Tiền sản giật là một biến chứng sản khoa cực kỳ nguy hiểm và là 1 trong 5 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở thai phụ. Cùng chúng tôi tìm hiểu kỹ hơn về hội chứng này qua bài viết dưới đây nhé!
Menu xem nhanh:
1. Hội chứng tiền sản giật
Tiền sản giật là một hội chứng bệnh của thai kỳ, do thai nghén gây ra, xảy ra vào nửa sau của thai kỳ đến 6 tuần sau sinh. Tình trạng xảy ra trước khi thai phụ lên cơn co giật, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mẹ và bé, thậm chí là gây tử vong.
Hội chứng tiền sản giật là dấu hiệu thông báo tình trạng tổn thương ở một số bộ phận, thường là thận. Bên cạnh thuyên tắc ối, vỡ tử cung, băng huyết và nhiễm trùng hậu sản thì đây còn là một trong những tai biến thai sản nguy hiểm hàng đầu với mẹ bầu.
2. Nguyên nhân gây bệnh
Trên thực tế, các bác sĩ chuyên khoa sản và các chuyên gia vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây ra hội chứng này. Tuy nhiên, người ta tìm thấy ở phần lớn các bà bầu mắc hội chứng này những điểm chung như sau:
– Mang bầu con so quá sớm (trước 17 tuổi) hoặc quá muộn (sau 36 tuổi)
– Mang bầu vào mùa lạnh ẩm
– Đa thai, đa ối
– Mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, thận, cao huyết áp, thừa cân béo phì… hoặc các hội chứng rối loạn máu khó đông, hoặc bệnh tự miễn như lupus ban đỏ…
– Gia đình (chị em ruột, dì ruột, mẹ, bà ngoại…) hoặc bản thân có tiền sử mắc tiền sản giật
– Thiếu máu cục bộ tử cung- nhau
– Mẹ nghiện thuốc lá
3. Dấu hiệu nhận biết tiền sản giật
Dưới đây là một vài dấu hiệu nhận biết điển hình, qua đó, các bà bầu có thể có sự chuẩn bị, phòng tránh hội chứng nguy hiểm này.
– Tăng huyết áp: Huyết áp tối thiểu tăng hơn 15mmHG và tối đa tăng hơn 30mmHg so với trị số huyết áp trước khi mang thai.
– Protein niệu: Là tình trạng dư thừa protein trong nước tiểu của sản phụ, đạt >0,3 – 0,5g/lit/24h.
– Phù trắng: Là hiện tượng mẹ bầu ấn vào vùng bị phù (thường là mặt trước xương chậu, mu chân, mu tay…), bị lõm, đàn hồi kém, khó lồi trở lại.
– Tăng cân đột ngột: Tăng hơn 0.5kg/tuần hoặc hơn 2kg/tháng
– Đau đầu dai dẳng: Đây là hiện tượng do tăng huyết áp gây nên.
– Suy giảm thị lực: Mắt mờ, nhạy cảm với ánh sáng…
– Buồn nôn, nôn mửa: Tình trạng buồn nôn kéo dài dù đã qua thời kỳ ốm nghén
– Khó thở: Khó thở, thở hụt hơi… cảnh báo phổi có chất lỏng tích tụ
4. Tiền sản giật ảnh hưởng thế nào tới mẹ và bé
Là một biến chứng thai sản cực kỳ nguy hiểm, nếu không được phát hiện và có phương án điều trị kịp thời, tiền sản giật sẽ gây ra những hệ lụy không ai mong muốn.
4.1. Ảnh hưởng đến mẹ
– Tăng nguy cơ rách nhau thai, nhau bong non (là hiện tượng nhau thai tách ra khỏi thành tử cung), khiến mẹ bầu bị băng huyết, dẫn đến sảy thai hoặc sinh non.
– Gây ảnh hưởng xấu đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể như xuất huyết não, phù não, phù võng mạc, phù thanh quản, phù phổi, suy thận cấp, hoại tử ống thận và vỏ thận, chức năng gan, tim bị suy giảm.
– Nguy cơ mắc hội chứng HELLP – nguyên nhân gây tử vong ở thai phụ với tỷ lệ lên đến hơn 35%
– Nguy cơ dẫn đến sản giật (co giật) – biến chứng sản khoa nguy hiểm hàng đầu, gây tử vong cho cả mẹ và thai nhi.
4.2. Ảnh hưởng đến bé
– Suy dinh dưỡng, nhẹ cân, do các động mạch máu cung cấp dinh dưỡng và oxy cho thai nhi bị ảnh hưởng.
– Ảnh hưởng tới thị lực và thính lực.
– Nguy cơ sinh non, gây ảnh hưởng tới hệ miễn dịch, khiến bé dễ mắc các bệnh lý về hô hấp, tiêu hóa, ảnh hưởng tới sự phát triển của bé sau sinh.
– Nguy cơ tử vong ngay sau sinh.
5. Các phương pháp giúp phát hiện bệnh
Xét nghiệm là bước rất đơn giản và quan trọng, giúp các chuyên gia đánh giá được nguy cơ và mức độ của bệnh. Do đó, các bác sĩ sẽ chỉ định những xét nghiệm sau:
5.1. Xét nghiệm máu
Xét nghiệm này giúp bác sĩ kiểm tra lượng tiểu cầu trong máu, hệ thống mạch máu của nhau thai và chức năng nội mô của mẹ. Đồng thời giúp bác sĩ đánh giá chức năng hoạt động của thận, gan, chức năng đông máu. Ngoài ra, xét nghiệm này giúp phát hiện tổn thương thận và nguy cơ hội chứng HELLP.
5.2. Xét nghiệm nước tiểu
Mục đích chính của xét nghiệm là kiểm tra lượng protein trong nước tiểu trong 24 giờ.
5.3. Siêu âm thai
Ngoài xét nghiệm máu và nước tiểu, bác sĩ sẽ thực hiện siêu âm để theo dõi và có thêm đánh giá chính xác về sự phát triển của thai nhi, kiểm tra cân nặng của thai nhi, lượng ối và đo trở kháng động mạch tử cung của mẹ.
6. Các cách phòng tránh và điều trị bệnh
6.1. Phòng tránh tiền sản giật
– Khám thai định kỳ là khâu cơ bản và đơn giản nhất, giúp bác sĩ và bà bầu có thể theo dõi sát sao và quản lý sức khỏe thai kỳ.
– Thường xuyên theo dõi huyết áp và tiến hành xét nghiệm đo protein trong nước tiểu.
– Khi thai nhi được 12 – 14 tuần tuổi thì tiến hành làm xét nghiệm sàng lọc tiền sản giật.
– Xây dựng chế độ ăn đủ chất, đủ dinh dưỡng, bổ sung canxi, uống đủ nước, giảm muối trong bữa ăn.
– Luôn giữ ấm cho cơ thể.
– Không mang thai con đầu trước 17 tuổi hoặc sau 36 tuổi
– Tránh xa thuốc lá.
6.2. Điều trị tiền sản giật
Trường hợp mẹ bị nhẹ
– Theo dõi và điều trị nội trú, kiểm tra huyết áp 2 lần/ngày
– Hạn chế làm việc nặng, dành thời gian nghỉ ngơi, lưu ý nằm nghiêng trái
– Nếu tình trạng chuyển biến xấu thì phải nhập viện và điều trị tích cực.
– Giảm muối và tăng đạm trong bữa ăn, uống đủ 2 – 3 lít nước.
– Chấm dứt thai kỳ khi đã đủ tháng.
Trường hợp mẹ bị nặng
– Theo dõi và điều trị tích cực nội trú.
– Kiểm tra cân nặng và protein hằng ngày, đo huyết áp 4 lần/ngày.
– Thực hiện xét nghiệm Hct, đếm tiểu cầu.
– Siêu âm và theo dõi tim thai thường xuyên.
– Dành thời gian nghỉ ngơi, lưu ý nằm nghiêng trái.
– Bổ sung thuốc an thần (uống hoặc tiêm), thuốc hạ huyết áp, thuốc lợi tiểu, thuốc làm giãn các tiểu động mạch.
– Bác sĩ có thể sẽ chỉ định chấm dứt thai kỳ nếu cơ thể mẹ không đáp ứng điều trị.
– Ưu tiên đẻ mổ.
Có thể nói, đây là căn bệnh rất đáng sợ mà không mẹ bầu nào muốn gặp phải, vì nó gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Do đó, trong 3 tháng đầu của thai kỳ, mẹ nên sàng lọc tiền sản giật để có phương án chủ động phòng ngừa và điều trị (nếu có). Vào 3 tháng cuối, thường xuyên kiểm soát huyết áp, cân nặng… nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường nào thì phải lập tức đến gặp bác sĩ.