Tại sao sỏi bàng quang tiểu ra máu – cách điều trị

Tham vấn bác sĩ
Thầy Thuốc ưu tú, Bác sĩ CKII

Phạm Huy Huyên

Phó Giám đốc Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, Phụ trách Ngoại thận tiết niệu

Sỏi bàng quang tiểu ra máu là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh nhân mắc sỏi bàng quang. Tình trạng này có thể quan sát được bằng mắt thường và có các cấp độ màu sắc khác nhau trong nước tiểu tùy vào tình trạng sỏi của mỗi bệnh nhân.

1. Nguyên nhân sỏi bàng quang gây đi tiểu ra máu

1.1 Tại sao sỏi bàng quang gây tiểu ra máu?

Tiểu ra máu là một trong số các triệu chứng của bệnh sỏi bàng quang, sỏi đường tiết niệu. Nguyên nhân người bệnh đi tiểu ra máu là bởi viên sỏi nằm trong bàng quang di động theo dòng nước tiểu, tác động qua lại vào bề mặt bàng quang, hoặc kẹt tại cổ bàng quang mà không di chuyển được ra bên ngoài. Với hình dạng xù xì, bề mặt góc cạnh sỏi sẽ tác động khiến niêm mạc bàng quang bị tổn thương, vết thương càng lớn hoặc càng nhiều thì màu sắc nước tiểu sẽ thay đổi, nước tiểu có lẫn máu. Màu sắc nước tiểu lúc này nếu bạn chú ý quan sát sẽ nhận thấy sẽ có màu hồng nhạt như nước rửa thịt hoặc đậm hơn tùy vào tình trạng sỏi của mỗi người bệnh.

Tại sao sỏi bàng quang tiểu ra máu và cách điều trị

Viên sỏi nằm trong bàng quang, hoặc bất kỳ vị trí nào trong hệ tiết niệu đều sẽ di chuyển và chuyển động theo dòng chảy của nước tiểu

1.2 Các triệu chứng khác sỏi bàng quang tiểu ra máu

Bên cạnh triệu chứng tiểu máu, sỏi bàng quang có thể gây ra các biểu hiện khác, thông qua những dấu hiệu này bạn có thể nghi ngờ bệnh và đến bệnh viện thăm khám để kiểm tra, xác định chính xác liệu bản thân có đang mắc sỏi hay không.

– Tiểu ngắt quãng, tiểu nhiều lần, tiểu rắt, bí tiểu, tiểu không thuận lợi.

– Dòng nước tiểu yếu, nhỏ, người bệnh tiểu không hết nước ở bàng quang.

– Xuất hiện cơn đau tại khu vực bàng quang, cơn đau có thể lan xuống vùng háng, đùi, bẹn, bộ phận sinh dục.

– Ngoài ra bệnh nhân có thể gặp triệu chứng sốt cao, ớn lạnh, buồn nôn kết hợp với một số  triệu chứng kể trên, đó có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng.

1.3 Sỏi bàng quang gây tiểu ra máu có nguy hiểm không?

Việc tổn thương niêm mạc liên tục gây tiểu máu nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng cho người bệnh. Trong đó hệ lụy nghiêm trọng dễ dẫn đến nhất bởi tình trạng này đó là viêm bàng quang, nhiễm khuẩn đường tiết niệu. Các vết thương hở sẽ dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập và phát triển hình thành nên các biến chứng kể trên. Các biến chứng viêm nhiễm nếu không được điều trị triệt để sớm sẽ lại tiến triển tiếp tục thành các biến chứng khác là teo bàng quang, rò bàng quang. Nghiêm trọng hơn nữa là viêm thận, suy thận cấp tính hoặc mạn tính. Ngoài ra, việc mất máu kéo dài cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Vì vậy bạn không nên chủ quan với triệu chứng tiểu ra máu mà nên nhanh chóng đi thăm khám và điều trị kịp thời nguyên nhân gây tiểu máu do sỏi bàng quang.

Tại sao sỏi bàng quang tiểu ra máu và cách điều trị

Tiểu ra máu là một triệu chứng đáng chú ý cần quan tâm, nếu để kéo dài sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng

2. Giải pháp cho tình trạng sỏi bàng quang tiểu ra máu

2.1 Cải thiện triệu chứng tiểu ra máu bởi sỏi bàng quang tạm thời

Chế độ ăn uống hàng ngày sẽ là một biện pháp hàng đầu giúp người bệnh cải thiện tình trạng tiểu máu gây ra bởi sỏi bàng quang. Mục đích của chế độ ăn uống hợp lý sẽ không làm gia tăng kích thước sỏi, sử dụng các thực phẩm có tính kháng khuẩn để cải thiện, phục hồi tổn thương. Một số loại thực phẩm giúp ích cho người bệnh cải thiện được triệu chứng này đó là:

– Sử dụng các thực phẩm có tính kháng khuẩn: Tỏi, dấm táo, mật ong, nghệ… để tiêu diệt các vi khuẩn có hại, gây nên các bệnh lý viêm đường tiết niệu.

– Men vi sinh: Là sản phẩm có chứa probiotic rất tốt cho đường ruột, giúp ngăn ngừa và cải thiện các triệu chứng gây ra bởi viêm đường tiết niệu hay các bệnh lý viêm nhiễm khác. Sản phẩm này cũng cung cấp các vi khuẩn có lợi cho cơ thể.

– Bổ sung các loại rau xanh và hoa quả chứa nhiều vitamin, chất xơ giúp hỗ trợ hoạt động của hệ miễn dịch, tạo thuận lợi cho quá trình đào thải độc tố ra bên ngoài.

– Bổ sung nhóm thực phẩm chứa nhiều citrate tự nhiên (cam, chanh, bưởi) để chống lại khả năng tích tụ và hình thành sỏi.

– Bổ sung tối thiểu 2 lít nước mỗi ngày là điều quan trọng đối với mỗi người mắc bệnh sỏi bàng quang, sỏi tiết niệu nói chung.

2.2 Điều trị nguyên nhân gây tiểu máu bởi sỏi bàng quang

Chế độ ăn uống chỉ là biện pháp hỗ trợ, người bệnh nên sử dụng kết hợp tại nhà thường xuyên để gia tăng hiệu quả và kết quả trong khi thực hiện các phương pháp điều trị được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa.
Và để điều trị triệt để tình trạng tiểu ra máu khi mắc sỏi bàng quang thì người bệnh cần xử lý tình trạng sỏi hiện đang có trong bàng quang người bệnh. Điều đó có nghĩa rằng cần loại bỏ toàn bộ các viên sỏi bàng quang ra khỏi cơ thể, từ đó niêm mạc bàng quang phục hồi do không có những va chạm của sỏi, từ đó sẽ không xảy ra các vấn đề chảy máu.

Hiện nay có ba phương pháp được sử dụng để loại bỏ sỏi bàng quang đó là điều trị nội khoa sử dụng thuốc, tán sỏi bàng quang nội soi ngược dòng bằng laser, và mổ mở lấy sỏi.

Điều trị nội khoa được chỉ định sử dụng cho người bệnh có tình trạng sỏi mới hình thành, sỏi kích thước nhỏ chủ yếu dưới 5mm, có khả năng di chuyển được ra khỏi cổ bàng quang và niệu đạo để ra ngoài. Thông thường người bệnh ở giai đoạn sớm thường ít phát hiện ra bệnh bởi thời điểm này có thể sỏi chưa gây ra các triệu chứng điển hình.

Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser được chỉ định thực hiện đối với sỏi có kích thước <1cm hoặc >1cm không thể di chuyển ra khỏi bàng quang. Đây là phương pháp phổ biến và chủ lực để điều trị sỏi bàng quang hiện nay. Với cách này bệnh nhân được loại bỏ sỏi bằng kỹ thuật nội soi từ niệu đạo và bàng quang người bệnh, nghĩa là hoàn toàn theo đường ống dẫn nước tiểu của cơ thể. Thông qua quá trình nội soi sẽ bắn phá sỏi bằng laser và đưa vụn sỏi được phá vỡ ra bên ngoài cơ thể.

Mổ mở lấy sỏi là phương pháp điều trị sẽ được áp dụng cuối cùng khi bệnh nhân không đáp ứng với hai phương pháp điều trị trước đó, và tình trạng sỏi bàng quang đã gây ra biến chứng nặng nề cần loại bỏ nhanh chóng, không thể chần chừ thêm nữa.

Tại sao sỏi bàng quang tiểu ra máu và cách điều trị

Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser là phương pháp điều trị tiêu biểu, mang đến nhiều hiệu quả và lợi ích cho người bệnh

3. Kết luận

Sỏi bàng quang gây tiểu ra máu mặc dù không phải là một tình trạng bệnh lý nguy kịch nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Ngoài việc sử dụng thuốc hoặc các phương pháp điều trị ngoại khoa theo chỉ định của bác sĩ, hãy thiết lập cho chính bản thân một chế độ ăn uống sinh hoạt lành mạnh và khoa học để tăng cường sức khỏe và hỗ trợ cho quá trình điều trị đạt được hiệu quả tốt nhất.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital