Tăng huyết áp nguyên phát: Những điều cần biết

Tham vấn bác sĩ

Tăng huyết áp là căn bệnh mạn tính nguy hiểm, diễn tiến âm thầm và gây ra những biến chứng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ. Trong đó tăng huyết áp nguyên phát là loại tăng huyết áp phổ biến nhất với 95% tổng số ca bệnh. Vậy, tăng huyết áp dạng này có đặc điểm gì, cách chẩn đoán và điều trị ra sao?

1. Tăng huyết áp nguyên phát là bệnh gì?

Tăng huyết áp tình trạng áp lực của máu lên thành động mạch cao hơn bình thường. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu qua ít nhất hai lần đo, trị số huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/hoặc trị số huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg thì được gọi là tăng huyết áp. Nếu chỉ số huyết áp 120/80 mmHg hoặc cao hơn nhưng <140/90 mmHg thì được gọi là tiền tăng huyết áp.

Dựa vào nguyên nhân gây tăng huyết áp, người ta chia bệnh thành 2 dạng chính là tăng huyết áp nguyên phát và tăng huyết áp thứ phát. Trong đó, nguyên phát là loại tăng huyết áp phổ biến nhất. Tỷ lệ mắc tăng huyết áp dạng này lên tới 95% trường hợp.

Tăng huyết áp thể nguyên phát là tình trạng huyết áp tăng không do các nguyên nhân thứ phát như bệnh mạch máu, bệnh thận, u, tăng aldosteron, thuốc, mang thai, chất kích thích,… Tăng huyết áp loại này thường không thể xác định được nguyên nhân nên còn được gọi là tăng huyết áp vô căn.

Tăng huyết áp nguyên phát là gì?

Tăng huyết áp dạng nguyên phát là tình trạng huyết áp tăng không do bệnh mạch máu, bệnh thận, u, tăng aldosteron, thuốc, mang thai, chất kích thích,…

2. Triệu chứng của tăng huyết áp vô căn

Tăng huyết áp vô căn hay nguyên phát thường rất khó nhận biết do các triệu chứng không rõ ràng. Người bệnh thường chỉ tình cờ phát hiện mình bị bệnh khi khám sức khỏe tổng quát hoặc đi khám vì một bệnh lý khác.

Tuy nhiên một số dấu hiệu có thể xuất hiện gợi ý loại tăng huyết áp này bao gồm:

– Đau đầu, chóng mặt, xây xẩm

– Thường xuyên chảy máu cam

– Nóng bừng mặt hoặc cả người, bốc hỏa

– Đau tức ngực

– Có máu trong nước tiểu

Khi thấy những triệu chứng này, người bệnh cần đi khám để chẩn đoán chính xác và điều trị sớm, tránh những biến chứng đe dọa đến tính mạng. 

3. Các biến chứng nếu tăng huyết áp không được điều trị 

Tăng huyết áp vô căn nếu không được điều trị sớm và tích cực có thể gây một loạt biến chứng nguy hiểm.

3.1 Tăng huyết áp nguyên phát gây nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ

Huyết áp cao gây tổn thương thành động mạch, rối loạn lớp nội mô, khiến xơ vữa động mạch dễ hình thành. Tình trạng này kéo dài gây cứng và dày động mạch, khiến máu khó lưu thông và dẫn đến nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, xuất huyết não. 

3.2 Phình mạch

Huyết áp tăng cao thường xuyên có thể làm cho các thành mạch máu suy yếu, giãn phình thành những túi lớn chứa máu. Khi các túi phình này bị vỡ, người bệnh có thể gặp nguy hiểm đến tính mạng.

3.3 Suy tim

Áp suất trong mạch cao khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm đủ máu. Tình trạng này kéo dài có thể làm cho các thành của buồng tim dày lên, gây phì đại tâm thất trái hay tim to. Sau thời gian dài hoạt động quá sức, tim có thể suy yếu, ngày càng gặp khó khăn trong việc bơm đủ máu phục vụ nhu cầu của cơ thể, dẫn đến suy tim

Biến chứng của tăng huyết áp thể nguyên phát

Suy tim là một trong những biến chứng thường gặp của tăng huyết áp.

3.4 Bệnh mạch máu do tăng huyết áp nguyên phát 

Các mạch máu trong cơ thể đều có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng tăng huyết áp. Các mạch máu ở thận bị suy yếu và thu hẹp có thể ngăn cản thận hoạt động bình thường và dẫn đến tổn thương thận, suy thận. Các mạch cung cấp máu cho mắt dày lên, thu hẹp hoặc vỡ dẫn đến suy giảm thị lực

3.5 Rối loạn chuyển hóa

Các quá trình chuyển hóa trong cơ thể có thể gặp rối loạn vì huyết áp liên tục tăng cao, tạo thành hội chứng chuyển hóa. Các rối loạn bao gồm: tăng kích thước vòng eo, rối loạn lipid máu, kháng insulin, khiến người bệnh tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như đái tháo đường, bệnh tim mạch, đột quỵ.

3.6 Rối loạn trí nhớ

Ở người bệnh cao huyết áp, các động mạch bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn do xơ vữa có thể làm hạn chế lưu lượng máu đến não, gây thiếu máu não hoặc dẫn đến sa sút trí tuệ do mạch máu. Đột quỵ do huyết áp cao cũng có thể làm gián đoạn lưu lượng máu lên não, gây ra chứng sa sút trí tuệ, giảm trí nhớ. 

4. Các yếu tố nguy cơ gây bệnh tăng huyết áp không rõ nguyên nhân

Tăng huyết áp vô căn không xác định được nguyên nhân tuy nhiên các nghiên cứu chỉ ra có sự liên kết giữa tăng huyết áp với một số yếu tố nguy cơ như:

4.1 Tuổi tác

Người lớn tuổi có nguy cơ cao bị tăng huyết áp. Nguyên nhân là do mạch máu của họ mất dần độ đàn hồi. So với nam giới, phụ nữ từ tuổi 60 trở lên có nguy cơ bị tăng huyết áp cao hơn.

4.2 Di truyền

Thực tế không chỉ người lớn mà trẻ em cũng có thể bị tăng huyết áp nếu gia đình có tiền sử bị huyết áp cao. 

4.3 Béo phì

Thói quen ít vận động cùng chế độ dinh dưỡng không cân bằng khiến bạn dễ béo phì và đái tháo đường. Hai nhân tố này có thể làm tăng tỷ lệ bị cao huyết áp.

4.4 Chế độ ăn nhiều muối

Việc tiêu thụ quá nhiều muối có thể khiến tăng huyết áp bởi muối làm tăng khả năng giữ nước.

5. Điều trị tăng huyết áp thể nguyên phát

Đối với tăng huyết áp loại này, người bệnh thường phải uống thuốc kéo dài, gần như là suốt đời. Khi thấy huyết áp tăng cao, bạn nên đi khám chuyên khoa Tim mạch để được chẩn đoán, phân biệt với các bệnh lý khác, từ đó bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp. Trong quá trình điều trị, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ đơn thuốc. 

Ngoài sử dụng thuốc, một số phương pháp có thể giúp người bệnh kiểm soát huyết áp như:

– Thường xuyên đo huyết áp tại nhà và tại các cơ sở y tế

– Thực hiện lối sống lành mạnh gồm giảm cân, giảm lượng muối, chất béo bão hòa trong khẩu phần, tập thể dục thường xuyên, hạn chế sử dụng chất kích thích, hút thuốc lá, kể cả hút thuốc thụ động…

– Kiểm soát tốt các bệnh lý khác, đặc biệt là các bệnh nguy cơ gây tăng huyết áp

Khám và điều trị tăng huyết áp thể vô căn

Khám với bác sĩ Tim mạch giúp chẩn đoán và điều trị bệnh tăng huyết áp hiệu quả.

Như vậy chúng ta vừa tìm hiểu về bệnh tăng huyết áp nguyên phát. Hi vọng những thông tin trong bài viết đã giúp bạn có thêm những kiến thức về căn bệnh này, nhận diện và điều trị hiệu quả. Các thông tin chỉ mang tính tham khảo, khi thấy các triệu chứng nghi ngờ, hãy thăm khám để được chẩn đoán và điều trị đúng hướng, ngăn những biến chứng nguy hiểm. 

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital