Tại sao bị ung thư hậu môn?

Tham vấn bác sĩ
Bác sĩ CKII

Phạm Thái Sơn

Trưởng khoa Thăm dò chức năng - Nội soi tiêu hóa

Ung thư hậu môn không phải là bệnh hiếm gặp nhưng nhiều người khi được chẩn đoán mắc bệnh đều không biết tại sao bị ung thư hậu môn. Bài viết dưới đây sẽ giúp  bạn giải đáp thắc mắc này.

Ung thư hậu môn chính là sự phát triển bất thường của các tế bào ở hậu môn. Chúng nhân lên với mức độ nhanh và không thể kiểm soát được. Ung thư hậu môn thường xảy ra ở người trên 50 tuổi.

Tại sao bị ung thư hậu môn?

Theo các chuyên gia y tế, có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư hậu môn mà không phải ai cũng biết.

  • Do nhiễm virus HPV

Nhiều người lầm tưởng virus HPV chỉ gây ung thư cổ tử cung ở chị em phụ nữ. Virus này cũng có thể gây ung thư hậu môn, ung thư vòm họng (nếu quan hệ tình dục không an toàn bằng đường hậu môn hoặc đường miệng). Virus có thể lây lan từ người này sang người khác, đặc biệt dễ mắc ở những người có nhiều bạn tình, không sử dụng bao cao su khi quan hệ…

Quan hệ tình dục không an toàn có thể khiến bạn nhiễm virus HPV gây ung thư hậu môn

Quan hệ tình dục không an toàn có thể khiến bạn nhiễm virus HPV gây ung thư hậu môn

  • Sức đề kháng suy giảm

Khi sức đề kháng suy giảm sẽ làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác nhau từ lành tính tới ác tính, trong đó có ung thư hậu môn. Sức đề kháng yếu dần thường gặp ở những người nhiễm HIV/ AIDS, người cao tuổi, người đang điều trị các bệnh lý mạn tính…

  • Hút thuốc lá

Hút thuốc lá cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư hậu môn mà ít ai ngờ tới. Lý do là bởi trong thuốc lá có chứa nhiều chất độc hại có khả năng gây bệnh ung thư như ung thư phổi, vòm họng, thực quản…, hậu môn.

  • Từng mắc các bệnh ung thư khác

Những chị em mắc ung thư cổ tử cung, âm hộ… sẽ có nguy cơ bị ung thư hậu môn cao hơn người bình thường.

  • Viêm nhiễm hậu môn kéo dài

Tình trạng viêm nhiễm hậu môn kéo dài cũng là yếu tố khiến bạn bị ung thư hậu môn.

  • Chế độ ăn ít chất xơ

Chất xơ có trong các loại ngũ cốc hoặc rau,củ quả. Việc có chế độ ăn nghèo chất xơ sẽ kéo theo nguy cơ mắc bệnh trĩ hoặc gây khó khăn cho việc đại tiện dẫn tới nứt kẽ hậu môn. Vết nứt không được điều trị triệt để sẽ khiến bệnh nặng hơn, viêm nhiễm và làm tăng nguy cơ hình thành khối u.

Chế độ ăn ít chất xơ cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở đường tiêu hóa, trong đó có ung thư hậu môn

Chế độ ăn ít chất xơ cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở đường tiêu hóa, trong đó có ung thư hậu môn

Ung thư hậu môn thường dễ bị  nhầm với bệnh trĩ do các triệu chứng khá tương đồng. Chính vì thế nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu như:

  • Chảy máu ở hậu môn
  • Ngứa hậu môn
  • Có khối u ở lỗ hậu môn
  • Đau hoặc cảm giác vướng đầy ở hậu môn
  • Dịch tiết hậu môn bất thường
  • Sưng hạch vùng bẹn hoặc hậu môn
  • Ăn uống kém, gầy sút

Bạn cần đi khám ngay để các bác sĩ chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe.

Cách phát hiện sớm ung thư hậu môn

Hiện nay, để phát hiện sớm ung thư hậu môn, ngoài việc căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng (nếu có) thì bạn cần tới trực tiếp các cơ sở y tế để kiểm tra.

Bác sĩ sẽ thực hiện các bước kiểm tra đơn giản sau:

  • Khám hậu môn bằng tay: Đầu tiên bác sĩ sẽ quan sát bên ngoài hậu môn để xem vùng da xung quanh có gì bất thường hay không. Sau đó bác sĩ sẽ đưa ngón tay trỏ vào trong vùng hậu môn để sờ xem có u cục hay dịch bất thường, chảy máu không. Khi thực hiện bước thăm khám này, bạn có thể gặp phải tình trạng ngại ngùng, đau hoặc khó chịu. Tuy nhiên phương pháp kiểm tra này sẽ diễn ra nhanh chóng nên bạn không cần quá lo lắng.
Bạn cần đi khám để bác sĩ kiểm tra hậu môn, tìm kiếm khối u

Bạn cần đi khám để bác sĩ kiểm tra hậu môn, tìm kiếm khối u

  • Soi hậu môn: việc tiến hành soi hậu môn có thể giúp phát hiện những bất thường, tổn thương bên trong vùng hậu môn. Soi hậu môn có thể phát hiện chính xác vị trí, kích thước khối u.
  • Sinh thiết: được áp dụng trong trường hợp khám hậu môn hoặc soi hậu môn có khối u bất thường. Bác sĩ sẽ lấy mẫu bệnh phẩm từ tế bào bất thường và đem đi kiểm tra nhằm xác định tính chất là u lành tính hay ác tính.
  • Để kết luận chính xác về mức độ di căn của tế bào ung thư hậu môn, người bệnh cần phải làm thêm CT hoặc MRI để đánh giá bệnh.

Các phương pháp thăm khám ung thư hậu môn sẽ do bác sĩ chỉ định cụ thể dựa trên kết quả khám lâm sàng của từng người. Tùy vào kết quả xét nghiệm, chẩn đoán chuyên sâu, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Cũng giống các bệnh ung thư khác, ung thư hậu môn nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, tỷ lệ chữa khỏi sẽ cao hơn việc phát hiện và chữa trị muộn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Chia sẻ:
Từ khóa:

Tin tức mới
Đăng ký nhận tư vấn
Vui lòng để lại thông tin và nhu cầu của Quý khách để được nhận tư vấn
Connect Zalo TCI Hospital