Đối với các mẹ đã có kinh nghiệm đẻ thường lần đầu, việc mang thai lần thứ hai đã không còn quá nhiều bỡ ngỡ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều mẹ thắc mắc về việc đẻ thường lần 2 sẽ ra sao? Có vào đúng ngày dự sinh không? Có đau không? Dưới đây sẽ là tất tần tật kinh nghiệm đẻ thường lần 2 dành cho các mẹ đang có nhiều câu hỏi cần được giải đáp.
Menu xem nhanh:
1. Đẻ thường lần 2 khác lần 1 như thế nào?
Đẻ thường lần 2, mẹ bầu sẽ có những trải nghiệm khác hơn lần 1 rất nhiều. Cụ thể, lần sinh thường thứ hai, mức độ của những cơn đau chuyển dạ, đau trong quá trình sinh và cơn đau dạ con sẽ khác hơn lần đầu.
Đẻ thường lần 2, thời gian chuyển dạ của thai phụ sẽ diễn ra nhanh hơn. Nếu như ở lần đầu, thời gian chuyển dạ của mẹ có thể kéo dài từ 6 tiếng đến 24 tiếng thì ở lần 2, cơn chuyển dạ sẽ chỉ kéo dài từ 8 đến 16 tiếng.
Quá trình sinh nở lần thứ 2 có phần “dễ thở” hơn lần đầu. Các mẹ sẽ không cảm thấy quá đau như ở lần sinh thường đầu tiên do cơ thể của mẹ đã có những thay đổi, dẻo dai, linh hoạt hơn để thích ứng hơn với lần sinh con tiếp theo.
Sau sinh, tử cung bắt đầu quá trình co bóp để tống hết sản dịch ra ngoài. Quá trình này, người mẹ sẽ phải trải qua cơn đau có tên gọi đau dạ con. Trải qua lần sinh nở đầu tiên, tử cung trở nên yếu hơn, thường phải co bóp nhiều hơn, mạnh hơn để nhanh chóng đẩy hết sản dịch và trở lại trạng thái ban đầu. Vì vậy, cơn đau dạ con ở lần sinh thường thứ 2 cũng khó chịu hơn lần đầu một chút.
Ngoài ra, ngày dự sinh lần 2 cũng sẽ chính xác hơn lần đầu. Những mẹ bầu sinh con so thường chuyển dạ sớm hơn ngày dự sinh khoảng từ 7 đến 10 ngày. Trong khi đó, ở lần đẻ thường thứ 2, hầu hết thai phụ đều sinh sớm hơn. Nguyên nhân là do ở lần sinh nở trước, cơ thể người mẹ đã từng trải qua quá trình chuyển dạ nên ở lần thứ 2, cơ thể phản ứng tốt hơn, nhanh hơn khi các hormone chuyển dạ bắt đầu tác động, các cơ, dây chằng giúp thúc đẩy em bé di chuyển xuống dưới ngả âm đạo của mẹ dễ dàng hơn, cổ tử cung nhanh chóng mở rộng.
2. Kinh nghiệm đẻ thường lần 2 mà mẹ bầu nào cũng nên biết
Tìm hiểu về những diễn biến của quá trình chuyển dạ, những khác biệt ở lần sinh đầu và lần sinh thường thứ 2 sẽ giúp các mẹ chủ động hơn, có sự chuẩn bị tốt hơn.
2.1. Kinh nghiệm đẻ thường lần 2: Chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình chuyển dạ sớm
Như thông tin đã chia sẻ, lần sinh thường thứ hai, thời gian chuyển dạ sẽ nhanh hơn, kết thúc sớm hơn. Chính vì vậy, khi có các dấu hiệu chuyển dạ như sa bụng dưới, cơn gò tử cung nhanh và dồn dập, vỡ ối, cổ tử cung giãn nở và trở nên mỏng hơn, chuột rút, cơn đau thắt lưng thường xuyên hơn, giãn khớp, mất nút nhầy,… các mẹ cần kiểm soát tốt hơi thở, thở đều, hít đường mũi và thở ra ở đường miệng.
Ngoài ra, mẹ cần biết cách theo dõi cơn gò để di chuyển đến bệnh viện kịp thời. Tốt nhất, thai phụ nên chuẩn bị đến viện khi xuất hiện những cơn gò cách nhau 20 – 30 phút.
2.2. Kinh nghiệm đẻ thường lần 2: Chú ý đến quá trình rặn đẻ
Ở lần sinh thường thứ 2, do cơ thể thai phụ đã có “kinh nghiệm” phản ứng với quá trình sinh nở lần đầu nên các cơ, dây chằng ở âm đạo và xương chậu sẽ trở nên dẻo dai hơn. Thai phụ cũng đã có kinh nghiệm trong việc rặn sinh và hít thở. Bởi vậy, quá trình này cũng sẽ thuận lợi hơn lần đầu rất nhiều.
Tuy nhiên, không phải vì vậy mà các mẹ có thể tránh được việc phải rạch tầng sinh môn. Trong nhiều trường hợp, để giúp thai nhi có thể nhanh chóng ra ngoài dễ dàng hơn, các bác sĩ vẫn sẽ thực hiện thủ thuật này cho thai phụ.
2.3. Đối phó với những cơn đau nhức
Ở lần sinh nở thứ hai, tử cung đã trở nên yếu hơn, quá trình co rút diễn ra mạnh mẽ nên cơn đau dạ con là không thể tránh khỏi, thậm chí đau dữ dội hơn lần đầu. Vì vậy, kinh nghiệm đẻ thường lần 2 cần ghi nhớ, đó là các mẹ nên chuẩn bị trước những phương án để cải thiện cơn đau như chườm ấm vùng bụng, massage,…
2.4. Phòng tránh nguy cơ biến chứng chuyển dạ, sau sinh thường lần 2
Sinh thường lần 2, mẹ có nguy cơ gặp phải nhiều vấn đề, biến chứng hơn lần đầu. Những biến chứng mà thai phụ có thể gặp ở giai đoạn chuyển dạ và sau sinh:
– Chảy máu: Đây là biến chứng có thể gặp phải trong quá trình chuyển dạ hoặc sau sinh. Nguyên nhân thường đến từ các bất thường như tiền sử rau tiền đạo, mổ mở tử cung để lại sẹo cứng, tổn thương, tiền sử nạo hút,…
– Băng huyết sau sinh: Biến chứng này thường xuất phát từ việc mẹ bị tiểu đường thai kỳ, bất thường tại bánh nhau, rối loạn đông máu, chấn thương các bộ phận sinh dục từ lần sinh nở đầu tiên,…
– Thuyên tắc mạch: Là biến chứng xảy ra do chất gây, nước ối, huyết khối, lông, tóc của thai nhi lọt vào tuần hoàn của thai phụ gây ra tình trạng suy hô hấp, suy hệ tuần hoàn cấp. Đặc biệt, đây là biến chứng diễn ra trong quá trình chuyển dạ.
– Thai nhi bị chấn thương trong quá trình chuyển dạ: Đây là biến chứng dễ gặp khi thai to, ngôi thai không thuận, thai có bệnh lý trong quá trình theo dõi thai kỳ.
– Sản giật: Là một trong những biến chứng nguy hiểm nhất trong quá trình chuyển dạ của mẹ bầu. Sản giật có thể dẫn đến nhiều nguy cơ khó lường ở mẹ và thai nhi, thậm chí nguy hiểm tới tính mạng của thai phụ.
Để phòng tránh tốt những biến chứng có thể xảy ra ở lần sinh thường thứ hai, các mẹ cần lưu ý một số vấn đề sau:
– Có kế hoạch quản lý thai kỳ từ sớm với lộ trình thăm khám rõ ràng, đều đặn.
– Theo dõi sát sao trong thời gian chuyển dạ.
– Lựa chọn những địa chỉ uy tín, có bác sĩ chuyên môn cao, đủ điều kiện kỹ thuật để hỗ trợ cuộc sinh.
– Can thiệp các thủ thuật theo hướng dẫn của bác sĩ để hành trình sinh nở được thuận lợi hơn.
3. Một số cách giúp thai phụ giảm đau sau sinh thường lần 2
Bên cạnh những kinh nghiệm đi sinh, phòng tránh biến chứng trong quá trình chuyển dạ, sau sinh thường lần 2, các mẹ bầu cũng rất quan tâm đến việc làm sao để cải thiện những cơn đau sau hành trình vượt cạn.
– Cân đối chế độ dinh dưỡng và chú ý sinh hoạt:
Quá trình chuyển dạ, sinh nở khiến mẹ tiêu hao khá nhiều năng lượng. Việc ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, nhất là vào những tháng cuối của thai kỳ, cộng thêm ngủ đủ 8 tiếng mỗi ngày sẽ giúp nâng cao sức bền, khả năng chịu đựng những cơn đau của mẹ bầu hơn rất nhiều.
– Đi bộ, vận động nhẹ thường xuyên:
Đi bộ, tập luyện cơ vùng chậu với bóng hơi là những thao tác mà các mẹ nên thực hiện ở giai đoạn trước chuyển dạ. Việc này sẽ giúp kích thích các cơ, dây chằng tại vùng chậu căng giãn tốt hơn, để quá trình sinh thường được thuận lợi hơn, ít gây đau đớn cho các mẹ.
– Chườm ấm:
Phương pháp này được áp dụng trong quá trình chuyển dạ nhằm giúp tử cung thoải mái hơn, giãn nở tốt hơn, từ đó giảm áp lực, giảm cảm giác đau đớn khi sinh.
– Hít thở đúng cách:
Việc hít thở đúng cách không những giúp các mẹ bảo tồn được sức lực trong quá trình sinh con mà còn giúp giảm bớt cường độ của những cơn co gây đau trong lúc sinh.
– Sử dụng phương pháp “đi đẻ không đau” – gây tê màng cứng:
Gây tê ngoài màng cứng là phương pháp được vận dụng trong các ca sinh thường. Đây là phương pháp đơn giản, nhanh chóng, hiệu quả và an toàn trong việc làm giảm sự khó chịu của cơn đau chuyển dạ. Để thực hiện gây tê màng cứng, thai phụ phải được khám, tư vấn tình trạng sức khỏe với bác sĩ gây mê, gây tê. Nếu như sức khỏe thai phụ đáp ứng tốt, quá trình gây tê màng cứng mới được thực hiện.
Bên cạnh đó, các mẹ có thể áp dụng một số mẹo sau để quá trình đẻ thường lần 2 được dễ dàng hơn:
– Đi tiểu nhiều để bàng quang xẹp bớt, cơn gò tử cung cũng từ đó mà trở nên dễ chịu hơn.
– Rặn đẻ theo hiệu lệnh của bác sĩ, nữ hộ sinh sẽ giúp kiểm soát tốt quá trình đẩy bé ra ngoài, đồng thời tránh tình trạng hụt hơi, đuối sức.
– Xoa tử cung thật mạnh sau thời gian chuyển dạ để tránh mất máu, băng huyết sau sinh.
Trên đây là những kinh nghiệm đẻ thường lần 2 mà các mẹ bầu nên ghi nhớ. Quan trọng nhất, để quá trình sinh nở diễn ra thành công, thuận lợi, các mẹ nên tìm cho mình địa chỉ theo dõi, chăm sóc Sản khoa uy tín xuyên suốt quá trình mang thai để nhận được sự tư vấn, hướng dẫn cụ thể nhất, có sự chuẩn bị thật tốt cho quá trình vượt cạn sinh thường.
Dịch vụ Thai sản trọn gói của Thu Cúc TCI sẽ giúp các mẹ bầu có một hành trình sinh nở nhẹ nhàng, an toàn, không cần quá lo lắng đến các biến chứng có thể xảy ra. Với các gói Thai sản từ tuần thứ 8 đến khi chuyển dạ, các mẹ sẽ luôn được thăm khám, theo dõi thai kỳ theo một lộ trình rõ ràng, chi tiết. Mỗi mốc tuần thai quan trọng, mẹ được khám, thực hiện các xét nghiệm, siêu âm để bác sĩ Sản khoa tư vấn, hướng dẫn cải thiện, chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình sinh.
Đi sinh, mẹ được hộ sinh, bác sĩ Sản khoa có chuyên môn, kinh nghiệm nhiều năm hỗ trợ, được theo dõi tình trạng sức khỏe với các thiết bị chuyên dụng. Bởi vậy, mọi vấn đề trong ca sinh đều nằm trong tầm kiểm soát của ekip Sản. Các mẹ cũng sẽ được khâu thẩm mỹ tầng sinh môn sau đẻ thường, hướng dẫn chăm sóc vết cắt sao cho chóng phục hồi, không gây nhiễm trùng, tổn thương.
Dịch vụ lưu viện với đầy đủ tiện ích cũng là một trong những điểm được các mẹ đánh giá cao sau quá trình sinh nở. Không chỉ được sử dụng phòng lưu viện đầy đủ đồ dùng, thiết bị phục vụ nhu cầu của mẹ và người thân, sản phụ còn được chăm sóc tận tình, chu đáo từ bữa ăn, giấc ngủ, được massage ngực kích thích sữa về, được hỗ trợ vệ sinh mỗi ngày,…
Bởi vậy, việc lựa chọn địa chỉ sinh thường lần 2 cũng rất quan trọng. Rút kinh nghiệm từ lần sinh đầu, các mẹ có thể tìm hiểu và chọn cho mình một cơ sở uy tín, phù hợp nhất với nhu cầu cá nhân để quá trình vượt cạn lần 2 trở thành trải nghiệm tuyệt vời nhất.