Tán sỏi ngược dòng bằng laser và những thông tin cần biết

Tham vấn bác sĩ
Thầy Thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII

Phạm Huy Huyên

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, Phụ trách Ngoại thận tiết niệu

Tán sỏi ngược dòng bằng laser tên gọi đầy đủ là tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser. Tên gọi được giải thích do ống nội soi sẽ đi ngược từ dưới niệu đạo lên và sỏi được tán vỡ bằng năng lượng laser. Đây là giải pháp được ứng dụng rất hiệu quả hiện nay.

1. Nguyên lý tán sỏi ngược dòng bằng laser

Phương pháp này sử dụng dụng cụ nội soi, thông qua đường tự nhiên để tiếp cận sỏi. Cụ thể, ống nội soi sẽ đi qua niệu đạo, vào bàng quang và tiến lên niệu quản (tùy thuộc vào vị trí cụ thể của sỏi). Sau khi xác định chính xác vị trí thì sẽ dùng năng lượng laser để bắn vỡ chúng.

Nguyên lý chính là tiến vào theo đường tự nhiên, từ đó không cần can thiệp  dao kéo. Năng lượng laser sẽ bắn vỡ sỏi mà không có tác động xấu tới các cơ quan bộ phận khác. Vì đường đi từ niệu đạo hướng lên nên gọi là ngược dòng. Và các loại sỏi bàng quang với các kích thước khác nhau, sỏi niệu ⅓ dưới đều áp dụng tốt phương pháp này.

Tán sỏi ngược dòng bằng laser sử dụng đường tự nhiên để tiếp cận sỏi

Tán sỏi ngược dòng bằng laser sử dụng đường tự nhiên để tiếp cận sỏi

2. Những ai có thể tán sỏi ngược dòng bằng laser?

Được cho  là phương pháp ưu việt thay thế mổ mở, phương pháp này áp dụng cho:

– Tất cả các loại sỏi bàng quang với mọi kích thước khác nhau

Sỏi niệu quản ⅓ giữa và ⅓ dưới điều trị bằng thuốc hoặc tán sỏi ngoài cơ thể không thành công

Người lớn mắc các loại sỏi trên với tình hình sức khỏe ổn định, không dị ứng với gây tê đều có thể tán sỏi ngược dòng. Tuy nhiên có một số trường hợp không áp dụng được như sau:

– Hẹp niệu đạo: Bệnh nhân hẹp niệu đạo không thể đưa dụng cụ nội soi tiến vào theo đường tự nhiên. Do đó, không áp dụng được tán sỏi ngược dòng

– Mắc u xơ tiền liệt tuyến

– Thận dị dạng hoặc tổn thương lỗ niệu quản như bị xơ hẹp, gấp khúc

– Nhiễm trùng đường niệu: Trường hợp này cần chữa khỏi trước khi tán sỏi

– Rối loạn đông máu: Thường không thể áp dụng phương pháp tán sỏi nào

Cần hỏi ý kiến bác sĩ về những trường hợp đặc biệt không thể áp dụng tán sỏi ngược dòng bằng laser

Cần hỏi ý kiến bác sĩ về những trường hợp đặc biệt không thể áp dụng tán sỏi ngược dòng bằng laser

3. Ưu nhược điểm

3.1. Ưu điểm của phương pháp tán sỏi ngược dòng bằng laser

Bất cứ  phương pháp điều trị sỏi nào cũng có những ưu nhược điểm riêng. Tán sỏi ngược dòng có ưu điểm như sau:

– Đưa dụng cụ qua niệu đạo nên không cần mổ, không sẹo và đau đớn được giảm bớt.

– Sỏi bàng quang to, rắn đều có thể áp dụng phương pháp này

– Ít biến chứng sau điều trị: Tán sỏi ngược dòng được đánh giá là an toàn đối với các bộ phận trong hệ tiết niệu

– Nhanh chóng: Cuộc tán sỏi chỉ diễn ra từ 30 – 1 tiếng đồng hồ

– Thời gian nằm viện rất ngắn: Chỉ trong vòng 1 ngày, bệnh nhân có thể ăn nhẹ sau 3 – 6 tiếng tán sỏi

3.2. Nhược điểm của phương pháp tán sỏi ngược dòng bằng laser

– Mặc dù được áp dụng cho hầu hết các trường hợp, một số bệnh nhân tuy sỏi nhỏ nhưng hẹp niệu đạo thì cũng không thể tán sỏi.

– Đối với những loại sỏi quá lớn, thời gian tán quá lâu thì cần can thiệp mổ mở.

– Biến chứng có thể xảy ra như: Tổn thương niệu quản, ống nội soi đặt lệch. Những điều này hoàn toàn có thể khắc phục khi lựa chọn đơn vị uy tín với các bác sĩ giàu kinh nghiệm.

Tán sỏi ngược dòng bằng laser có ưu điểm nổi bật là không mổ, ít đau, ít biến chứng

Tán sỏi ngược dòng bằng laser có ưu điểm nổi bật là không mổ, ít đau, ít biến chứng

4. Làm gì để phòng tái phát sau tán sỏi

Trong thời gian nằm viện, bệnh nhân sẽ được kiểm tra lại để xác định không còn sót sỏi trong hệ tiết niệu. Chỉ khi tình trạng ổn định thì mới về nhà. Tốt nhất nên tuân thủ mọi chỉ định từ bác sĩ chủ trị. Sỏi tuy hết tại thời điểm tán nhưng có thể tái phát vào sau này. Cần tái khám định kỳ để phát hiện bất thường và xử lý càng sớm càng tốt.

Bệnh sỏi có tái phát hay không phụ thuộc rất lớn vào sự giữ gìn, phòng trán của người bệnh. Chủ yếu là trong ăn uống, sinh hoạt hằng ngày. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ kỹ càng về những thực phẩm nên và không nên ăn, sinh hoạt ra sao. Một số thói quen cần lưu ý đó là:
– Đừng quên uống nhiều nước: Uống nước giúp trao đổi chất tốt, tiêu hóa tốt. Có thể làm trôi đi các lắng cặn có nguy cơ tạo sỏi. Lượng nước cần cung cấp hằng ngày rơi vào 2 – 2.5 lít tùy mỗi người.

– Tránh nhịn tiểu, tránh ngồi lâu

– Những thực phẩm cần tránh bổ sung đó là: Ăn đồ chiên rán, đồ quá mặn, các loại thức ăn chứa nhiều đạm, chứa thành phần oxalat. Những thực phẩm này đều thúc đẩy hình thành lắng cặn và tạo sỏi.

– Những thực phẩm cần được cung cấp hằng ngày đó là: Rau củ quả tươi, nước ép tự nhiên. Chú ý một số loại rau như rau bó xôi… không nên dùng nhiều cho  người sỏi thận.

– Thể dục hằng ngày để kích thích quá trình trao đổi chất trong cơ thể. Hạn chế lắng cặn.

– Hạn chế các loại chất kích thích, nên bổ sung dinh dưỡng qua thực phẩm tự nhiên thay vì thực phẩm chức năng

– Ngủ nghỉ đúng giờ chứ không nên thức khuya hay tạo áp lực cho bản thân.

Tán sỏi ngược dòng bằng laser được coi là bước tiến bộ rất lớn trong điều trị sỏi tiết niệu. Thời gian rút ngắn, đau đớn không còn, biến chứng ít đi là những ưu điểm nổi bật do phương pháp này mang lại. Người bệnh không nên chủ quan đối với các loại sỏi trong bàng quang, sỏi niệu quản vì chúng có thể gây tắc nghẽn và hỏng thận. Hãy thăm khám càng sớm càng tốt và tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ y khoa. Ngoài tán sỏi ngược dòng, đối với mỗi loại sỏi khác nhau sẽ có các giải pháp tán sỏi hữu hiệu khác. Do đó, bệnh nhân đừng quá lo lắng.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital