Tại Việt Nam, mỗi năm có 122.690 người bị tước đi mạng sống vì ung thư. Đáng nói, con số này ngày càng gia tăng mà không hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Bởi vậy, để bảo vệ sức khỏe chính mình bạn nên tham gia tầm soát ung thư định kỳ. Vậy tầm soát ung thư là gì? Bài viết này sẽ đem đến những thông tin hữu ích liên quan đến vấn đề này.
Menu xem nhanh:
1. Giúp bạn hiểu rõ tầm soát ung thư là gì?
Ung thư là mối quan tâm lớn đối với toàn cầu nói chung và đối với Việt Nam nói riêng. Theo thống kê năm 2020 của GLOBOCAN, số ca mắc và tử vong do ung thư trên toàn cầu đang có xu hướng gia tăng mạnh mẽ. Ước tính tại Việt Nam có tới 182.563 ca mắc mới và hơn 122.690 ca tử vong do mắc ung thư. Như vậy, cứ khoảng 100.000 người sẽ có 159 người được chẩn đoán mắc ung thư và có tới 106 người tử vong do căn bệnh nguy hiểm này. Đây là con số vô cùng đáng sợ, để giảm thiểu được tình trạng này thì tầm soát ung thư chính là cách tốt nhất để phòng ngừa, phát hiện sớm (nếu có bệnh) nhằm kịp thời điều trị và kéo dài thời gian sống cho người bệnh.
Tầm soát ung thư là việc áp dụng những phương pháp thăm khám hiện đại giúp phát hiện sớm các bệnh lý ung thư trong cơ thể. Thông qua thăm khám lâm sàng, xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh,… tầm soát ung thư sẽ giúp người bệnh phát hiện các tế bào ung thư. Thậm chí, ngay cả khi tế bào chưa phát triển thành khối u ác tính thì phương pháp này cũng có thể phát hiện và cảnh báo sớm cho người thăm khám. Bệnh ung thư ở giai đoạn sớm hầu hết có thể chữa khỏi bằng những biện pháp đơn giản và ít tốn kém.
2. Vai trò của tầm soát ung thư đối với con người hiện nay
Tình trạng ung thư tại nước ta đang gia tăng đa phần là do được phát hiện ở giai đoạn quá muộn. Nhiều người chỉ phát hiện được ung thư khi đã bước vào giai đoạn cuối của bệnh khiến quá trình điều trị trở nên vô cùng khó khăn. Đứng trước vấn đề này nhiều người đã lựa chọn tầm soát ung thư để bảo vệ sức khỏe chính mình. Vậy tầm soát ung thư đóng vai trò gì?
– Tầm soát ung thư sẽ giúp con người phát hiện các dấu hiệu bất thường hoặc các tế bào ung thư từ rất sớm. Từ đó người bệnh có thể tìm ra phương hướng để điều trị kịp thời.
– Tầm soát ung thư cũng giúp người bệnh tăng khả năng điều trị, tiết kiệm thời gian và chi phí.
– Phát hiện được các vấn đề khác liên quan đến sức khỏe bên cạnh bệnh ung thư.
– Giúp người thăm khám chủ động hơn trong việc bảo vệ sức khỏe.
Do đó, mỗi năm bạn nên tầm soát ung thư tối thiểu 1 lần để đảm bảo cơ thể luôn khỏe mạnh. Thông qua quá trình này, bạn cũng sẽ biết cơ thể mình đang thiếu gì, cần phải bổ sung gì để điều chỉnh lại cho phù hợp.
3. Tầm soát ung thư là làm gì?
3.1. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh thường áp dụng trong tầm soát ung thư là gì?
Một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến thường được sử dụng trong tầm soát ung thư bao gồm:
– Chụp MSCT: Chụp cắt lớp điện toán đa lát cắt (MSCT) là phương pháp áp dụng tia X quét lên một khu vực của cơ thể theo lát cắt ngang. Sau khi xử lý bằng máy tính MSCT sẽ có ra hình ảnh với lát cắt 2D hoặc 3D của bộ phận cần chụp.
– Chụp MRI: Chụp cộng hưởng từ MRI là kỹ thuật tạo hình cắt lớp sử dụng sóng từ trường và sóng của radio để cho ra những hình ảnh rõ nét với độ tương phản cao.
– Chụp X-Quang: Đây là phương pháp sử dụng tia X dưới một dạng bức xạ năng lượng cao đi xuyên qua các thành phần dịch và mô mềm của cơ thể để tạo nên hình ảnh.
Thông qua những phương pháp này, bác sĩ quan sát và phát hiện ra những dấu hiệu bất thường của người bệnh.
3.2. Các xét nghiệm thường gặp trong tầm soát ung thư là gì?
Tầm soát ung thư thông thường sẽ ứng dụng những xét nghiệm sau:
– Xét nghiệm nước tiểu.
– Xét nghiệm Marker ung thư.
Tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân cũng như nhu cầu thăm khám mà bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm phù hợp.
3.3. Lưu ý khi tham gia tầm soát ung thư
Trước khi tham gia tầm soát ung thư bạn cần lưu ý:
– Không ăn uống các thực phẩm có chứa cồn hoặc nước có ga.
– Nên đăng ký khám vào buổi sáng.
– Phụ nữ không tham gia tầm soát ung thư vào kỳ kinh nguyệt.
– Thực hiện tầm soát ung thư mỗi năm từ 1 đến 2 lần.
– Chuẩn bị các thông tin liên quan đến tiền sử bệnh lý, bệnh di truyền,… và các câu hỏi để được bác sĩ giải đáp.
– Mặc quần áo rộng rãi để quá trình thăm khám diễn ra thuận tiện.
Ngoài ra, mỗi một loại tầm soát ung thư sẽ có những lưu ý đặc biệt riêng, bạn nên liên hệ tới cơ sở y tế để được tư vấn trước khi tham gia tầm soát.