Tiêm vắc xin cúm khi mang thai và những thông tin cần lưu ý

Tham vấn bác sĩ
Thạc sĩ - Bác sĩ

Đặng Thị Kim Hạnh

Trưởng đơn vị Tiêm chủng

Việc tiêm vắc xin cúm khi mang thai cần được ưu tiên thực hiện để bảo vệ sức khỏe bà bầu và thai nhi trong suốt thai kì. Tuy nhiên tại Việt Nam, các thông tin về tiêm phòng cúm cho bà bầu còn sơ sài và chưa được chính các mẹ bầu quan tâm. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp các thắc mắc xung quanh việc chích ngừa cúm cho phụ nữ mang thai.

1. Tầm quan trọng của việc tiêm phòng cúm khi mang thai

Mang thai là thời điểm mà sức đề kháng của người mẹ sẽ bị ảnh hưởng và hoạt động kém hơn so với thời con gái. Không chỉ vậy, những căn bệnh mà mẹ vô tình nhiễm phải trong thời kì bầu bí cũng sẽ gặp nhiều triệu chứng nặng hơn, ảnh hưởng ít nhiều tới sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Cúm hay cúm mùa là một căn bệnh phổ biến mà hầu như mọi đối tượng từ trẻ em, người trưởng thành và phụ nữ mang thai đều mắc phải mỗi khi thời tiết giao mùa. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, phụ nữ mang thai ở giai đoạn đầu (3 tháng đầu tiên) khi mắc cúm dài ngày có thể phải đối mặt với nguy cơ gây ra dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Vậy nên biện pháp tốt nhất để phòng ngừa chính là tiêm phòng cúm để hạn chế tối đa nguy cơ mắc bệnh.

Tiêm vắc xin cúm khi mang thai nhằm bảo vệ sức khỏe của mẹ lẫn thai nhi

Tiêm vắc xin cúm khi mang thai nhằm bảo vệ sức khỏe của mẹ lẫn thai nhi

Bên cạnh đó, trong một nghiên cứu gần đây, các chuyên gia đã chứng minh được rằng phụ nữ mang thai khi được tiêm đầy đủ vắc xin phòng cúm sẽ làm giảm thiểu hẳn nguy cơ nhiễm bệnh ho gà – một căn bệnh đặc biệt nguy hiểm cho các mẹ bầu và trẻ sơ sinh.

Không chỉ vậy, việc chích ngừa cúm còn giúp mẹ bầu truyền được một phần kháng thể cho thai nhi, mà điều này đặc biệt quan trọng do trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi chưa đủ điều kiện để được tiêm ngừa cúm. Vì vậy việc chủng ngừa cúm gián tiếp qua cơ thể mẹ bầu sẽ giúp tạo lá chắn bảo vệ trẻ khỏi các chủng cúm trong giai đoạn đầu đời mới sinh.

2. Tại sao phụ nữ mang thai dễ mắc biến chứng do cúm?

Trong thời kì mang bầu, cơ thể của phụ nữ có nhiều thay đổi, hệ thống miễn dịch cũng nhạy cảm hơn trước. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường khi mang thai nhưng chính yếu tố này lại làm tăng nguy cơ xảy ra các biến chứng nguy hiểm do nhiễm cúm.

Không chỉ vậy, các bà bầu cũng có nguy cơ đối mặt với biến chứng thai kì cao hơn khi mắc cúm, có thể là chuyển dạ sớm hoặc sinh non. Nhiều mẹ do suy nhược vì cúm khi mang thai phải nhập viện điều trị, thậm chí nhiều trường hợp bệnh chuyển biến nặng dẫn đến suy hô hấp, nguy cơ tử vong cao. Để hạn chế được các biến chứng nguy hiểm, mẹ bầu nên đến các cơ sở y tế uy tín để được tiêm vắc xin phòng cúm càng sớm càng tốt.

3. Thời điểm thích hợp để tiêm phòng cúm cho mẹ bầu

Theo khuyến cáo của Bộ y tế, tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên bao gồm cả phụ nữ mang thai và đang cho con bú đều nên tiêm phòng vắc xin cúm mỗi năm 1 lần. Thời điểm để tiêm vắc xin cúm khi mang thai tốt nhất là nên được thực hiện trước khi vào mùa dịch cúm bùng phát (thường từ tháng 5 đến tháng 10) và ngay khi có sẵn vắc xin.

Thời điểm tốt nhất để tiêm phòng cúm là trước khi dịch cúm mùa hàng năm bùng phát

Thời điểm tốt nhất để tiêm phòng cúm là trước khi dịch cúm mùa hàng năm bùng phát

Ngoài ra mẹ bầu cũng có thể chích ngừa cúm vào bất kì lúc nào trong thời gian mang thai. Nếu mẹ chưa được tiêm phòng trước mùa cúm thì vẫn có thể tiêm trong và sau khi cúm mùa bùng phát. Trường hợp thai phụ có bệnh lí bẩm sinh làm tăng nguy cơ xảy ra biến chứng do cúm như hen suyễn, bệnh tim thì mẹ bầu nên lưu ý tiêm vắc xin cúm càng sớm càng tốt, hiệu quả nhất là từ trước khi vào mùa cúm từ 1 – 2 tháng.

4. Vắc xin cúm hoạt động ra sao? Các loại vắc-xin ngừa cúm cho bà bầu hiện nay

4.1 Vắc xin ngừa cúm hoạt động như thế nào?

Virus cúm thường được chia làm 2 dòng là virus cúm A và virus cúm B. Khi vắc xin cúm được đưa vào cơ thể sẽ hoạt động và phát triển các kháng thể trong cơ thể trong thời gian khoảng 2 tuần đầu sau tiêm. Các kháng nguyên sau khi được hoàn thiện sẽ có nhiệm vụ bảo vệ cơ thể chống lại các chủng virus cúm.

Vắc xin phòng cúm Vaxigrip Tetra

Vắc xin phòng cúm Vaxigrip Tetra

Việc chích ngừa cúm sẽ giúp cơ thể chống lại virus cúm ở mùa tiếp theo. Những vắc xin ngừa cúm truyền thống (vắc xin tam giá) sẽ phòng ngừa và chống lại 3 chủng cúm là virus cúm A H1N1, H3N2 và một chủng virus cúm B.

Ngoài ra, một số loại vắc xin chích ngừa cúm có khả năng phòng ngừa và chống lại 4 chủng cúm (còn gọi là vắc xin tứ giá). Vắc xin tứ giá có khả năng chống lại các chủng: 2 loại virus cúm A (H1N1, H3N2) và 2 loại virus cúm B.

4.2 Tiêm vắc xin cúm khi mang thai gồm những loại nào?

Theo khuyến cáo của CDC Hoa Kỳ thì tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên, bao gồm trẻ em, người trưởng thành trong đó có cả phụ nữ mang thai và phụ nữ đang cho con bú đều cần được chích ngừa cúm và nên chích ngừa cúm nhắc lại hàng năm.

Theo đó, vắc xin phòng ngừa cúm có 2 dạng:

– Dạng 1: dạng tiêm đơn liều

– Dạng 2: dạng phun sương qua đường mũi

Trong đó, vắc-xin dạng tiêm đơn liều có thành phần chứa virus cúm bất hoạt. Vắc xin dạng này được chỉ định dùng cho phụ nữ có thai và có thể được tiêm ở bất kì giai đoạn nào của thai kì. Do phụ nữ mang thai là đối tượng có nguy cơ dễ bị virus cúm xâm nhập và tấn công nhất, nên việc tiêm phòng cúm sẽ giúp hệ thống miễn dịch sớm tạo ra kháng thể để đối phó lại với virus cúm.

5. Chích ngừa cúm khi mang bầu có gặp tác dụng phụ không?

Nghiên cứu cho thấy các tác dụng phụ của vắc xin cúm là rất nhẹ, chẳng hạn như sưng tấy vùng tiêm hoặc sốt nhẹ. Thông thường các triệu chứng này sẽ tự biến mất trong 24 – 48h sau tiêm. Những tác dụng phụ và phản ứng nghiêm trọng khi tiêm phòng cúm là rất hiếm gặp. Trước khi tiêm vắc xin, bác sĩ sẽ khám sàng lọc và cung cấp cho sản phụ đầy đủ thông tin, bao gồm cả những tác dụng phụ có thể xảy ra. Nếu thai phụ từng có tiền sử gặp phản ứng với tiêm vắc xin cúm trước đó, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn và đưa ra lời khuyên tốt nhất.

6. Lưu ý dành cho mẹ bầu khi tiêm vắc xin phòng cúm

– Nếu như đến lịch chích ngừa cúm mà mẹ bầu bị ốm hoặc sốt thì nên đợi cho tới khi hết bệnh mới tiến hành tiêm phòng
– Với những mẹ từng gặp các phản ứng phụ nghiêm trọng với vắc xin cúm sau tiêm thì không nên tiêm phòng cúm.
– Thông báo cho bác sĩ chuyên khoa nếu mẹ bầu có nguy cơ dị ứng trứng. Tùy vào cơ địa, sản phụ có thể được chỉ định tiêm vắc xin hoặc đình chỉ tiêm.
– Hãy cho bác sĩ biết nếu mẹ bầu từng mắc hội chứng Guillain – Barré (hội chứng viêm đa dây thần kinh cấp tính)

 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital