơn khi tổn thương lớn và lan rộng. Khạc nhổ có thể ra những hạt tấm màu trắng có mùi hôi.

Ngoài ra, người bệnh còn có cảm giác nuốt vướng, nhai đau và có các triệu chứng đau đầu, mệt mỏi.

2. Nguyên nhân gây bệnh

Hình ảnh viêm amidan bắt đầu xuất hiện các hốc mủ trắng

Hình ảnh viêm amidan bắt đầu xuất hiện các hốc mủ trắng

Viêm amidan dạng hốc mủ là hệ quả trực tiếp của viêm amidan cấp tính hoặc mạn tính. Trong đó, các yếu tố sau đây là yếu tố gia tăng nguy cơ tiến triển bệnh:

– Vị trí của amidan dễ gây nhiễm khuẩn do tiếp xúc trực tiếp với không khí, thức ăn,…. là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn có hại phát triển.

– Vệ sinh răng miệng không tốt khiến vi khuẩn gia tăng và tấn công răng miệng và vùng tai mũi họng.

– Có sẵn các bệnh lý về tai mũi họng, điển hình là viêm amidan, viêm xoang,….Ngoài ra, do cấu tạo vùng tai, mũi và họng thông nhau, vì vậy viêm nhiễm ở một khu vực sẽ nhanh chóng lan tới hai khu vực còn lại.

– Môi trường sống ô nhiễm. Theo thống kê, người sống trong môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, hóa chất có tỷ lệ mắc bệnh hô hấp, tai mũi họng tăng vọt so với các khu vực khác, đặc biệt các bệnh lý liên quan tới amidan.

– Ngoài ra, thói quen hút thuốc lá, thường xuyên dùng rượu bia, ăn thức ăn cay nóng hoặc uống quá lạnh đều khiến cho tình trạng viêm dễ tái phát.

3. Những ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh lý tới sức khỏe

Người bị viêm amidan hốc mủ hoàn toàn có thể phục hồi nếu được điều trị đúng cách và kiên trì. Ngược lại, nếu không điều trị dứt điểm thì những hốc mủ vùng amidan rất có thể sẽ biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

3.1.Biến chứng các vùng xung quanh

Biến chứng dễ nhận thấy nhất của bệnh lý này chính là gây nên tình trạng nuốt khó, nuốt vướng. Các vùng viêm trên amidan để lại sẹo khiến niêm mạc bị thay đổi cấu trúc bề mặt gây vướng khi nuốt. Đặc biệt khi thức ăn di chuyển qua các khu vực này còn gây nên tình trạng đau rát cổ họng. Không ít bệnh nhân còn gặp tình trạng giọng nói biến đổi, khàn đặc và giảm âm lượng khi nói.

Viêm amidan hốc mủ tiến triển tới mũi gây viêm xoang, tới vùng tai gây viêm tai ngoài, viêm tai giữa.

Người bị viêm amidan hốc mủ không điều trị có nguy cơ cao bị ung thư vòm họng. Nguyên nhân bởi các tế bào niêm mạc vùng họng bị tổn thương nặng nề là yếu tố kích thích ung thư phát triển.

3.2. Biến chứng toàn thân

Ngoài các biến chứng tại chỗ nêu trên thì những biến chứng viêm cầu thận, nhiễm khuẩn máu, phù nề chân tay hay viêm khớp,…. hoàn toàn có thể xảy ra. Khi amidan sưng nề chèn ép đường thở khiến phổi chịu áp lực nhiều hơn, một số bệnh nhân có tình trạng ngưng thở khi ngủ. Đây là những biến chứng toàn thân nguy hiểm và có thể đe dọa trực tiếp tới tính mạng người bệnh.

4. Điều trị viêm amidan hốc mủ có phải cắt bỏ không?

Uống đủ nước là biện pháp đơn giản nhưng hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả

Uống đủ nước là biện pháp đơn giản nhưng hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả

Điều trị amidan hốc mủ sẽ ưu tiên điều trị nội khoa bằng thuốc để giảm các triệu chứng gây viêm. Quá trình điều trị cần kết hợp với chế độ ăn uống và chăm sóc như:

– Vệ sinh răng miệng hằng ngày sau ăn và trước khi ngủ.

– Sử dụng nước muối sinh lý để súc miệng, giảm bớt vi khuẩn gây viêm.

– Không nên ăn đồ quá cứng, thức ăn quá mặn hoặc cay nóng.

– Bổ sung trái cây, rau xanh nhiều hơn trong chế độ ăn hàng ngày.

– Uống nhiều nước và nên sử dụng nước ấm, tránh nước quá lạnh hoặc quá nóng.

– Hạn chế nói to, ho nhiều.

– Bảo vệ đường thở (mũi, họng) khi tiếp xúc với môi trường có nhiều bụi bẩn, khí ô nhiễm.

– Đặc biệt cần tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ để kết quả điều trị tốt nhất

Khi quá trình điều trị kéo dài, nhiều người tỏ ra chán nản và muốn cắt amidan để nhanh chóng giải quyết tình trạng viêm nhiễm. Trên thực tế, cắt bỏ amidan là biện pháp cuối cùng sau khi đã thực hiện điều trị bằng các phương pháp trước đó.

Phẫu thuật cắt bỏ amidan tại bệnh viện ĐKQT Thu Cúc

Phẫu thuật cắt bỏ amidan tại bệnh viện ĐKQT Thu Cúc

Bác sĩ sẽ chỉ định loại bỏ amidan khi:

– Viêm tái phát nhiều lần và quá trình điều trị không mang lại kết quả tốt.

– Viêm kèm theo nổi hạch cổ gây đau đớn. Trong trường hợp này, người bệnh cần theo dõi sát sao để biết đây có phải dấu hiệu ung thư hay không.

– Biến chứng áp xe (mưng mủ) xung quanh amidan và có dấu hiệu ảnh hưởng nghiêm trong tới hô hấp.

– Bệnh lý gây suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng của cơ thể.

– Người ngoài 45 tuổi mắc bệnh được khuyến khích cắt amidan tránh biến chứng xơ dính.

Tuy nhiên nếu có bệnh lý nền về tim mạch, cao huyết áp và máu khó đông, bệnh nhân sẽ không được thực hiện cắt amidan.

Amidan hốc mủ không phải bệnh lý quá nguy hiểm và khó chữa. Tuy nhiên bệnh lý sẽ trở thành yếu tố đe dọa sức khỏe nếu không được can thiệp và điều trị sớm. Hi vọng những thông tin trên đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về bệnh lý này và có những định hướng đúng để điều trị hiệu quả.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital