Thực hiện chữa viêm dạ dày tá tràng cần kiêng những gì?

Tham vấn bác sĩ
Phó Giáo sư, Tiến sĩ

Vũ Văn Khiên

Phó giám đốc phụ trách Nội soi tiêu hóa

Trong quá trình thực hiện chữa viêm dạ dày tá tràng, ngoài việc tuân thủ đúng các chỉ định điều trị bác sĩ đưa ra thì mỗi người bệnh cần chú ý việc kiêng khem những yếu tố không tốt với bệnh nhằm mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất.

1. Viêm dạ dày tá tràng: Dấu hiệu bệnh, cách chẩn đoán

1.1. Bệnh viêm dạ dày tá tràng

Viêm dạ dày tá tràng có thể gặp phải ở đa dạng các đối tượng. Bệnh xuất phát từ nhiều nguyên nhân mà thường đến từ việc nhiễm khuẩn HP dương tính, lạm dụng thuốc khám viêm hay các yếu tố nguy cơ như chế độ ăn không khoa học, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, stress kéo dài,…

Các tác nhân này sẽ tấn công vào lớp bảo vệ thành dạ dày tá tràng để lộ ra các lớp bên dưới và hình thành nên các ổ viêm loét. Viêm dạ dày tá tràng không quá nguy hiểm nhưng cần được điều trị đúng cách càng sớm càng tốt.

Bệnh viêm dạ dày tá tràng

Viêm loét dạ dày tá tràng là bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến hàng đầu.

1.2. Dấu hiệu bệnh

Viêm dạ dày tá tràng nói chung khi gặp ở giai đoạn cấp tính, các triệu chứng có thể xuất hiện đột ngột và rầm rộ nhưng kết thúc khá sớm nên nhiều người bệnh sẽ bỏ qua. Sau đó, bệnh chuyển qua giai đoạn mạn tính thì các triệu chứng dần mờ nhạt hơn nhưng tổn thương vẫn âm thầm phát triển.

Chính vì vậy, việc nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh là rất cần thiết. Hãy chú ý quan sát và cảnh giác với các triệu chứng sau:

– Đau bụng vùng thượng vị

– Những cơn đau bụng âm ỉ cùng theo đó là cảm giác nóng rát tại vùng thượng vị

– Ợ chua, ợ nóng

– Buồn nôn hoặc nôn hết phần thức ăn sau khi ăn

– Chán ăn, ăn không ngon

– Người hay bị mệt mỏi, có thể bị sút cân không hề chủ đích.

Ngay khi nhận thấy các triệu chứng kể bên trên hãy chủ động thăm khám tại các cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa chẩn đoán đúng bệnh và lên phác đồ điều trị cụ thể.

1.3. Cách chẩn đoán bệnh

Về cách chẩn đoán bệnh viêm dạ dày tá tràng, bác sĩ sẽ thường chỉ định 2 phương pháp chính sau đây:

Nội soi dạ dày tá tràng: Nội soi được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh đường tiêu hóa bao gồm cả viêm loét dạ dày tá tràng. Phương pháp thực hiện dựa trên việc thăm dò trực tiếp ống tiêu hóa nên cho kết quả chính xác nhất. Nội soi không chỉ giúp phát hiện toàn bộ các tổn thương, ổ viêm loét, vị trí và kích thước ổ loét, nguyên nhân gây bệnh mà còn phát hiện được cả những sang chấn khó thấy tại lớp niêm mạc kết hợp thực hiện sinh thiết tổn thương để kiểm tra mô bệnh học.

– Xét nghiệm tìm vi khuẩn H.Pylori: Có tới 90% ca bệnh viêm loét xuất phát từ nguyên nhân nhiễm khuẩn HP. Vi khuẩn này được phát hiện bằng việc phân tích mẫu phân, mẫu máu, test hơi thở hoặc từ một mẫu sinh thiết lấy qua nội soi.

Chẩn đoán viêm loét dạ dày tá tràng

Nội soi dạ dày là phương pháp tiêu chuẩn giúp chẩn đoán chính xác viêm dạ dày tá tràng và các bệnh đường tiêu hóa nói chung.

2. Cách chữa viêm dạ dày tá tràng

Điều trị viêm dạ dày tá tràng nói chung dựa trên nguyên tắc tập trung loại bỏ yếu tố nguyên nhân gây bệnh thay vì điều trị triệu chứng. Chính vì vậy, việc điều trị cần tuân thủ đúng người, đúng bệnh, không tự ý kê đơn hay áp dụng cách điều trị của người khác.

Người bệnh hãy chủ động thăm khám chuyên khoa tiêu hóa, thực hiện các chỉ định và phương pháp chẩn đoán bệnh. Khi có kết quả, bác sĩ sẽ lên phác đồ điều trị phù hợp, thường là điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật cắt dạ dày.

– Điều trị bằng thuốc:

Được áp dụng trong các trường hợp viêm loét nhẹ chưa gây ra các biến chứng bệnh nguy hiểm. Thuốc được sử dụng bao gồm thuốc kháng acid, thuốc giảm tiết acid, thuốc ức chế bơm proton, thuốc bảo vệ dạ dày, thuốc diệt vi khuẩn HP,…

– Phẫu thuật cắt dạ dày:

Trường hợp cần tiến hành phẫu thuật khi viêm loét dạ dày phát triển tới giai đoạn nặng kèm theo các biến chứng nguy hiểm. Lúc này, việc cắt đi một phần dạ dày giúp ngăn chặn sự lan rộng của ổ viêm loét một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, thực hiện phẫu thuật tồn tại những rủi ro nhất định nên bác sĩ cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra chỉ định cuối cùng.

3. Cần kiêng những gì để chữa viêm dạ dày tá tràng được hiệu quả

Đối với người bị viêm loét dạ dày tá tràng cần lưu ý việc kiêng khem ở cả chế độ ăn và trong lối sống sinh hoạt. Việc làm này sẽ giúp quá trình điều trị bệnh đạt hiệu quả tốt nhất. Cụ thể như sau.

3.1. Chữa viêm dạ dày tá tràng nên kiêng gì trong chế độ ăn?

Trong chế độ ăn của người bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, cần tránh các nhóm thực phẩm sau đây nhằm giúp thuyên giảm triệu chứng khó chịu và hỗ trợ làm lành ổ loét.

– Thực phẩm gây tổn thương tới niêm mạc dạ dày như rượu, bia, các đồ uống chứa chất kích thích, các loại gia vị cay nóng, món ăn chiên xào ngập dầu mỡ, món nướng tẩm ướp qua nhiều gia vị, thực phẩm đã chế biến sẵn có lượng chất bảo quản cao hay ăn thức ăn khó tiêu hóa,…

– Thực phẩm làm tăng lượng acid dạ dày khiến vết loét thêm nghiêm trọng và tăng nguy cơ hình thành thêm nhiều vết loét mới Hãy hạn chế những loại trái cây chua (cam, chanh, bưởi chua, quýt, quất, xoài, cóc, khế…), thực phẩm chua (dấm, mẻ,..).

– Tránh thực phẩm dễ sinh hơi và gây chướng bụng vì chúng sẽ dẫn tới trào ngược dạ dày thực quản và khiến cho viêm loét dạ dày càng thêm nghiêm trọng. Người bệnh nên hạn chế ăn các thực phẩm như giá đỗ, đồ ăn lên men (dưa muối, cà muối, mắm tôm, mắm tép), hành, hẹ, các loại đồ uống đóng chai có ga,…

Chữa viêm dạ dày tá tràng kiêng gì?

Thực hiện kiêng khem đúng cách trong chế độ ăn giúp nâng cao hiệu quả điều trị viêm loét dạ dày tá tràng.

3.2. Chữa viêm dạ dày tá tràng nên kiêng gì trong lối sống sinh hoạt?

Ngoài việc kiêng khem đúng cách trong ăn uống, người bệnh viêm loét dạ dày tá tràng cũng cần để ý và điều chỉnh lại các thói quen không tốt trong sinh hoạt hằng ngày như sau:

– Ăn uống tùy ý, không ăn đúng bữa theo giờ, thường xuyên bỏ bữa;

– Nhịn đói quá lâu sau đó lại ăn bù quá no ở bữa khác. Điều này cực kỳ có ảnh hưởng xấu với người bệnh loét dạ dày;

– Ăn nhanh, nhai không kỹ, ăn cơm cùng canh, không tập trung mỗi khi ăn;

– Vận động mạnh hoặc đi tắm ngay sau khi ăn no;

– Ăn đồ ăn khi quá lạnh hoặc quá nóng. Ăn đồ ăn chế biến quá lỏng hoặc quá sệt;

– Tránh lạm dụng các loại thuốc kháng sinh, giảm đau, giảm viêm;

– Hút thuốc, uống rượu bia;

– Thức khuya, mất ngủ;

– Không cân đối thời gian nghỉ ngơi và làm việc dẫn tới căng thẳng, stress kéo dài;

– Lười vận động.

Như vậy, để quá trình chữa viêm dạ dày tá tràng diễn ra thuận lợi và nhanh chóng, người bệnh cần tuân thủ đúng các chỉ định điều trị cũng như thực hiện kiêng khem đầy đủ. Ngay cả khi viêm loét đã điều trị khỏi, người bệnh cũng cần duy trì chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh để phòng bệnh hiệu quả.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:
Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital