Tham khảo 4 loại thuốc tan máu bầm phổ biến hiện nay

Tham vấn bác sĩ
Tiến sĩ, Dược sĩ

Phạm Minh Hưng

Trưởng khoa Dược

Bị bầm tím, sưng đau do va chạm hoặc té ngã là hiện tượng thường gặp với chúng ta. Tuy nhiên, cũng có nhiều bệnh lý khác gây máu tụ dưới da mà không phải do tác động vật lý. Thông thường, vết bầm tím có thể tự khỏi sau 2 tuần nhưng có một vài trường hợp phải dùng thuốc tan máu bầm do bác sĩ chỉ định.

1. Nguyên nhân gây ra vết máu bầm

Vết máu bầm (vết tụ máu) tạo ra bởi có tác động làm tổn thương mạch máu nhỏ bên dưới da. Điều này dẫn tới việc rò rỉ máu vào các mô của da, làm da thay đổi màu sắc. Cơ thể sẽ dần phân hủy và tái hấp thu lượng máu này, vết máu bầm theo đó cũng mờ dần.

Có nhiều nguyên nhân gây nên vết máu bầm. Thường gặp nhất là bởi chấn thương do va chạm, tai nạn hoặc thủ thuật y tế. Da lão hóa cũng có thể gia tăng nguy cơ gây bầm tím vì lúc này da trở nên mỏng manh, mạch máu cũng dễ bị tổn thương.

Các yếu tố nguy cơ khiến bạn dễ bị vết bầm dưới da khác gồm:

– Bệnh ung thư.

– Bệnh về gan.

– Tiền sử gia đình có người dễ bị tụ máu.

– Sử dụng các loại thuốc làm loãng máu hoặc ngăn chặn đông máu như aspirin.

– Người hay dùng các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs).

– Một số rối loạn đông máu như máu khó đông, giảm tiểu cầu.

– Bị thiếu vitamin C hoặc K.

máu bầm

Có nhiều nguyên nhân khiến da có vết bầm tím

2. Các loại thuốc tan máu bầm được sử dụng phổ biến hiện nay

2.1. Thuốc tan máu bầm, kháng viêm, giảm sưng Alpha Choay

Thuốc có thành phần chính đó là alpha chymotrypsin. Thuốc thường được chỉ định để giảm sưng, phù nề sau chấn thương, phẫu thuật. Đồng thời, đây cũng là thuốc giúp tan máu bầm.

Thuốc thường được bào chế dưới dạng viên uống hoặc viên ngậm dưới lưỡi. Cách sử dụng của loại thuốc này như sau:

– Uống mỗi lần 2 viên (4,2 mg – 4200 đơn vị chymotrypsin USP hoặc 21 microkatal), dùng 3 – 4 lần/ngày.

– Ngậm dưới lưỡi 4 – 6 viên/ngày chia làm nhiều lần (phải để viên nén tan dần ở dưới lưỡi).

Alphachymotrypsin nhìn chung dung nạp tốt, không gây tác dụng phụ đáng kể.

Bệnh nhân không nên điều trị bằng thuốc Alphachymotrypsin gồm:

– Người giảm alpha-1 antitrypsin (nhóm đối tượng nguy cơ gồm người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đặc biệt là khí phế thũng, hội chứng thận hư).

– Người bệnh rối loạn đông máu di truyền và bệnh rối loạn đông máu không có yếu tố di truyền.

– Những người vừa trải qua/sắp phẫu thuật.

– Người bệnh đang dùng thuốc chống đông máu.

– Những người dị ứng với các protein và thành phần của thuốc.

– Nữ giới đang mang thai hoặc nuôi con bằng sữa mẹ.

– Người bệnh bị loét dạ dày.

2.2. Thuốc tan máu bầm OP.Zen

Thuốc OP.Zen có thành phần chính là cao tô mộc, được chỉ định trong các trường hợp bị tụ máu, sưng đau do gặp phải chấn thương.

Thuốc dùng đường uống và sau ăn. Liều dùng như sau:

– Người lớn uống 2 viên/lần. Mỗi ngày uống 2 – 3 lần.

– Trẻ em dưới 12 tuổi sẽ uống nửa liều của người lớn.

Cho đến nay vẫn chưa có báo cáo về các tác dụng phụ của thuốc. Tuy nhiên, cần lưu ý chống chỉ định dùng cho người mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc, nữ giới mang thai và người đang xuất huyết.

thuốc tan máu bầm

Thuốc OP.Zen có thành phần chính là cao tô mộc

2.3. Thuốc giúp tan máu bầm giảm sưng Arnigel 45g

Kem bôi giúp làm tan máu bầm Arnigel là sản phẩm được sản xuất bởi công ty Boiron – một công ty hàng đầu ở châu Âu. Arnigel được rất nhiều bà mẹ tin dùng cho con của mình bởi thành phần Arnica montana lành tính cho làn da của bé.

Thuốc giúp tan máu bầm cho bé Arnigel được bào chế dưới dạng gel, với công dụng như sau:

– Làm dịu da, giảm sưng đau vết bầm một cách nhanh chóng.

– Đẩy nhanh quá trình làm tan máu bầm ở trên cơ thể.

Cách sử dụng như sau: Mỗi ngày dùng 1 – 2 lần, bôi trực tiếp lên vùng da bị máu bầm. Sau đó massage một cách nhẹ nhàng cho gel được thẩm thấu. Lưu ý, bạn không được bôi gel lên vùng da có vết thương hở.

2.4. Viên uống giúp tan máu bầm TANMAUBAM

TANMAUBAM là sản phẩm nguồn gốc thảo dược thuộc hãng Viphar của Việt Nam. Thành phần của sản phẩm có nhiều loại dược liệu mang đến khả năng phục hồi tổn thương tốt như: cao Huyết giác, cao Vỏ liễu trắng, cao Tô Mộc và Rutin.

Với những thành phần này, thuốc TANMAUBAM có công dụng hỗ trợ giảm tình trạng thâm tím do tụ máu và giảm sưng phù. Sản phẩm thường được dùng cho những người bị chấn thương phần mềm như té ngã, va đập,… hoặc sau phẫu thuật thẩm mỹ, xăm môi và mắt.

TANMAUBAM được bào chế dưới dạng viên nang cứng nên uống viên thuốc với 1 cốc nước. Bạn hãy uống sau bữa ăn. Ngày uống 6 viên. Chia thuốc thành 2 lần. Với trường hợp vết bầm tím lớn hoặc nặng, bạn có thể uống 9 viên chia làm 3 lần.

3. Một số lưu ý khi dùng thuốc tan máu bầm

Khi sử dụng các loại thuốc này, bạn cần lưu ý như sau:

– Thăm khám và đảm bảo tuân thủ theo chỉ định từ bác sĩ.

– Nếu sử dụng quá liều, cần phải báo ngay với bác sĩ.

– Khi quên một liều thuốc, bạn hãy uống theo liều lượng bình thường trong lần tiếp theo, không được tự ý tăng liều điều trị.

– Một số thuốc có kê đơn như aspirin, warfarin, clopidogrel, thuốc chống đông máu đường uống không phụ thuộc Vitamin K có thể gây ảnh hưởng tới quá trình đông máu và tăng nguy cơ gây tụ máu dưới da.

– Một số thực phẩm bảo vệ sức khỏe bổ sung vitamin, thảo dược như vitamin E liều cao, dầu cá, bạch quả,… cũng có thể gây gia tăng nguy cơ xuất huyết vết bầm tím trên da. Vậy nên bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn đang dùng những loại thuốc và thực phẩm này.

4. Tham khảo thêm cách làm tan máu bầm không dùng thuốc

Bên cạnh việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, bạn cũng có thể làm tan máu bầm bằng một số biện pháp như sau:

– Chườm túi đá lạnh lên vết bầm tím khoảng 20 phút, thực hiện mỗi ngày khoảng 2 – 3 lần. Đá lạnh sẽ làm giảm lưu thông máu đến vùng bầm tím do tụ máu để giúp cải thiện nhanh hơn, giảm sưng tấy.

– Chú ý nâng vị trí bị bầm tím lên cao hơn tim. Điều này giúp không chỉ đẩy nhanh quá trình tái hấp thu máu mà còn giảm cơn đau do sưng tấy. Bạn sẽ thấy dễ chịu, thoải mái hơn trong việc sinh hoạt hàng ngày.

– Nếu bị sưng tấy, bạn có thể quấn băng chun, giúp làm giảm lưu lượng máu đến vết thương. Đồng thời làm giảm vết bầm và sưng tấy nhanh hơn. Tuy nhiên, bạn lưu ý không được quấn băng chun quá chặt.

cách tan vết bầm

Bạn có thể chườm túi đá lạnh lên vết bầm tím khoảng 20 phút

Trên đây là một số thông tin về các loại thuốc tan máu bầm cũng như biện pháp tan máu bầm không dùng thuốc. Bạn cần lưu ý rằng, các loại thuốc giúp tan máu bầm hầu hết đều an toàn nhưng cũng cần đảm bảo tuân thủ đúng sự chỉ định của bác sĩ để có hiệu quả tốt.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital